Chính trị gia bảo thủ Jair Bolsonaro, người từng nhiều lần công khai ngưỡng mộ Tổng thống Mỹ Donald Trump, và cũng được ngoại giới ví là “Trump của Brazil” đã chính thức đắc cử Tổng thống Brazil sau cuộc bầu cử hôm Chủ Nhật (28/10). Với việc ông Bolsonaro lên cầm quyền ở nền kinh tế lớn thứ tám thế giới, ông Trump sẽ có thêm một đồng minh quan trọng tại Nam bán cầu để đối phó với sự trỗi dậy gây hại của nhà nước Trung Quốc cộng sản.

Embed from Getty Images

Ông Jair Bolsonaro nhiều lần công khai ngưỡng mộ Tổng thống Mỹ Donald Trump

Năm 2009, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Brazil, nhưng mọi chuyện có thể sẽ sớm đảo ngược với việc ông Jair Bolsonaro trở thành tổng thống của đất nước có tiếng nói nhất Mỹ Latinh. Ông Bolsonaro là đại tá quân đội về hưu và là nhà lập pháp theo đường lối bảo thủ, đã nhiều lần cam kết sẽ chấm dứt cách tiếp cận mở đối với chế độ Bắc Kinh.

Trước viễn cảnh mối quan hệ Trung Quốc – Brazil sẽ có thay đổi lớn, hôm thứ Hai (29/10), Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gửi lời chúc mừng ông Bolsonaro với ngôn từ khá cẩn trọng: “Trung Quốc phát triển mối quan hệ với các nước khác dựa trên nguyên tắc ‘một Trung Quốc’. Chúng tôi muốn làm việc với Brazil để cập nhật mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện dựa trên việc tôn trọng lợi ích cốt lõi của nhau”.

Thông điệp trên của chế độ Bắc Kinh ám chỉ về chuyến công du của ông Bolsonaro tới Đài Loan hồi tháng Hai. Chuyến công du này là lần đầu tiên một ứng cử viên tổng thống Brazil tới thăm hòn đảo tự trị mà Trung Quốc coi là tỉnh ngoài khơi xa của mình kể từ những năm 1970 khi Brazil cắt đứt quan hệ chính thức với Đài Loan.

Trong cuộc tranh cử, ông Bolsonaro cũng đã cảnh bảo rằng “Trung Quốc đang mua tại Brazil – họ đang mua Brazil”, ám chỉ tới việc Bắc Kinh đang mua các công ty Brazil trong ngành năng lượng chiến lược. Tuyên bố của ông Bolsonaro đã khiến các nhà ngoại giao Trung Quốc hai lần phải gặp các cố vấn chiến dịch của ứng viên bảo thủ này để nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc duy trì mối quan hệ thương mại song phương Trung Quốc – Brazil, đã đạt 75 tỷ USD trong năm 2017, trong thời điểm nền kinh tế Brazil đang gặp khó khăn.

Quan ngại của ông Bolsonaro về Trung Quốc là dựa trên những tài liệu đã được ghi nhận về cách hành xử gây hại của Trung Quốc trên toàn cầu. Hôm 25/10, một trong những nhóm tư vấn chính sách hàng đầu của Canada đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về “chiến tranh chính trị của Trung Quốc, trong đó có hối lộ, kích thích, sai lệnh thông tin, kiểm duyệt và tuyên truyền”.  

Ông Michael Cole, chuyên gia của Viện Macdonald-Laurier tin rằng các nhà quan sát chính sách đối ngoại của Brazil đã không dành đủ sự chú ý tới Trung Quốc và nhấn mạnh: “Chúng ta không còn có thể coi nó như một hiện tượng xa xôi nữa”.

Xa Trung Quốc, xoay trục về Mỹ

Từ năm 2003 tới năm 2006, dưới sự lãnh đạo của Đảng Công nhân theo đường lối cánh tả cấp tiến, Brazil đã chuyển dịch chính sách ngoại giao xa rời Mỹ và kết thân với Trung Quốc cùng Nga với việc tích cực tham gia vào nhóm BRICS. (gồm các thành viên Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).

Ông Bolsonaro có kế hoạch sẽ đảo ngược hoàn toàn lộ trình nêu trên của Đảng Công nhân. Tổng thống tân cử đã nhiều lần lên tiếng ngưỡng mộ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Năm ngoái, trong chuyến công du tới Miami, nơi có hàng ngàn người Mỹ gốc Brazil, ông Bolsonaro đã chào lá cờ Mỹ và nói: “Nếu tôi đắc cử, quý vị có thể chắc chắn rằng ông Trump sẽ có một đồng minh lớn tại Nam bán cầu”.

Tổng thống Trump cũng đã lên tiếng đón nhận đồng minh Bolsonaro. Hôm thứ Hai (29/10), Tổng thống Mỹ đã đăng tweet nói về “cuộc điện đàm tuyệt vời” với ông Bolsonaro. Trong khi đó, con trai của tổng thống tân cử Brazil, Eduardo – người cũng vừa tái cử tại quốc hội đã nói rằng hai nước sẽ làm việc chặt chẽ cùng nhau để chống lại “những người Bolivar, Marxist và Gramsciist”. (Gramsciists là chỉ những người theo chủ nghĩa cộng sản của nhà tư tưởng Marxist của nước Ý Antonio Gramsci).

Phù hợp với các chính sách của ông Trump, ông Bolsonaro đã hứa đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc, rút Brazil khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, chuyển Đại sứ quán Brazil tại Israel từ Tel Aviv về Jerusalem, và đóng cửa Đại sứ quán Palestine tại thủ đô Brazil.

Được biết, nhánh hành pháp tại Brazil gần như có toàn quyền kiểm soát chính sách đối ngoại mà không cần thông qua các nhà lập pháp của quốc hội, nên ông Bolsonaro có thể sẽ thuận lợi hơn trong việc thực hiện các cam kết chiến dịch trong lĩnh vực ngoại giao và đó có thể là quả ngọt dễ hái cho chính quyền mới.

Ngoại giới đánh giá, thay đổi chính trường tại Brazil vừa qua sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới cán cân quyền lực quốc tế. Brazil đang là nền kinh tế thứ tám thế giới và ngày càng có tiếng nói đáng kể trong khu vực và trên trường quốc tế. Nếu chính quyền Bolsonaro xoay trục lại về Mỹ trong các diễn đàn ngoại giao, điều đó có thể bắt đầu hình thành một khối quốc tế để chống lại các chiến lược gây hại lâu dài của Đảng Cộng sản Trung Quốc trên khắp thế giới.

Brazil sẽ là đầu tàu tại Mỹ Latinh chống Maduro?

Chính phủ Brazil dưới sự điều hành của ông Bolsonaro được cho là cũng sẽ sẵn sàng dẫn dắt các nước làng giềng tạo dựng trật tự mới ở Nam Mỹ, đặc biệt nhắm vào chế độ độc tài Maduro tại Venezuela.

Venezuela, phía bắc của Brazil đang gặp khủng hoảng kinh tế, chính trị trầm trọng, kéo theo làn sóng di cư ồ ạt sang các nước láng giềng, trong đó có Brazil.

Con trai của ông Bolsonaro đã từng cảnh báo về việc Brazil có thể can thiệp quân sự vào Venezuela để lật đổ chế độ Maduro, “giải phóng những người anh em của chúng ta thoát khỏi chế độ độc tài vô cảm”.

Sau cuộc bầu cử tại Brazil, có thông tin cho rằng Tổng thống Colombia Iván Duque cũng đã lên tiếng sẵn sàng ủng hộ hành động quân sự tại Venezuela khi ông Bolsonaro lên cầm quyền.

Một quan chức cấp cao của Colombia hôm thứ Hai (29/10) tiết lộ với Folha de São Paulo – tờ báo lớn nhất Brazil rằng Tổng thống Iván Duque đã nói: “Nếu ông Trump hoặc ông Bolsonaro là người đầu tiên đặt chân đến Venezuela để lật đổ Maduro, Colombia sẽ theo sau mà không do dự”.

Theo The Epoch Times

Xuân Thành

Xem thêm: