Hôm thứ Ba (ngày 23/5), Chính phủ Nhật Bản đã chính thức công bố sẽ đưa 23 mặt hàng, bao gồm cả thiết bị sản xuất chip tiên tiến vào danh sách kiểm soát xuất khẩu. Ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc lo ngại rằng điều này sẽ khiến việc sản xuất chip cấp thấp hơn cũng bị ảnh hưởng.

shutterstock 2127828200
(Ảnh minh họa: IM Imagery/ Shutterstock)

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã công bố vào thứ Ba (23/5) rằng các hạn chế xuất khẩu đối với 23 công nghệ sản xuất chất bán dẫn sẽ có hiệu lực vào ngày 23/7. Biện pháp này được coi là động thái của Nhật Bản nhằm siết chặt các hạn chế đối với việc Trung Quốc tiếp cận các công nghệ sản xuất chip (chất bán dẫn) chủ chốt, để giữ sự nhất trí với Mỹ và Hà Lan. Những con chip này được sử dụng trong mọi thứ, từ ô tô đến máy giặt.

Financial Times đưa tin, các quản lý cấp cao của ngành công nghiệp Trung Quốc đã nghiên cứu quy định cụ thể trong kế hoạch hạn chế này, nói rằng các hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản có thể đi xa hơn Mỹ trong việc hạn chế khả năng sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc.

“Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Nhật Bản càng khiến Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ) bất an hơn hơn nhiều so với lệnh trừng phạt của Washington năm ngoái”, một quản lý cấp cao của một nhà máy sản xuất chip Trung Quốc, người yêu cầu giấu tên cho biết.

Tháng 10 năm ngoái, Washington đã áp đặt các hạn chế đối với việc xuất khẩu thiết bị có khả năng sản xuất chip dưới 14 nanomet (nm). Tuy nhiên, các hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản bao gồm các chip cơ bản ở 45 nanomet.

Hôm thứ Ba, Bộ Thương mại Trung Quốc bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới của Nhật Bản, nói rằng Trung Quốc có quyền thực hiện các biện pháp để bảo vệ các quyền và lợi ích “hợp pháp” của mình.

“Nhật tiến xa hơn”

Theo Luật Ngoại hối và Ngoại thương, Nhật Bản kiểm soát việc xuất khẩu vũ khí và các hàng hóa khác có thể được chuyển sang mục đích quân sự. Những mặt hàng xuất khẩu này cần có sự chấp thuận trước của Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp.

23 mặt hàng mới sẽ yêu cầu giấy phép riêng trừ khi chúng được vận chuyển đến 42 quốc gia và khu vực thân thiện được chỉ định.

Mỹ đã hạn chế nghiêm ngặt việc xuất khẩu sang Trung Quốc các thiết bị sản xuất chất bán dẫn tiên tiến được sử dụng trong siêu máy tính và trí tuệ nhân tạo, đồng thời yêu cầu Nhật Bản và Hà Lan thực hiện các biện pháp hạn chế tương tự. Tháng 10 năm ngoái, Washington đã áp đặt các hạn chế đối với việc xuất khẩu thiết bị có khả năng sản xuất chip thu nhỏ dưới 14nm.

Các công nghệ sản xuất chip ở các thời đại khác nhau có thể là do sự phát triển của các quy trình nano. Ví dụ: các chip tiên tiến nhất dành cho điện thoại thông minh là 3nm, trong khi các chip hoàn thiện hơn cho thiết bị gia dụng, ô tô và thiết bị IoT được sản xuất từ ​​28nm trở lên.

Tuy nhiên, các hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản bao gồm các chip cơ bản ở 45 nanomet, bao gồm các thiết bị như máy quang khắc nhúng do Nikon cung cấp, một số trong số đó có thể không thể thiếu để sản xuất chip tiên tiến.

Một quan chức Chính phủ Trung Quốc hợp tác chặt chẽ với các nhà sản xuất chip cho biết, ‘gã khổng lồ’ máy quang khắc Hà Lan ASML dự kiến ​​sẽ chỉ áp đặt các hạn chế đối với các máy sản xuất chip tiên tiến, trong khi đối thủ nhỏ hơn của họ là Nikon phải đối mặt với các hạn chế rộng hơn ở Nhật Bản.

“Những gì Chính phủ Nhật Bản đang nói là họ sẽ yêu cầu giấy phép cho mọi thứ. Việc họ có cấp những giấy phép đó hay không là một câu hỏi … người Nhật đã đi xa hơn,” vị quan chức này nói.

Nikon cho biết, họ không lường trước được bất kỳ tác động nào từ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Nhật Bản trong năm tài chính 2023-2024 hiện tại.

Một người thân cận với ASML nói với Financial Times rằng công ty vẫn đang chờ thông tin chi tiết cuối cùng từ Chính phủ Hà Lan. Chính phủ Hà Lan dự kiến ​​sẽ làm rõ các hạn chế của mình vào giữa tháng Bảy.

Các hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản có thể ảnh hưởng đến sản xuất chip cấp thấp của Trung Quốc

Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn Trung Quốc, đại diện cho 900 công ty, đã cảnh báo vào tháng trước rằng những hạn chế có thể có của Nhật Bản đối với việc xuất khẩu thiết bị là “quá rộng” và có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng cho các công nghệ chip trưởng thành hơn.

Theo công ty nghiên cứu TrendForce, các chip được sản xuất ở quy trình 28nm trở lên dự kiến ​​sẽ chiếm 75% đến 80% khả năng sản xuất của các nhà sản xuất gia công toàn cầu trong vòng 3 năm tới.

Việc sản xuất chip tinh vi này cũng là một phần quan trọng trong chiến lược của Trung Quốc nhằm ứng phó lại các hạn chế của Mỹ. SMIC, nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc, đã tăng cường sản xuất chip cấp thấp sau khi bị đưa vào danh sách thực thể kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. Công ty này đang xây mới 4 nhà máy.

Mặc dù Chính phủ ĐCSTQ cung cấp hỗ trợ tài chính và chính sách cho các nhà cung cấp thiết bị địa phương, nhưng quốc gia này vẫn phụ thuộc nhiều vào các công cụ sản xuất chip nhập khẩu. Từng có thời điểm họ hy vọng chuyển sang Nhật Bản và Hàn Quốc để thay thế công nghệ của Mỹ khi căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Ngày 21/5, Trung Quốc thông báo rằng họ sẽ ngừng mua các sản phẩm từ công ty bán dẫn khổng lồ Micron Technology của Mỹ cho cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng, với lý do rủi ro lớn đối với an ninh quốc gia, khiến Mỹ chỉ trích.