Thứ Sáu (ngày 3/6) đánh dấu 100 ngày cuộc chiến của Nga tại Ukraine. Các nhà phân tích quân sự phương Tây từng dự đoán một cuộc xâm lược gây sốc, kinh hoàng và “tốc chiến tốc thắng” dành cho các lực lượng Nga sau mở màn ấn tượng; tuy vậy mọi chuyện sau đó đã không diễn ra dễ dàng với Moscow giống như biến cố Crimea hồi năm 2014.

Sau đây là cách mà ‘hoạt động quân sự đặc biệt’, theo lời của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã từng bước từng bước phát triển thành một cuộc chiến tiêu hao đẫm máu.

tin nhanh Copy 3
Ảnh: Bộ quốc phòng Ukraine

Giai đoạn một: Cuộc xâm lăng

– Ngày thứ nhất: 24 tháng 2

Chiến dịch quân sự của Nga bắt đầu bằng các đợt tấn công bằng tên lửa trên toàn bộ lãnh thổ Ukraine. Lực lượng của Putin tiến đánh trên đất liền về phía thủ đô Kyiv đến từ Sen’kivka, và về Kherson từ Crimea.

Một cuộc đổ bộ từ Biển Azov phát động nỗ lực tranh chấp gay gắt nhằm chiếm được thành phố chiến lược Mariupol.

Tại Kyiv, lính dù Nga được cho là đã hai lần cố gắng xông vào dinh tổng thống để ám sát Volodymyr Zelensky.

– Ngày thứ hai: 25 tháng 2

Từ trung tâm Kyiv đến Đảo Rắn trên Biển Đen, người Ukraine cho thấy sự kháng cự của họ mạnh mẽ hơn mọi dự đoán.

Tổng thống Zelensky đăng một đoạn video tự quay cho thấy ông vẫn ở thủ đô và không chấp nhận đề nghị sơ tán của Mỹ.

– Ngày thứ tư: 28 tháng 2

Những giờ đầu tiên của cuộc chiến báo hiệu sự thất thủ nhanh chóng của Ukraine khi một phi đội trực thăng Nga dường như đã giành được quyền kiểm soát sân bay Hostomel bên ngoài Kyiv. Địa điểm then chốt này có thể cho phép Nga triển khai quân đội và khí tài từ ngoại ô vào trung tâm thành phố.

Tuy vậy trên thực tế, đợt tiến công của quân Nga đã vấp phải giằng co quyết liệt, và sang ngày thứ 4, sân bay Hostomel đã trở thành khu vực tiền tuyến.

Trong khi đó, nhiều thường dân Ukraine đã tham gia vào nỗ lực ngăn cản xe tăng và thiết giáp Nga tiến vào lãnh thổ đất nước.

Trong cuộc đàm phán hòa bình đầu tiên giữa Kyiv và Moscow, Nga yêu cầu công nhận chủ quyền của mình đối với Crimea, “phi quân sự hóa” và “phi phát xít hóa” Ukraine và đảm bảo Ukraine sẽ không bao giờ gia nhập NATO. Ukraine yêu cầu Nga rút quân hoàn toàn.

– Ngày thứ sáu: 2 tháng 3

Gần một tuần sau cuộc chiến, các lực lượng Nga đã bao vây Mariupol, thành phố phía nam Ukraine, trung tâm xuất khẩu có tầm quan trọng chiến lược.

Cùng ngày, quân Nga chiếm được thành phố Kherson, giúp Moscow kiểm soát gần như hoàn toàn “cây cầu trên bộ” giữa Crimea và vùng Donetsk thuộc Donbass, do các lực lượng thân Nga chiếm đóng.

Giai đoạn hai: Sa lầy

– Ngày thứ 10: 6 tháng 3

Đến ngày thứ 10 của cuộc chiến, cây cầu chính bắc qua sông Irpin và một con đập có từ thời Liên Xô trên sông đã bị phá hủy, gây ngập lụt một khu vực rộng lớn ở phía tây của thủ đô Kyiv.

Hàng nghìn người tị nạn Ukraine phải sơ tán qua đống đổ nát của cây cầu. Pháo kích vẫn dữ dội, nhưng các lực lượng Nga cho thấy họ đang vấp phải khó khăn ngày càng lớn trong việc tiến vào Kyiv.

– Ngày thứ 15: 11 tháng 3

Hai tuần sau cuộc chiến, Lầu Năm Góc tuyên bố rằng, một đoàn xe quân sự Nga dài đến 40 dặm, gồm xe tăng, xe bọc thép và pháo kéo, ở phía Tây bắc của Kyiv đã “chuyển vào vị trí khai hỏa”.

Tuy vậy đoàn xe này đã vấp phải sự chống trả quyết liệt từ phía lực lượng Ukraine.

Cùng ngày, xuất hiện cảnh quay về một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào các phương tiện bọc thép của Nga gần Brovary ở phía đông của Kyiv. Trung đoàn trưởng, đại tá Andrei Zakharov, được cho là đã thiệt mạng.

– Ngày thứ 20: 16 tháng 3

Mariupol vẫn bị bao vây nhưng có sự kháng cự mạnh. Một cuộc không kích của Nga đã bất ngờ tấn công nhà hát chính của thành phố, nơi có hàng ngàn thường dân đang trú ẩn.

Moscow bác bỏ mọi cáo buộc, đồng thời cho rằng Tiểu đoàn Azov của Ukraine đã gây ra vụ việc.

Nga thông qua một đạo luật trừng phạt những gì họ gọi là “tin tức giả” về chiến tranh – chẳng hạn như gọi “hoạt động quân sự đặc biệt” là một “cuộc xâm lược”. Mức án có thể lên đến 15 năm tù.

– Ngày thứ 26: 22 tháng 3

Chính quyền Ukraine cho biết các lực lượng Nga chỉ còn lại lượng tiếp tế trong 3 ngày; các bằng chứng cho thấy đoàn xe quân sự dài 40 dặm ở phía Bắc Kyiv đang ở trong tình trạng bị đình trệ rõ ràng.

Nhưng đội quân của Tổng thống Putin vẫn tiến sâu vào Mariupol.

Giai đoạn ba: Rút lui và định hướng lại

– Ngày thứ 33: 29 tháng 3

Trong cuộc hội đàm với Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà đàm phán Nga tuyên bố sẽ “giảm triệt để hoạt động quân sự” gần Kyiv và Chernihiv.

Trên thực tế, các cuộc pháo kích vẫn tiếp diễn khi lực lượng Nga bắt đầu rút lui khỏi miền bắc Ukraine. Trong ngắn hạn, Moscow từ bỏ các mặt trận này và di chuyển một số đơn vị đến mặt trận phía đông. Các lực lượng Ukraine tiến vào Bucha, tuyên bố tìm thấy nhiều bằng chứng về hành động tàn bạo của quân đội Nga. Điện Kremlin tiếp tục bác bỏ mọi cáo buộc về sự việc ở Bucha, nói rằng hình ảnh các thi thể là giả.

– Ngày thứ 50: 14 tháng 4

Lực lượng Ukraine đánh chìm soái hạm ​​Moskva của Nga trên Biển Đen. Kyiv cho biết quân đội của họ đã bắn trúng Moskva bằng 2 quả tên lửa chống hạm Neptune.

Nga cố gắng khẳng định vụ chìm tàu ​​là do hỏa hoạn và sóng lớn trong khi Moskva được kéo về cảng tại Sevastopol ở Crimea để sửa chữa.

Đánh chìm soái hạm Moskva được xem là một chiến thắng mang tính biểu tượng quan trọng cho Ukraine, nhưng hải quân Nga vẫn tiếp tục phong tỏa biển Đen.

– Ngày thứ 54: 18 tháng 4

Sau gần ba tuần tương đối yên ổn, trong khi quân đội Nga tập hợp và bố trí lại lực lượng, chính phủ Ukraine thông báo rằng một chiến dịch tấn công mới đã bắt đầu ở Donbass, miền Đông đất nước.

Mục tiêu chiến lược của Nga dường như là bao vây các hoạt động triển khai chính của Ukraine tại tiền tuyến với các khu vực ly khai thân Moscow.

Các trận đánh khốc liệt tại Izyum và trên chiến tuyến cũ gần Donetsk diễn ra gần như hàng ngày.

– Ngày thứ 57: 21 tháng 4

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố tổ hợp nhà máy thép khổng lồ Azovstal ở Mariupol phải được phong tỏa “để một con ruồi cũng không thể bay qua”, nhưng đồng thời lệnh cho lực lượng Nga không được xông vào để tránh tổn thất về sinh mạng.

Khu phức hợp công nghiệp này là nơi trú ẩn cuối cùng của quân phòng thủ Ukraine tại Mariupol và của một số thường dân.

Trong thực tế, các cuộc tấn công vẫn diễn ra tiếp tục.

– Ngày thứ 75: 9 tháng 5

Các nhà phân tích suy đoán rằng Tổng thống Putin sẽ sử dụng bài phát biểu tại cuộc diễu hành quân sự ở Moscow để tuyên bố chiến thắng ở Mariupol hoặc một nơi khác, nhưng ông Putin đã không nói gì về điều này.

Lực lượng phòng thủ Mariupol vẫn ẩn nấp trong nhà máy Azovstal, và mặt trận phía đông đang tiến triển rất chậm chạp. Nga hủy bỏ một cuộc trình diễn máy bay tại Quảng trường Đỏ vì lý do “thời tiết xấu”.

Giai đoạn bốn: Sau Mariupol

– Ngày thứ 77: 11 tháng 5

Các nhà lập pháp Mỹ ủng hộ gói viện trợ quân sự, kinh tế và nhân đạo trị giá 40 tỷ USD cho Ukraine.

– Ngày thứ 79: 13 tháng 5

Điểm yếu bắt đầu bộc lộ trong chiến dịch tấn công Donbass của Nga.

Kế hoạch bao vây các lực lượng Ukraine bằng cách sử dụng cầu phao bắc qua sông Siverskyi Donets ở phía đông nam Izyum đã bị phá vỡ, dẫn đến tổn thất đáng kể cho đội quân của Tổng thống Putin.

Trong khi đó, các lực lượng Nga được cho là buộc phải rút lui khỏi vùng ngoại ô Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, vốn bị bắn phá nặng nề kể từ đầu cuộc chiến.

– Ngày thứ 82: 17 tháng 5

Lực lượng phòng thủ Mariupol kháng cự trong tổ hợp nhà máy Azovstal cuối cùng đã đầu hàng và bị các lực lượng Nga đưa lên xe bus, di chuyển đi. Chính phủ Kyiv nói rằng những chiến binh của họ sẽ trở về như một phần của việc trao đổi tù nhân, nhưng một số quan chức Nga tuyên bố những quân nhân Ukraine này có thể bị đưa ra xét xử.

Ngày 21 tháng 5: Trận chiến giành Mariupol kết thúc. Gần 2.500 binh sĩ Ukraine đầu hàng và bị Nga bắt làm tù binh.

– Ngày thứ 98: 1 tháng 6

Hơn 6.800.000 người Ukraine đã phải di tản ra nước ngoài kể từ đầu cuộc chiến. Nhưng hơn 4 triệu người cũng đã quay trở về.

Bước sang ngày thứ 100 của cuộc chiến, các lực lượng Ukraine đang chịu áp lực rất lớn ở mặt trận phía đông. Quân đội Nga đã xác định Severodonetsk là mục tiêu chiến lược tiếp theo và đang thúc đẩy bao vây thành phố. Không rõ phía Ukraine có thể cầm cự duy trì được trong bao lâu.

Kyiv tuyên bố Moscow hiện đã chiếm đóng 20% lãnh thổ nước này, bao gồm bán đảo Crimea mà Nga từng sáp nhập năm 2014.

Phong Vân (t/h)