Trong “thời điểm nhạy cảm” khi một quan chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là Hồ Bân Sâm (Hu Binchen) – Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế và thanh tra cấp một của Bộ Công an ĐCSTQ – khiến chính giới và các tổ chức nhân quyền quốc tế lo ngại khi thành ứng viên cho ủy viên Ban điều hành Interpol, mới đây (18/11), vợ của cựu Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc và Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ là bà Cao Ca (Gao Ge) đã nhận cuộc phỏng vấn độc quyền với hãng tin AP của Pháp.

Embed from Getty Images

Cao Ca, vợ của cựu Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc và Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ, đã nhận lời phỏng vấn độc quyền với AP (Nguồn: JEFF PACHOUD / AFP/ Getty Images). 

Chỉ trích ĐCSTQ: “Quái vật ăn thịt chính con mình”

Sự kiện tháng 11/2016, ông Mạnh Hoành Vĩ được làm Chủ tịch Interpol đã khiến dư luận đặt câu hỏi và lo lắng về tính công chính của tổ chức quốc tế này. Năm 2018, Mạnh Hoành Vĩ bất ngờ “mất tích” sau khi trở về Trung Quốc. Vào tháng Một năm ngoái, Tòa án Trung cấp số 1 Thiên Tân đã kết án Mạnh Hoành Vĩ 13 năm 6 tháng tù giam vì tội “nhận hối lộ” và phạt 2 triệu nhân dân tệ.

Bi hài là quan chức ĐCSTQ dành cả đời đi bắt tội phạm này, cuối cùng lại bị bắt và bị kết án tù khi với tư cách là Chủ tịch Interpol. Nhưng cũng nực cười là Interpol không hề hay biết về việc Mạnh Hoành Vĩ bị bắt ở Trung Quốc, thậm chí còn phải hỏi ĐCSTQ về tung tích của ông Chủ tịch.

Sau khi Mạnh Hoành Vĩ “mất tích”, vợ ông là bà Cao Ca (đang ở Pháp) đã xin tị nạn chính trị cùng hai con trai sinh đôi. Bà Cao và các con cũng được cảnh sát Pháp bảo vệ vì lo ngại bị đặc vụ ĐCSTQ bắt cóc. Gần đây, bà đã đồng ý xuất hiện trước truyền thông khi nhận lời phỏng vấn độc quyền với hãng tin AP. Trong cuộc phỏng vấn, bà Cao đã công khai chỉ trích chính quyền ĐCSTQ là “con quái vật ăn thịt chính con mình”.

Theo thông tin từ hãng thông tấn AP đưa tin từ Lyon – Pháp vào ngày 18/11, bà Cao Ca lần đầu tiên lên tiếng trước công luận rằng: “Tôi có trách nhiệm phải xuất hiện cho cả thế giới biết những gì đã xảy ra… Trong 3 năm qua, tôi đã học giống như chúng ta đã học cách cùng tồn tại với COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán), tôi cũng biết cách để cùng tồn tại với ma quỷ”. “Ma quỷ” mà bà Cao Ca ám chỉ là ĐCSTQ mà bà Cao chỉ trích là “con quái vật ăn thịt chính con mình”.

Bà Cao nói rằng bà không biết gì về nơi ở và sức khỏe của ông Mạnh, lần liên lạc cuối cùng gần nhất của họ là ngày 25/9/2018 khi ông Mạnh đi công tác ở Bắc Kinh. Khi đó, bà đã liên tiếp nhận được hai tin nhắn của chồng: một tin rằng “Chờ cuộc gọi của anh”; 4 phút sau ông Mạnh lại gửi một tin nhắn khác nhưng chỉ là biểu tượng cảm xúc một con dao làm bếp ám chỉ đang gặp nguy hiểm.

Bà Cao Ca đoán rằng ông Mạnh Hoành Vĩ đã gửi hai tin nhắn văn bản từ văn phòng Bộ Công an. Kể từ đó, vợ chồng họ không liên lạc gì. Một số lá thư mà bà Cao Ca từng ủy thác luật sư gửi cho Chính phủ Trung Quốc cũng như đá ném xuống biển. Thậm chí, bà cũng không biết liệu ông Mạnh Hoành Vĩ còn sống hay không.

“Tôi đã rất buồn và giờ thì đã bình tĩnh”, bà Cao nói. “Tất nhiên, điều này thật tàn nhẫn với các con tôi”.

“Tôi không muốn các con mình không có bố”, bà Cao Ca vừa nói vừa khóc. “Mỗi khi bọn trẻ nghe thấy tiếng gõ cửa, chúng lại chạy ra xem. Tôi biết rằng người chúng mong ngóng là Cha chúng. Nhưng mỗi khi nhận ra rằng không phải là chúng đều cúi đầu im lặng. Chúng thực sự rất dũng cảm.”

Về vụ việc Mạnh Hoành Vĩ, ĐCSTQ chỉ thỉnh thoảng hé vài tin lẻ tẻ. Vào tháng 10/2018, sau khi bà Cao Ca lần đầu tiên báo cáo với cảnh sát Pháp rằng chồng bà biến mất sau khi đến Trung Quốc, trang web của Ủy ban Giám sát Nhà nước thuộc Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ đã phát đi một thông báo rằng “Thứ trưởng Bộ Công an Mạnh Hoành Vĩ bị nghi ngờ vi phạm pháp luật và hiện đang bị Ủy ban Giám sát Nhà nước điều tra”. Gần như cùng lúc, Interpol thông báo ông Mạnh Hoành Vĩ đã từ chức chủ tịch, có hiệu lực ngay lập tức.

Vấn đề này bà Cao Ca đặt câu hỏi, “Liệu một người đã bị cưỡng bức biến mất có thể viết đơn từ chức đúng như ý nguyện không?”, “Một tổ chức cảnh sát [như Interpol] có thể làm ngơ trước tội phạm như thế?”

Bà Cao cho biết lâu này bà vẫn tin những cáo buộc của ĐCSTQ đối với ông Mạnh Hoành Vĩ là bịa đặt: “Đây là một vụ án hư cấu… Là chuyện xung đột chính trị bị biến thành vụ án hình sự… Tình trạng hủ bại của ĐCSTQ ngày nay là rất nghiêm trọng, có ở mọi ngõ ngách”.

Bà cũng tiết lộ rằng gia đình bà cũng có quan hệ chính trị. Mẹ của bà Cao đã từng phục vụ trong cơ quan cố vấn của cơ quan lập pháp Trung Quốc và từng chịu vết thương chính trị. Ngoài ra, sau năm 1949 khi ĐCSTQ lên cầm quyền tại Trung Quốc,  ông nội của ông Mạnh Hoành Vĩ bị tước đoạt tài sản kinh doanh và sau đó bị tống vào trại cải tạo lao động.

Bà tin rằng lịch sử đang lặp lại, “Tất nhiên, đây là một bi kịch lớn đối với gia đình chúng tôi, đó là nguồn gốc của nỗi đau khổ khủng khiếp. Nhưng tôi cũng biết rằng ngày nay nhiều gia đình ở Trung Quốc đang phải đối mặt với số phận tương tự như tôi”.

 

Cao Ca là ai? Cơ quan chức năng ĐCSTQ tránh nhắc

新建项目 1 6
Cựu Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ (Ảnh chụp màn hình video)

Thực tế từ sau khi ông Mạnh Hoành Vĩ “mất tích”, vấn đề bối cảnh và xuất thân của vợ ông ta là bà Cao Ca thành vấn đề quan tâm của dư luận.

Theo thông tin công khai chính thức và thông tin từ cộng đồng mạng Trung Quốc, bà Cao Ca luôn khẳng định mình tốt nghiệp chính quy Đại học Giao thông Tây An, nhưng người ta chỉ ra bà chỉ học hệ bổ túc. Từ năm 2004 – 2006, bà Cao Ca học thạc sĩ quản trị kinh doanh (chính quy) tại Đại học Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế Bắc Kinh; cũng tại trường này từ năm 2006 – 2009, bà Cao học Thạc sĩ Luật (chính quy); từ 2009 – 2013, bà Cao đã theo học tiến sĩ kinh tế (chính quy) tại một trường đại học hàng đầu ở Trung Quốc.

Nhưng cũng có dữ liệu cho thấy từ năm 2002 – 2013, bà Cao Ca từng giữ các vị trí quản lý cấp cao như Phó chủ tịch hoặc Tổng giám đốc điều hành ở nhiều công ty, có nghĩa là thời gian này trùng với thời gian bà Cao tham gia học tập kể trên và cả thời gian năm 2011 bà Cao sinh con cùng ông Mạnh Hoành Vĩ.

Những nguồn tin chỉ ra, một người từng tiết lộ trước đây khi tìm hiểu về bằng Tiến sĩ của bà Cao ở một trường đại học nào đó, ông đã hỏi thăm ​​người trong ngành giáo dục và được họ cho biết vấn đề là “rất không bình thường”. Vì trường mà bà Cao theo học có quy chuẩn cao, muốn được bảo vệ luận án tốt nghiệp thì phải có bài báo khoa học công bố trên các tạp chí học thuật uy tín, nhưng trong quá trình học bà Cao còn mang thai và sinh con, phải nghỉ phép dài hạn ở nhà, cho nên khó có thể viết lách nghiên cứu được gì trừ khi có ai đó viết thay.

Nếu thông tin từ người quen thuộc tiết lộ nêu trên là đúng, thì có thể nghi ngờ bà Cao gian lận trong học thuật, nhưng cả bà Cao Ca và cơ quan chức năng ĐCSTQ đều chưa từng phản hồi về tin đồn nêu trên.

 Ngoài ra cũng có nguồn tin cho biết rằng Cao Ca kém Mạnh Hoành Vĩ 19 tuổi, đã từng kết hôn, họ quen nhau trong một sự kiện quần vợt, sau đó bí mật chung sống. Năm 2005, Cao Ca kết hôn với Mạnh Hoành Vĩ, rồi lợi dụng quyền lực của chồng để được leo lên những chức vụ điều hành của nhiều công ty, để có được mức lương hàng năm đến hơn 5 triệu nhân dân tệ.

Không chỉ vậy, Mạnh Hoành Vĩ còn mua nhiều bất động sản cho vợ ở Trung Quốc, đi máy bay luôn ngồi khoang hạng nhất. Sau khi bà Cao Ca sinh con song sinh, ông Mạnh Hoành Vĩ đã cho vợ con đến sống tại một biệt thự ở Pháp để theo học tại một trường quốc tế, thuê tài xế và bảo mẫu để chăm sóc. Theo ước tính sơ bộ, mỗi năm bà Cao Ca chi tiêu không dưới 4 triệu nhân dân tệ.

Nhưng thông tin công khai cho thấy, trước đây ông Mạnh Hoành Vĩ là Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc thì lương tháng không quá 20.000 nhân dân tệ, nếu gia đình ông ta có thể sống xa hoa như vậy thì rõ ràng là không phù hợp với mức lương của ông.

Hiện nay ĐCSTQ chưa có bất kỳ phản hồi nào liên quan đến thân thế, lý lịch và cuộc phỏng vấn trực tiếp đầu tiên của bà Cao Ca với AP.

 

Mạnh Hoành Vĩ là ai? Tại sao lại chọc giận Bắc Kinh?

Về phần ông Mạnh Hoành Vĩ, thông tin công khai cho thấy năm nay, Mạnh Hoành Vĩ 67 tuổi, quê ở Cáp Nhĩ Tân tỉnh Hắc Long Giang, tốt nghiệp khoa Luật của Đại học Bắc Kinh, công tác nhà nước từ tháng 12/1972 và gia nhập ĐCSTQ vào tháng 6/1975. Ông Mạnh giữ các chức như: Trợ lý Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, Cục trưởng Cục Quản lý Vận tải, Thứ trưởng Bộ Công an, Cục trưởng Cục Interpol tại Trung Quốc (kiêm nhiệm), Phó Cục trưởng Cục Hải dương Trung Quốc, Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Cục trưởng Cục Cảnh sát biển Trung Quốc.

Tháng 4/2018, Xinhuanet của ĐCSTQ đưa tin Mạnh Hoành Vĩ không còn là thành viên của Đảng ủy Bộ Công an; từ tháng 12/2017 Mạnh Hoành Vĩ không còn giữ chức vụ Phó Cục trưởng Cục Hải dương Trung Quốc và Cục trưởng Cục Cảnh sát biển Trung Quốc.

Hồi năm 2018, tờ Epoch Times tại Mỹ tiết lộ từ năm 2004, ông Mạnh Hoành Vĩ đã giữ chức Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, cho nên có nhiều quan hệ với ông Chu Vĩnh Khang.

Sau Đại hội 16 ĐCSTQ vào năm 2002, khi Chu Vĩnh Khang được vào Ủy viên Bộ Chính trị, đồng thời tháng 3/2003 khi Chu giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an kiêm Ủy viên Quốc vụ thì năm 2004, ông Mạnh Hoành Vĩ được thăng chức Thứ trưởng Bộ Công an, thành cấp phó của Chu Vĩnh Khang.  

Epoch Times chỉ ra rằng trong 20 năm qua, Bộ Công an Trung Quốc đã nằm dưới kiểm soát của phe cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân. Kể từ sau Đại hội 18 của ĐCSTQ, sau khi xử lý Chu Vĩnh Khang, ông Tập Cận Bình đã thanh trừng nhiều thân tín của Chu là quan to của bộ này như: Thứ trưởng Lý Đông Sinh, Thứ trưởng Dương Hoán Ninh, Cục trưởng Cục Chính trị Hạ Tôn Nguyên, Giám đốc Công an Trùng Khánh là Hà Đình; cách chức Thứ trưởng Trần Trí Mẫn, chuyển công tác các Thứ trưởng như Phó Chính Hoa và Hoàng Minh…

Đáng chú ý là khi Mạnh Hoành Vĩ trở thành Chủ tịch Interpol vào tháng 11/2016, đã làm dấy lên làn sóng phản đối của các tổ chức nhân quyền quốc tế. Thời điểm đó, nhiều nhà bình luận chỉ ra rằng trong các hoạt động của ĐCSTQ đàn áp các nhóm tín ngưỡng trong nước và những người bảo vệ nhân quyền, đều có ông Mạnh Hoành Vĩ tham gia. Trước đó Mạnh Hoành Vĩ đã bị trang Minh Huệ (Minghui.com) liệt vào nhóm đối tượng chịu trách nhiệm về cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công.

Phóng viên Celia Hatton của BBC châu Á đã từng phân tích rằng trường hợp của Mạnh Hoành Vĩ đáng được quan tâm ở một số khía cạnh: Việc người nhà của quan chức ĐCSTQ “mất tích” đi liên hệ với chính phủ nước ngoài là rất hiếm, cho thấy vợ của Mạnh Hoành Vĩ không còn lựa chọn nào khác? Việc Mạnh Hoành Vĩ được bổ nhiệm làm Chủ tịch Interpol từng khiến ĐCSTQ rất tự hào, lý do gì lại khiến ông ta “biến mất”? Nói cách khác, ông ta đã làm gì để khiến Bắc Kinh phải từ bỏ vị trí đứng đầu Interpol?

Tiểu Quỳ, Vision Times

Xem thêm: