Khi virus corona ngày càng lây lan nhanh chóng ra toàn cầu, thì tâm lý bài Trung (ghét người Trung Quốc) cũng lan rộng trên toàn thế giới. Người dân khắp nơi yêu cầu chính phủ ban hành lệnh cấm di trú hoàn toàn đối với du khách Trung Quốc và bày tỏ thái độ kỳ thị người Trung Quốc.

unnamed
(Ảnh: internet)

Tính đến sáng 2/2, ít nhất 26 nước ngoài Trung Quốc đã báo cáo về các trường hợp nhiễm virus corona mới. Philippines là nước đầu tiên ngoài Trung Quốc xác nhận có trường hợp tử vong do nhiễm loại virus chết người này. Tại Trung Quốc, đã có gần 15.000 người bị nhiễm bệnh và số ca tử vong đã lên tới hơn 300.

Trước tình hình bệnh dịch gia tăng, một số nhà hàng tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông và Việt Nam đã từ chối phục vụ khách hàng Trung Quốc. Người dân Indonesia biểu tình gần một khách sạn và kêu gọi khách Trung Quốc ở đó phải rời đi. Các tờ báo ở Pháp và Úc bị chỉ trích vì đưa các tin bài phân biệt chủng tộc. Người Trung Quốc và thậm cả người gốc Á tại Châu Âu, Mỹ, Châu Á và Thái Bình Dương than phiền về việc bị phân biệt đối xử.

Trong vài năm qua, tâm lý bài Trung trên toàn cầu đã tăng lên khi chế độ Bắc Kinh thúc đẩy ảnh hưởng ra toàn thế giới và sự trỗi dậy của Trung Quốc đã tạo ra các tranh cãi với nhiều nước về thương mại, chính trị và ngoại giao.

Tuy nhiên, chính việc lo ngại gia tăng về bệnh dịch bí ẩn gây ra bởi chủng mới của virus corona đã khiến cho tâm lý bài trung trên toàn cầu bị kích động mạnh mẽ hơn nữa.

Dưới đây là ghi nhận của các phóng viên hãng tin AP về tâm lý bài Trung gia tăng ở nhiều nước từ Á, Âu, Úc đến Mỹ:

Hàn Quốc

Các trang web trực tuyến tại Hàn Quốc tràn ngập những bình luận thúc giục chính phủ nước này chặn hoặc trục xuất người Trung Quốc và gia tăng chỉ trích thói quen ăn uống mất vệ sinh của du khách Trung Quốc.

Một nhà hàng hải sản tại Seoul nơi thường xuyên có người Trung Quốc lui tới đã treo một biển hiệu ghi “Không phục vụ người Trung Quốc”. Thông điệp này này gặp phải nhiều bình luận trái chiều trên mạng và nhà hàng đã gỡ bỏ vào thứ Tư (29/1).

Hơn 650.000 người Hàn Quốc đã ký vào một thỉnh nguyện thư trực tuyến kêu gọi chính phủ nước này ban hành lệnh cấm tạm thời du khách Trung Quốc. Một số nhà lập pháp đối lập đã công khai ủng hộ thỉnh nguyện thư này. Hôm 29/1, khoảng 30 người đã tập trung gần Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc yêu cầu chính phủ phải cấm ngay lập tức du khách Trung Quốc.

Tờ nhật báo JoongAng Ilbo trong một bài bình luận hôm 30/1 cho biết: “Tâm lý bài ngoại vô điều kiện chống người Trung Quốc đang gia tăng mạnh mẽ” tại Hàn Quốc. “Các loại bệnh truyền nhiễm là vấn đề khoa học, không phải là vấn đề mà có thể được giải quyết thông qua tuôn trào cảm xúc”.

Mỹ

Ari Deng, một người Mỹ gốc Hoa, kể với phóng viên AP rằng thời điểm rộ lên tin tức một người theo học tại Đại học Arizona bị nhiễm virus corona, cô thấy rõ mình bị bạn học kỳ thị.

Ari Deng cho biết khi có tin tức về virus từ Trung Quốc đã lây lan sang Mỹ, cô đang ngồi cạnh 5 sinh viên khác. Ari Deng là người gốc Á duy nhất trong nhóm đó và cô thấy 5 bạn học kia bắt đầu thì thầm. “Họ trở nên thực sự căng thẳng và họ nhanh chóng thu dọn đồ dùng cá nhân và cùng nhau rời đi,” Ari Deng nói.

Trong một lớp học kinh doanh gần đây, một sinh viên không phải người gốc Á đã nói “Không phải phân biệt chủng tộc, nhưng có rất nhiều sinh viên quốc tế sống trong khu chung cư của tôi. Tôi cố gắng hết sức để giữ khoảng cách, nhưng tôi nghĩ rằng biện pháp phòng ngừa tốt cho tất cả chúng ta là phải rửa tay [khi ở gần họ]”, Ari Deng kể lại.

Điều đó làm tôi đau nhói, nhưng tôi không cho phép nó chiếm chỗ trong tâm trí tôi hoặc đè nặng lên lương tâm của tôi,” Ari Deng bày tỏ.

Trong khi đó, trung tâm dịch vụ y tế Berkeley của Trường Đại học California hôm thứ Năm (30/1) đã xóa một bài đăng trên Instagram nói rằng “nỗi sợ hãi về việc tiếp xúc với những người có thể đến từ Châu Á và cảm giác tội lỗi về những cảm xúc này” là phản ứng bình thường trước sự bùng phát dịch bệnh do virus corona gây ra.

Giám đốc Hội đồng Quốc gia về Người Mỹ gốc Châu Á-Thái Bình Dương cho hay: “Cho dù chúng ta dành bao nhiêu thời gian ở đất nước này, đôi khi chúng ta gần như ngay lập tức bị xem là người nước ngoài. Đó là thực tế khá phiền lòng đối với nhiều người trong chúng ta.

Hồng Kông

Virus corona đã đang đào sâu thêm tâm lý ghét người Trung Quốc đại lục tại Hồng Kông. Trong hơn nửa năm qua, hàng triệu người dân Hồng Kông đã xuống đường biểu tình phản đối chính quyền Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng lên hòn đảo bán tự trị này.

Tuần trước, Đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã ra lệnh đình chỉ dịch vụ phà và tàu cao tốc kết nối với Trung Quốc đại lục và giảm các chuyến bay giữa Hồng Kông và các thành phố Trung Quốc.

Tenno Ramen, một nhà hàng mì Nhật Bản tại Hồng Kông, đang tuyên bố từ chối phục vụ khách hàng người Trung Quốc đại lục.

Chúng tôi muốn sống lâu hơn. Chúng tôi muốn bảo vệ khách hàng địa phương. Xin hãy thứ lỗi cho chúng tôi,” nhà hàng Tenno Ramen viết trên Facebook.

Châu Âu

Một giáo viên người Pháp gần đây đã bắt đầu một cuộc trò chuyện trên Twitter với từ khóa nóng #JeNeSuisPasUnVirus (tôi không phải là virus) và đã thu hút được nhiều người dùng vào chia sẻ thực tế phân biệt đối xử với người Trung Quốc, thậm chí cả người Châu Á. Các trường hợp phân biệt đối xử được kể ra như trẻ em gốc Á bị chế giễu trong các khuôn viên trường học, hay hành khách đi tàu điện ngầm chủ động tránh xa những người có diện mạo gốc Á.

Pháp là nước có cộng đồng người Châu Á đáng kể và đang ngày càng gia tăng. Du khách Trung Quốc cũng là trụ cột của ngành du lịch Pháp. Tuy nhiên, từ lâu tại Pháp vẫn duy trì tâm lý bài Trung, bài người Châu Á.

Một tờ báo địa phương ở miền bắc nước Pháp đã đăng một dòng cảnh báo “Báo động Vàng” trên trang chủ và sau đó đã phải xin lỗi độc giả vì làn sóng chỉ trích gia tăng trên toàn quốc.

Soc Lam, một cố vấn pháp lý cho các cộng đồng người Trung Quốc tại Paris nói rằng: “Virus lần này xuất phát từ Trung Quốc. [Nhưng] nó có thể cũng đến từ Bắc Phi, Châu Âu hoặc bất kỳ nơi đâu. Mọi người không nên nghĩ rằng chỉ vì chúng tôi là người Châu Á, nên chúng tôi có nhiều khả năng lây lan virus.

Tờ báo Jyllands-Posten của Đan Mạch mới đây cũng cho đăng tải một tranh vẽ hoạt họa thay thế các ngôi sao vàng trên lá cờ 5 sao của Trung Quốc thành 5 con virus corona. Đại sứ quán Trung Quốc tại Copenhagen đã gọi hình ảnh hoạt họa này là “một sự xúc phạm Trung Quốc” và đã yêu cầu tờ Jyllands-Posten xin lỗi.

>>Báo Đan Mạch vẽ tranh biếm họa cờ năm sao thành virus corona

Tạp chí Der Spiegel của Đức cũng cho đăng dòng tiêu đề ghi “Sản xuất tại Trung Quốc” cùng với hình ảnh minh họa là một người đang mặc trang phục bảo hộ y tế.

Hôm thứ Sáu (31/1), một quán cafe gần Đài phun nước Trevi – địa điểm thăm quan nổi tiếng tại Rome, Ý, đã treo thông báo trên cửa sổ quán ghi “tất cả người đến từ Trung Quốc không được phép tiếp cận nơi này”, theo hãng tin ANSA của Ý. Phóng viên AP cho biết khi họ tới quán cafe này để kiểm tra, thông báo nêu trên đã được gỡ bỏ.

Châu Úc

Hơn 51.000 người đã ký vào thỉnh nguyện thư trực tuyến yêu cầu hai tờ nhật báo có lượng phát hành lớn nhất tại Úc phải xin lỗi về các dòng tiêu đề được cho là phân biệt đối xử người Trung Quốc.

Thỉnh nguyện thư này chỉ trích tiêu đề của tờ Herald Sun phát hành hôm 29/1 ghi “Gấu trúc virus Trung Quốc” và tiêu đề của tờ The Daily Telegraph ghi “Trẻ em Trung Quốc hãy ở nhà”.

Kiwi Dollice Chua, người New Zealand gốc Singapore đã sống ở quốc gia Nam Thái Bình Dương này 21 năm, nói với tờ New Zealand Herald rằng tuần trước khi cô tới trung tâm mua sắm Auckland để mua thiệp cưới, cô đã nhận phải ánh nhìn khinh bỉ của một phụ nữ. Người phụ nữ này nói với Dollice Chua rằng “người Châu Á các người là những người mang virus này tới đây”.

Đó là phân biệt chủng tộc và vượt quá sự thô lỗ [thông thường],” Dollice Chua nói.

Nhật Bản

Nhiều người Nhật đã sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để kêu gọi chính phủ nước này ban hành lệnh cấm du lịch đối với du khách Trung Quốc trong bối cảnh lo lắng họ sẽ đến Nhật Bản để điều trị bệnh lý liên quan đến virus corona. “Xin hãy cấm du khách Trung Quốc ngay lập tức,” một người dùng Twitter nói. Người dùng khác viết: “Tôi rất lo lắng khi con tôi có thể nhiễm virus này.

Một cửa hàng bánh kẹo tại Hakone, thị trấn suối nước nóng phía tây Tokyo, gần đây đã gây chú ý sau khi đăng một thông báo cho biết, “người Trung Quốc không được phép vào cửa hàng”.

Hôm thứ Tư (29/1), Menya Hareruya – một chuỗi cửa hàng mì ramen nổi tiếng tại Sapporo, thuộc đảo Hokkaido, phía bắc Nhật Bản, đã đăng thông báo ghi “Du khách Trung Quốc không được vào”.

Zhang Jiaqi, sinh viên Trung Quốc đang theo học tại Tokyo, cho biết anh không gặp phải bất kỳ phản ứng khó chịu nào từ các bạn cùng lớp và những người bạn người Nhật Bản, nhưng nói thêm rằng: “Tôi nhận thấy một số người đã chú ý hoặc nhìn tôi với vẻ mặt giận dữ khi tôi nói chuyện với bạn bè bằng tiếng Trung”.

Đông Nam Á

Tuần trước, hàng trăm người dân tại thành phố du lịch Bukittinggi của Indonesia đã biểu tình trước Khách sạn Novotel – nơi đang có 170 du khách Trung Quốc lưu trú – để phản đối họ nhập cảnh vào Indonesia.

Người biểu tình đã phong tỏa các tuyến đường gần Khách sạn Novotel để chặn người Trung Quốc ra khỏi khách sạn. Giới chức địa phương vào cuối ngày hôm đó đã quyết định đưa du khách Trung Quốc trở về nước.

Hơn 400.000 người Malaysia đã ký vào một thỉnh nguyện thư trực tuyến kêu gọi cấm du khách Trung Quốc và thúc giục chính phủ Malaysia phải “bảo vệ gia đình và những đứa trẻ của chúng ta”.

Một khách sạn tại Đà Nẵng, Việt Nam gần đây cũng đã từ chối phục vụ du khách Trung Quốc.

Abner Afuang, một cựu sĩ quan cảnh sát và thị trưởng, nói rằng hôm 31/1 ông đã đốt một lá cờ Trung Quốc trước trụ sở Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia ở thủ đô Manila, Philippines để phản đối những vấn đề mà Trung Quốc đem tới cho Philippines và các quốc gia Đông Nam Á khác, trong đó có virus corona và yêu sách của Bắc Kinh về chủ quyền các đảo trên Biển Đông.

Văn phòng tổng thống Philippines nói rằng: “Chúng ta đừng tham gia vào hành vi phân biệt đối xử, cũng không nên hành động với bất kỳ sự định kiến nào đối với đồng bào của chúng ta. Thực tế là mọi người đều có thể bị nhiễm virus”.

Như Ngọc