Hôm thứ Tư (24/11), Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và người đồng cấp Việt Nam Phạm Minh Chính đã nhất trí tăng cường hợp tác an ninh giữa hai bên trong khi chia sẻ “quan ngại nghiêm trọng” về các động thái gây hấn ở các vùng biển trong khu vực, ám chỉ đến các hành vi ngày càng hung hăng của Trung Quốc.

Embed from Getty Images

Một tuyên bố chung sau cuộc họp của hai nhà lãnh đạo tại Tokyo cho biết hai bên nhất trí về tầm quan trọng của việc duy trì một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, đồng thời khẳng định sẽ cùng nhau hướng tới phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

“Việt Nam là đối tác quan trọng của Nhật Bản, sẽ đóng vai trò là trụ cột trong nỗ lực của chúng tôi nhằm hiện thực hóa một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, ông Kishida nói khi gặp gỡ báo chí với ông Chính sau cuộc hội đàm.

Tuyên bố cho biết các nhà lãnh đạo “bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về tình hình ở Biển Đông và bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng”, đồng thời kêu gọi mọi tranh chấp phải được giải quyết phù hợp với luật pháp quốc tế.

Ông Chính là nhà lãnh đạo đầu tiên mà ông Kishida tiếp đón kể từ khi nhậm chức vào tháng trước.

Việc tăng cường hợp tác an ninh diễn ra sau khi hai bên đã ký một thỏa thuận song phương vào tháng 9 cho phép xuất khẩu thiết bị và công nghệ quốc phòng do Nhật Bản sản xuất sang Việt Nam.

Chính phủ kế nhiệm của Nhật Bản coi Việt Nam – đất nước nằm ở vị trí chiến lược – là một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của Tokyo ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

“Hai nước chúng ta coi nhau là những đối tác quan trọng và lâu dài nhất, và tôi hy vọng chúng ta có thể tiếp tục nâng tầm quan hệ song phương lên những chân trời mới”, ông Chính nói.

Hôm thứ Ba, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi và người đồng cấp Việt Nam, Thượng tướng Phan Văn Giang đã nhất trí “phản đối mạnh mẽ” các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng tại các vùng biển trong khu vực mà không nêu rõ tên Trung Quốc.

Yakov Zinberg, giáo sư quan hệ quốc tế chuyên về các vấn đề Đông Á tại Đại học Kokushikan của Tokyo, nhấn mạnh mối quan ngại ngày càng sâu sắc của Tokyo đối với lập trường ngày càng hung hãn của Bắc Kinh ở biển Đông, nơi phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu của Nhật Bản phải đi qua. Nhật Bản đã tăng cường sự hiện diện của mình trong vùng biển này, gần đây đã tiến hành các cuộc tập trận hải quân với Hoa Kỳ ở ngoài khơi bờ biển phía tây của Philippines, gần các khu vực mà Bắc Kinh hiện tuyên bố là lãnh thổ có chủ quyền của họ.

Hai tàu chiến Nhật Bản, Kaga và Murasame, đã ghé thăm căn cứ hải quân Việt Nam ở Cam Ranh vào đầu tháng 11 và thực hiện “cuộc tập trận thiện chí” với một tàu khu trục nhỏ của Việt Nam. Nhật Bản cũng đã cung cấp tàu tuần tra cho Indonesia và máy bay huấn luyện cho cả Philippines và Indonesia.

Việt Nam cũng là điểm đến trong chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của cựu Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga vào tháng 10 năm ngoái. Chuyến đi diễn ra vài tháng sau khi Tokyo công bố một thỏa thuận trị giá 348 triệu đô la Mỹ để đóng sáu tàu tuần tra ven biển mới cho lực lượng tuần duyên của Việt Nam.

Động thái này được coi là thể hiện sự ủng hộ ngầm đối với lập trường của Việt Nam trong các tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh trên Biển Đông. 

Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ ba của Việt Nam sau Singapore và Hàn Quốc.

Từ năm 2014 đến năm 2018, Nhật Bản đã cung cấp khoảng 280 triệu đô la Mỹ vốn hỗ trợ để phát triển cơ sở hạ tầng, quản lý nguồn nhân lực và thực hành quản trị và môi trường ở Việt Nam, đưa Tokyo trở thành nhà tài trợ viện trợ lớn nhất của quốc gia này.

Nhiều công ty Nhật Bản có nhà máy tại Việt Nam hoặc sử dụng các linh kiện của Việt Nam trong các sản phẩm của họ. Hai ông Kishida và Chính đã nhất trí tăng cường chuỗi cung ứng trên khắp các quốc gia của hai bên, bao gồm cả việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số và đa dạng hóa các cơ sở sản xuất.

Hai bên cũng khẳng định hợp tác trong việc cải thiện điều kiện cho thực tập sinh kỹ năng và sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản, theo tuyên bố chung.

Ông Kishida cam kết Nhật Bản sẽ cung cấp thêm 1,54 triệu liều vắc-xin virus corona cho Việt Nam, nâng tổng hỗ trợ của nước này lên khoảng 5,6 triệu liều.

Hiromi Murakami, giáo sư khoa học chính trị tại khuôn viên Đại học Temple, Tokyo, cho biết: “Các công ty Nhật Bản nhìn thấy những cơ hội lớn để mở rộng tại Việt Nam và điều đó đang được chính phủ ở đây [Nhật Bản] khuyến khích bởi vì phát triển kinh tế sẽ giúp chính phủ ở đó [Việt Nam] đứng vững hơn trước Trung Quốc.”

Xuân Lan (theo SCMP)

Xem thêm: