Người Mỹ đang dần dần giảm việc nhận trợ cấp của chính phủ. Tính riêng trong tháng 3/2018, tỉ lệ người Mỹ yêu cầu nhận trợ cấp thực phẩm là thấp nhất kể từ năm 2009. Hiện tại, khoảng dưới 1/8 dân số Mỹ vẫn đang phải nhận trợ cấp thực phẩm, theo tổng hợp của Epoch Times.

Food Stamps
Một cửa hàng treo biển chấp nhận Food Stamps. (Ảnh qua Epoch Times)

Epoch Times, dẫn thông tin từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, cho biết trong tháng Ba vừa qua có khoảng hơn 40 triệu người Mỹ đăng ký nhận trợ cấp từ chương trình Trợ cấp Thực phẩm (Food Stamps) của chính phủ liên bang. Đó là con số sụt giảm đáng kể nếu so với đỉnh điểm gần 48 triệu người nhận trợ cấp thực phẩm trong năm 2013, tuy vậy số lượng đó vẫn cao hơn bất kỳ thời điểm nào trước khủng hoảng kinh tế năm 2008.

Trong năm 2008, chương trình Trợ cấp Thực phẩm, đã được đổi tên thành Chương trình Hỗ trợ Dinh dưỡng Bổ sung (SNAP) để “chiến đấu bệnh dịch”, cung cấp cho những người đăng ký nhận trợ cấp khoảng 245 USD/ tháng/ một hộ gia đình để mua thực thẩm thiết yếu. Mỗi bang có các quy định khác nhau về điều kiện nhận trợ cấp, nhưng nhìn chung, những người tham gia nhất thiết phải là người thu nhập thấp. Chương trình trợ cấp này cũng có các hạn chế đối với những người trưởng thành từ 18 đến 49 tuổi không nuôi trẻ em. Họ thường chỉ có thể nhận trợ cấp ba tháng mỗi năm trừ khi họ làm việc hoặc tham gia học một công việc ít nhất 20 giờ/tuần.

Các bang có thể miễn trừ các điều kiện về việc làm trong các vùng mà tỉ lệ thất nghiệp cao hoặc trong thời gian thiếu việc làm. Theo Trung tâm Ưu tiên Ngân sách và Chính sách, khoảng 1/3 người Mỹ đang sống trong các khu vực như vậy.

Chính phủ Trump đã cố gắng đại tu lại chương trình SNAP và các chương trình phúc lợi khác để khuyến khích những người đăng ký nhận trợ cấp tìm kiếm việc làm.

Trong một lệnh hành pháp mà Tổng thống Trump ký ban hành ngày 10/4/2018 có tuyên bố: “Kể từ khi thành lập, hệ thống phúc lợi này đã phát triển thành một bộ máy quan liêu lớn có thể dễ bị đo lường thành công bằng việc có bao nhiêu người tham gia vào một chương trình thay vì tính xem bao nhiêu người chuyển từ nghèo sang độc lập về tài chính”.

Đây không phải là kiểu hệ thống được hình dung khi các chương trình phúc lợi được thiết lập tại đất nước này. Vai trò của Chính phủ Liên bang là làm rõ đường hướng tới việc đảm bảo người dân tự chủ tài chính và dành các chương trình hỗ trợ công cho những người thực sự cần”.

Lệnh hành pháp nêu trên yêu cầu các cơ quan hợp lý hóa và mở rộng các chương trình phát triển lực lượng lao động và áp đặt các yêu cầu việc làm lên những người nhận phúc lợi ở những nơi có thể.

Đưa người dân Mỹ trở lại lực lượng lao động là một trong những lời hứa tranh cử của ông Trump ngay từ khi ông thông báo ra ứng cử vào ngày 16/6/2015.

Phát biểu tại Tòa tháp Trump hôm đó, ông Trump nói: “Chúng ta có những người không làm việc. Chúng ta có những người không có động lực làm việc. Nhưng họ sẽ có động lực làm việc, bởi vì chương trình xã hội tuyệt vời nhất chính là việc làm”.

Trong đề xuất ngân sách năm 2019, Tổng thống Trump củng cố các tiêu chuẩn điều kiện nhận SNAP, và các Dân biểu Cộng hòa tại Hạ viện đã có một số thay đổi liên quan đến SNAP trong Dự luật Nông nghiệp – dự kiến bỏ phiếu thông qua vào Chín tới. Dự luật này mở rộng điều kiện việc làm đối với SNAP lên tới 59 tuổi và giới hạn miễn trừ các điều kiện này. Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội, nếu điều này được thực thi chương trình SNAP sẽ giảm được nửa triệu người và tiết kiệm được 9 tỷ USD trong vòng 10 năm. Dự luật cũng đề xuất sẽ sử dụng 7,5 tỷ USD trong số tiền tiết kiệm được đó vào các chương trình đào tạo việc làm.

Tuy nhiên, theo Bloomberg, phiên bản Dự luật Nông nghiệp của Thượng viện không bao gồm các điều khoản thắt chặt SNAP nêu trên. Những người Cộng hòa chỉ chiếm đa số mong manh tại Thượng viện và có thể họ cần tới sự ủng hộ của một số người Dân chủ để thông qua dự luật này. Phe Dân chủ nhìn chung phản đối các yêu cầu công việc nghiêm nghặt hơn đối với những người nhận trợ cấp theo chương trình SNAP.

Xuân Thành

Xem thêm: