Chính phủ Liên bang Úc rà soát nghiêm ngặt các Viện Khổng Tử tại 13 trường đại học trong nước, vì lo ngại rằng các cơ sở này trên thực tế là công cụ tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Các trường này có thể sẽ đóng cửa cơ sở giáo dục gây tranh cãi này trong vòng vài tháng. Trong khi đó Chính phủ Hà Lan lại tài trợ gần 500.000 Euro để thành lập Viện Khổng Tử tại địa phương, mặc dù đây là một cơ sở giáo dục gây tranh cãi ở phương Tây.

Embed from Getty Images

Ngày 20/6/2010, ông Tập Cận Bình có mặt tại lễ khai trương Viện Khổng Tử đầu tiên của Úc về Y học Cổ truyền Trung Quốc tại Học viện Công nghệ Melbourne (Ảnh: Getty Images)

Úc đã thông qua luật liên bang vào tháng 12 năm ngoái. Những thỏa thuận do các tiểu bang, vùng lãnh thổ và trường đại học ký với chính phủ nước ngoài, đều có thể bị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thu hồi nếu chúng vi phạm chính sách đối ngoại của Úc.

Tờ “Sydney Morning Herald” ngày 10/5 đưa tin, chí ít Viện Khổng Tử Y học Cổ truyền Trung Quốc tại Đại học RMIT sẽ phải đóng cửa trong năm nay. Nhà trường giải thích rằng hoạt động của học viện phải dừng lại do áp lực ngân sách trước đợt bùng phát dịch viêm phổi Vũ Hán.

Chính phủ Liên bang Úc rà soát nghiêm ngặt các Viện Khổng Tử của 13 trường đại học trong nước, vì lo ngại rằng các cơ sở này trên thực tế là công cụ tuyên truyền của ĐCSTQ.

Bà Marise Payne, Bộ trưởng Ngoại giao Úc, đã thực hiện quyền phủ quyết của mình vào tháng trước, nhằm thu hồi thỏa thuận “Vành đai và Con đường” đã ký giữa Victoria và Trung Quốc, cũng như 2 thỏa thuận giáo dục mà Victoria đã ký với Iran và Syria. Vào thời điểm đó bà Payne cảnh báo rằng bà ấy sẽ đưa ra “quyết định tiếp theo”.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc cho biết, chính phủ yêu cầu các trường đại học thông báo về tất cả các thỏa thuận hiện có đã ký kết với chính phủ nước ngoài, được áp dụng bởi các luật liên quan, gồm cả những thỏa thuận liên quan đến các Viện Khổng Tử. Dự kiến, tất cả 13 trường đại học ở Úc sẽ nộp hợp đồng để xem xét trước hạn chót vào ngày 10/6.

Vài ngày trước, ít nhất 4 trường đại học, gồm Đại học Sydney, Đại học Victoria, Đại học Queensland và Đại học WA, đã nộp hợp đồng cho Bộ Ngoại giao xem xét.

Các trường khác như Đại học Melbourne, Đại học La Trobe và Đại học New South Wales (UNSW) cho biết họ dự định sẽ đệ trình thỏa thuận trước thời hạn vào ngày 10/6. Đại học Adelaide vẫn đang thảo luận với chính phủ liên bang về việc liệu có thích hợp khi áp dụng các luật liên quan dành cho Viện Khổng Tử trong khuôn viên trường hay không.

Ông James Paterson, Chủ tịch Ủy ban An ninh và Tình báo của Quốc hội Úc, nói rằng dù hiện nay các thỏa thuận như vậy được “che đậy” như thế nào, thì các trường đại học vẫn phải suy nghĩ kỹ về vai trò của việc thành lập các Viện Khổng Tử. Ông cũng nêu rõ: “Các trường đại học nên xem xét cẩn thận việc thành lập một tổ chức được tài trợ bởi các chính phủ chuyên quyền nước ngoài, có liên quan đến các vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền, nhằm thúc đẩy quyền lực mềm của họ. Điều này liệu có phù hợp với các giá trị của chính họ hay không.”

Bà Natasha Kassam, giám đốc hoạch định chính sách đối ngoại tại Viện Lowy, một tổ chức tư vấn của Úc, nói rằng một số trường đại học Úc gần đây đã đàm phán lại các thỏa thuận với Trung Quốc. Điều này không thể đảm bảo rằng các khóa học của sinh viên Úc trong các Viện Khổng Tử không có nội dung tuyên truyền chính trị, chẳng hạn như các vấn đề như Đài Loan hoặc hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc.

Báo cáo của NOS Hà Lan ngày 7/5 cho biết, theo dữ liệu từ cơ quan điều tra “Follow The Money”, Chính phủ Hà Lan sẽ cùng đầu tư gần 500.000 Euro, để thành lập và tài trợ cho các Học viện Khổng Tử tại địa phương ở Hà Lan, ngay cả khi đó là những cơ sở giáo dục gây tranh cãi ở phương Tây.

Theo báo cáo, La Hay (Den Haag) quyên góp 32.500 Euro cho Viện Khổng Tử tại địa phương vào năm 2006, hiện đã ngừng hoạt động. Chính quyền thành phố Groningen phân bổ 30.000 Euro mỗi năm trong thời hạn 10 năm. Maastricht và tỉnh Limburg cùng phân bổ 40.000 Euro một năm trong thời hạn 4 năm. Theo báo cáo của “Follow The Money”, tổng số tiền lên tới 492.500 Euro.

Cô Van Engelshoven, một học giả Hà Lan, và là thành viên quốc hội kiêm bộ trưởng giáo dục, bày tỏ sự bàng hoàng và lo ngại về báo cáo này. Vào cuối tháng 3, Đại học Groningen thông báo rằng họ sẽ không tiếp tục gia hạn thỏa thuận với Viện Khổng Tử tại Groningen.

Lý Tuyên, Vision Times

Xem thêm: