Giới chính trị, y tế và truyền thông Myanmar cho biết, cảnh sát nước này đã nổ súng vào những người biểu tình hôm Chủ nhật (28/02), đây là ngày đẫm máu nhất trong thời gian diễn ra biểu tình chống đảo chính quân sự, ít nhất 18 người thiệt mạng và hơn 30 người bị thương.

Embed from Getty Images

Cảnh sát Myanmar tiếp tục trấn áp những người biểu tình. (Ảnh: SAI AUNG MAIN / AFP /Getty Images)

Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết: “Cảnh sát và quân đội đã sử dụng vũ lực gây sát thương và ít gây sát thương hơn đối với những người biểu tình ôn hòa. Theo thông tin đáng tin cậy mà Văn phòng Nhân quyền LHQ nhận được, lực lượng này đã làm ít nhất 18 người chết và hơn 30 người bị thương.” 

Kể từ ngày 1/2, khi quân đội nắm chính quyền và bắt giam bà Aung San Suu Kyi cùng các nhà lãnh đạo khác, cho đến nay, Myanmar liên tục diễn ra biểu tình phản đối đảo chính quân sự.

Cuộc đảo chính dẫn đến việc dừng các bước dự kiến ​​hướng tới dân chủ sau gần 50 năm cầm quyền của quân đội, đã thu hút hàng trăm nghìn người xuống đường, cũng như bị các nước phương Tây lên án.

Theo Reuters, sau khi tung lựu đạn gây choáng (stun grenades), hơi cay và bắn vào không trung để giải tán đám đông người biểu tình. Cảnh sát bắt đầu nổ súng vào những người biểu tình ở nhiều nơi khác nhau tại Yangon, thành phố lớn nhất của Myanmar, Quân đội cũng được điều đến để tăng viện cho cảnh sát.

Hình ảnh trên các kênh truyền thông cho thấy một số người bị thương đã được những người biểu tình kéo đi, để lại những vết bẩn đẫm máu trên vỉa hè. Một người đàn ông đã chết sau khi được đưa đến bệnh viện với một viên đạn bắn vào ngực, một bác sĩ yêu cầu giấu tên cho biết.

Khi cảnh sát bắn bom sốc để xua đuổi một nhóm giáo viên biểu tình ở Yangon, một cô giáo đã tử vong. Con gái bà và một đồng nghiệp cho biết bà bị nghi là đã tử vong vì đau tim.

Chính trị gia Kyaw Min Htike nói với Reuters rằng tại thành phố Dawei, miền nam nước này, cảnh sát đã nổ súng khiến 3 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.

Truyền thông Myanmar đưa tin, hai người đã thiệt mạng trong một cuộc biểu tình ở Mandalay, thành phố lớn thứ hai của nước này.

Người dân và truyền thông địa phương cho biết cảnh sát cũng đang giải tán các cuộc biểu tình ở các thị trấn khác, bao gồm Lashio ở phía đông bắc và Myeik ở phía nam.

tấn công người biểu tình Myanmar 28 tháng 2
Quân đội tấn công người biểu tình Myanmar hôm 28/2/2021. (Ảnh: Cắt từ các video)

Người biểu tình: Không bao giờ đầu hàng

Mặc dù tuần trước, lãnh đạo quân đội Min Aung Hlaing cho biết, nhà chức trách đang sử dụng vũ lực tối thiểu để đối phó với các cuộc biểu tình. Tuy nhiên, cho đến nay, đã có ít nhất 10 người biểu tình thiệt mạng. Quân đội cho biết, một cảnh sát đã chết.

Embed from Getty Images

Biểu tình ở Yangon ngày 28/2. (Ảnh: SAI AUNG MAIN / AFP / Getty Images)

Theo Reuters, cuộc đàn áp dường như thể hiện quyết tâm của quân đội trong việc áp đặt quyền lực của mình khi đối mặt với sự phản kháng đang lan rộng, không chỉ trên đường phố mà rộng hơn là trong các cơ quan dân sự, chính quyền thành phố, tư pháp, giáo dục, y tế và truyền thông.

Ông Phil Robertson, Phó giám đốc Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Khu vực Châu Á, nhận xét: “Việc sử dụng vũ lực gây chết người ở nhiều thành phố rõ ràng đang leo thang … là hành vi thái quá và không thể chấp nhận được.”

Tại thành phố Yangon, đến chiều chủ nhật, hàng trăm người biểu tình vẫn không chịu rời đi. Nhiều người lập rào chắn, trong khi những người khác hô khẩu hiệu và hát các bài hát phản đối.

“Nếu họ tấn công chúng tôi, chúng tôi sẽ phòng ngự. Chúng tôi sẽ không bao giờ quỳ gối trước quân đội,” Nyan Win Shein, người tham gia một cuộc biểu tình ở Yangon, nói.

Cảnh sát cũng ném bom sốc bên ngoài một ngôi trường y ở Yangon, khiến các bác sĩ và sinh viên mặc áo khoác trắng bỏ chạy tán loạn. Một nhóm được gọi là Liên minh y tế Whitecoat nói rằng hơn 50 nhân viên y tế đã bị bắt giữ.

Đài truyền hình nhà nước MRTV của Myanmar cho biết, khi cảnh sát phát động chiến dịch trấn áp toàn quốc hôm thứ Bảy, hơn 470 người đã bị bắt. Không rõ có bao nhiêu người đã bị giam giữ vào ngày Chủ nhật.

Gieo rắc nỗi khiếp sợ

Reuters đưa tin, nhà hoạt động thanh niên Esther Ze Naw nói rằng mọi người đang chiến đấu với nỗi sợ hãi khi phải sống dưới sự cai trị của quân đội.

“Rõ ràng là họ (quân đội) đang cố gắng gieo rắc nỗi sợ hãi cho chúng tôi bằng cách khiến chúng tôi phải chạy trốn.” Bà nói: “Chúng tôi không thể chấp nhận điều đó.”

Embed from Getty Images

Những người biểu tình ở Yangon ngày 28/2 đối mặt với hơi cay do cảnh sát bắn ra. (Ảnh của SAI AUNG MAIN / AFP qua Getty Images)

Một ngày sau khi quân đội thông báo rằng Đại sứ Myanmar tại LHQ bị sa thải vì đã kêu gọi hành động từ LHQ để phản đối sự cai trị của quân đội, Bộ Ngoại giao thông báo rằng các nhà ngoại giao tại một số đại sứ quán khác đang bị triệu hồi.

Ông Kyaw Moe Tun, Đại sứ Myanmar tại LHQ, nói với Reuters: “Tôi quyết định cố gắng hết sức để chống lại [cuộc đảo chính].”

Mặc dù các nước phương Tây lên án cuộc đảo chính của quân đội Myanmar và một số nước đã áp đặt các biện pháp trừng phạt hạn chế, nhưng chính quyền quân sự Myanmar luôn từ chối các áp lực ngoại giao.

Quân đội Myanmar tuyên bố rằng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo đã giành chiến thắng cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái thực chất là thông qua gian lận. Đây là lý do của quân đội để phát động cuộc đảo chính. Ủy ban Bầu cử và các chính phủ phương Tây đã bác bỏ cáo buộc.

Sau khi phát sinh cuộc đảo chính, quân đội Myanmar đã ban bố tình trạng khẩn cấp và quân đội sẽ kiểm soát đất nước trong một năm. Họ hứa sẽ tổ chức các cuộc bầu cử mới, nhưng không ấn định ngày.

Theo Trương Đình, Hoa Tử Minh, Epoch Times

Xem thêm: