Hôm 3/6, ông Biden đã vạch ra kế hoạch phân phối 80 triệu liều vắc-xin ngừa virus Vũ Hán trên toàn cầu, với 75% sẽ được giải ngân thông qua chương trình COVAX và 25% hỗ trợ trực tiếp cho các nước.

Embed from Getty Images

Ông Biden trước đó đã cam kết xuất khẩu 80 triệu liều vắc-xin COVID-19 sang các nước trên thế giới vào cuối tháng này.

Nhà Trắng cho biết đối với liều lượng được chia sẻ thông qua COVAX, Washington sẽ ưu tiên các quốc gia ở Mỹ Latinh và Caribe, Nam và Đông Nam Á cùng với châu Phi để giúp ngăn chặn sự gia tăng của các ca nhiễm mới.

Lô vắc-xin hỗ trợ đầu tiên sẽ gồm 25 triệu liều, không bao gồm vắc-xin AstraZeneca.

Điều phối viên phản ứng COVID-19 của Nhà Trắng Jeff Zient nói với các phóng viên: “Quá trình xuất khẩu 25 triệu đầu tiên đang được tiến hành.”

“Chúng tôi sẽ cung cấp 80 triệu liều theo cam kết của tổng thống vào cuối tháng 6.”

Ông cho biết đợt đầu tiên đến từ nguồn cung cấp của liên bang và sẽ bao gồm ba loại vắc-xin được cấp phép sử dụng khẩn cấp hiện tại của Hoa Kỳ: Johnson & Johnson, Moderna và Pfizer-BioNTech.

Theo kế hoạch, trong số 25 triệu liều đầu tiên, khoảng 7 triệu liều được phân bổ cho châu Á, đặc biệt là Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka, Afghanistan, Việt Nam, Papua New Guinea và Đài Loan.

Khoảng 6 triệu liều sẽ được phân bổ cho các quốc gia ở Nam và Trung Mỹ và Caribe, bao gồm Brazil, Argentina, Colombia, Costa Rica, Peru, Guatemala và Haiti.

Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho biết 5 triệu liều sẽ dành cho châu Phi và sẽ được phân phối với sự phối hợp của Liên minh châu Phi.

Ông Biden nói rằng 6 triệu liều còn lại trong tổng số 25 triệu liều ban đầu sẽ được chia sẻ trực tiếp cho các quốc gia đang trải qua các làn sóng dịch mới hoặc đang gặp khủng hoảng, cũng như với các đối tác và láng giềng như Canada, Mexico và Hàn Quốc.

Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan nhấn mạnh Hoa Kỳ muốn “giữ sự linh hoạt” về việc phân bổ liều lượng bên ngoài COVAX.

COVAX đã phân phối gần 80 triệu liều đến 127 vùng lãnh thổ, với loại vắc-xin AstraZeneca chiếm 97% số liều được cung cấp cho đến nay, phần còn lại là Pfizer-BioNTech.

Ngoài hỗ trợ vắc-xin, Nhà Trắng cũng dỡ bỏ các đặc quyền thông qua Đạo luật Sản xuất Quốc phòng (DPA) từng trao cho một số hãng dược như AstraZeneca, Sanofi-GlaxoSmithKline và Novavax. Đặc quyền này cho phép các hãng dược của Mỹ được ưu tiên tiếp cận trang thiết bị, nguồn cung để sản xuất vắc-xin ngừa COVID-19.

Việc dỡ bỏ các đặc quyền này được cho là sẽ tạo điều kiện cho nhiều hãng dược lớn khác trên thế giới được tiếp cận thêm nguồn cung phục vụ sản xuất vắc-xin.

Ngân Hà

Xem thêm: