Báo cáo việc làm tại Mỹ vừa phát hành hôm thứ Sáu (5/7) cho thấy nền kinh tế Mỹ trong tháng Sáu đã bổ sung thêm 224.000 việc làm. Điều này củng cố thêm cảm giác rằng tăng trưởng kinh tế sẽ là một trong những động lực chính giúp Tổng thống Trump tái đắc cử vào năm tới.

Embed from Getty Images

Báo cáo hôm thứ Sáu của Cục Thống kê Lao động Mỹ cho thấy tăng trưởng việc làm tập trung vào ngành sản xuất, xây dựng và một số ngành khác. Lương của người lao động cũng tăng nhẹ.

Sau khi nền kinh tế Mỹ chỉ bổ sung thêm 75.000 việc làm trong tháng Năm, đã có những quan ngại lan rộng rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đang bị trượt khỏi đà tăng trưởng và hoàn toàn có thể xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế trước năm bầu cử 2020.

Tuy nhiên, những lo ngại nêu trên đã tan biến sau báo cáo việc làm mới nhất. Tổng thống Trump tự tin chia sẻ với báo giới hôm 5/7: “Chúng ta đã có những số liệu tuyệt vời vào sáng nay. Và nước ta tiếp tục làm thực sự tốt, thực sự, thực sự tốt. Vì vậy, chúng tôi rất hài lòng về điều đó. Tôi nghĩ chúng ta sẽ, chúng ta sẽ phá vỡ các kỷ lục.

Theo quan điểm của Tổng thống Trump, tin tức xấu duy nhất của tăng trưởng việc làm mạnh là khả năng nó sẽ dẫn tới việc Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại. Ông Trump cho rằng việc cắt giảm lãi suất sẽ thúc đẩy nền kinh tế, và ông đã nhiều lần chỉ chính FED để lãi suất cao.

Nếu FED đã giảm lãi suất, chúng ta đã có nền kinh tế như tàu gắn động cơ tên lửa, nhưng mà [thực tế] chúng ta đang phải trả nhiều lãi và đó là không cần thiết,” ông Trump nói hôm 5/7. “Nhưng FED không biết điều họ đang làm, vì vậy đó là một trong những điều nhỏ không tốt. Nhưng FED mà giảm lãi suất, chúng ta sẽ có nền kinh tế gắn động cơ tên lửa.

Tờ The Hill nhận định tăng trưởng việc làm mạnh mẽ tháng Sáu cũng tạo cho ông Trump đòn bẩy trong các cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và Liên minh Châu Âu (EU) khi các nền kinh tế này đang tăng trưởng chậm. Số liệu việc làm tích cực củng cố cảm giác rằng nền kinh tế Mỹ đang sống sót dù thuế cao đánh vào hàng Mỹ xuất khẩu, và rằng Trung Quốc và EU nên đàm phán để Mỹ giảm thuế quan đang áp lên hàng hóa của họ.

Ngoại giới bày tỏ ngạc nhiên với sự phục hồi của thị trường lao động Mỹ với tỷ lệ thất nghiệp 3,7% – mức thấp nhất trong lịch sử. Báo cáo việc làm mới nhất cũng cho thấy rằng người lao động Mỹ đang quay trở lại nền kinh tế để tìm kiếm việc làm.

Giám đốc điều hành Sophia Koropeckyj của hãng phân tích tài chính Moody’s trong bài viết nghiên cứu hôm thứ Sáu (5/7) cho biết: “Không nên bỏ qua thị trường lao động mà đã liên tục tăng trưởng hàng tháng trong 9,5 năm qua. Chúng ta vẫn đang trong giai đoạn tăng trưởng chưa từng thấy.

Theo The Hill, tính đến hết tháng Bảy vừa qua, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng trong 121 tháng liên tiếp. Mặc dù ông Trump mới làm tổng thống 31 tháng trong chuỗi 121 tháng tăng trưởng này, nhưng tỷ lệ thất nghiệp đã xuống mức thấp nhất trong lịch sử và sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đã tăng tốc dưới sự điều hành của tổng thống đảng Cộng hòa này.

Ông Valerie Wilson, Giám đốc tại Viện Chính sách Kinh tế, một nhóm nghiên cứu thiên tả nhận xét rằng: “Mặc dù tăng trưởng việc làm trong tháng Năm và tháng Hai của năm nay thấp hơn xu hướng chung, nhưng tăng trưởng việc làm mạnh mẽ trong tháng Sáu là dấu hiệu cho thấy rằng nền kinh tế [Mỹ] không bị suy giảm khi nó đang tiếp cận tới mức bão hòa việc làm.

Trước báo cáo việc làm hai ngày, nhà đầu tư Mỹ cũng đón tin vui khi thị trường chứng khoán Mỹ xác lập kỷ lục mới vào hôm thứ Tư (3/7). Các chỉ số Công nghiệp Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đều đạt mức điểm cao kỷ lục trong phiên giao dịch hôm 3/7.

Các chuyên gia cho rằng việc Mỹ và Trung Quốc đạt được hưu chiến thương mại sau cuộc gặp Trump-Tập bên lề Thượng đỉnh G-20 tại Nhật Bản cuối tháng Sáu đã khiến các nhà đầu tư lạc quan về triển vọng kinh tế.

Dù vậy, cổ phiếu Mỹ lại mất điểm thời gian ngắn sau khi báo cáo việc làm được công bố hôm thứ Sáu (5/7). Các chuyên gia cho rằng sự giảm điểm này là vì các nhà đầu tư quan ngại việc tăng trưởng việc làm mạnh mẽ có thể thu hẹp khả năng FED giảm lãi suất.

Trả lời phỏng vấn Bloomberg TV hôm 5/7, Giám đốc Hội đồng Cố vấn Kinh tế Quốc gia của chính phủ Mỹ, ông Larry Kudlow nói rằng FED nên giảm lãi suất cho vay, coi đó như một hàng rào chống lại xu hướng kinh tế tăng trưởng chậm từ bên ngoài ảnh hưởng tới Mỹ.

Với một nền kinh tế toàn cấu yếu, việc thực hiện một chính sách bảo hiểm là không phải phương án tồi,” ông Kudlow nói.

Như Ngọc