Hãng sản xuất ôtô của Đức Volkswage đang chịu áp lực vì họ làm việc chính phủ Trung Quốc tại Tân Cương sau khi có bằng chứng vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ trong khu vực này. Volkswage thậm chí bị cáo buộc kết thân với giới chức và quân đội Trung Quốc tại Tân Cương để hưởng lợi ích kinh doanh.

Nhà máy sản xuất ôtô của Volkswagen tại Urumqi, Tân Cương.
Nhà máy sản xuất ôtô của Volkswagen tại Urumqi, Tân Cương. (Ảnh: Volkswagen.com)

Volkswagen, hoạt động tại Trung Quốc được 35 năm, đã mở một nhà máy sản xuất ô tô tại Urumqi, Tân Cương vào năm 2012, liên doanh với công ty SAIC của Trung Quốc.

Trao đổi với hãng tin DW hôm thứ Ba (26/11), Volkswagen nói rằng việc họ quyết định mở nhà máy tại Urumqi năm 2012 là “hoàn toàn dựa trên yếu tố kinh tế”. Volkswagen cho biết họ hy vọng “tăng trưởng kinh tế hơn nữa trong khu vực trong những năm tới“.

Những mối quan hệ đáng ngờ

Nhật báo Süddeutsche Zeitung (SZ) có trụ sở tại Munich, Đức mới đây đã cáo buộc Volkswagen đang chấp nhận thua lỗ tại Urumqi, Tân Cương để đảm bảo có được những hợp đồng khác với chính phủ Trung Quốc tại những khu vực sinh lợi nhiều hơn ở miền đông Trung Quốc.

Volkswagen phủ nhận cáo buộc của SZ. Trả lời câu hỏi của DW về cáo buộc của SZ, đại diện của Volkswagen nói: “Nhà máy [tại Urumqi] có công suất 50.000 chiếc ôtô/năm hoạt động có hiệu quả. Chúng tôi cho rằng miền tây Trung Quốc sẽ tận hưởng tăng trưởng kinh tế lớn hơn trong những năm tới, và chúng tôi sẽ tiếp tục tin tưởng vào nhà máy Urumqi của chúng tôi và sẽ mở rộng sự hiện diện của mình trong khu vực này.

Tờ SZ cũng cáo buộc liên doanh SAIC Volkswagen tại Tân Cương duy trì mối quan hệ gần gũi với Cảnh sát Vũ trang Nhân dân Trung Quốc, “một lực lượng bán quân sự được cho là một trong những động lực đằng sau các trại tập trung [tại Tân Cương]”.

Volkswagen cũng lên tiếng về điều kiện làm việc tại nhà máy sản xuất ôtô của họ tại Urumqi, nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi không cho rằng bất kỳ nhân viên nào của chúng tôi là lao động cưỡng bức”.

Vấn đề chế độ Trung Quốc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng tại Tân Cương đang nóng lên sau khi 400 trang văn kiện mật của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) về chính sách Tân Cương được tiết lộ.

Tờ New York Times gần đây có được một văn kiện nội bộ của ĐCSTQ dài 400 trang, nội dung yêu cầu tiến hành giáo dục và đe dọa đối với những trẻ em có cha mẹ đang bị giam giữ trong các trại tập trung của người dân tộc thiểu số Hồi giáo Tân Cương. Tài liệu này có hình thức “vấn đáp”, yêu cầu con cái của những người bị giam giữ phải mỹ hóa trại tập trung và đe dọa rằng, nếu không sẽ ảnh hưởng đến điểm số thời hạn cha mẹ bị giam giữ.

Trong một báo cáo dài hôm 16/11, tờ New York Times tiết lộ, những văn kiện này là văn kiện chính phủ lớn nhất của nội bộ ĐCSTQ được tiết lộ ra bên ngoài kể từ khi ĐCSTQ cầm quyền trong hàng thập kỷ qua. Trong 3 năm qua, chính quyền ĐCSTQ đã giam giữ hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakh, và những người dân tộc thiểu số khác trong các trại tập trung và nhà tù.

Phát biểu tại Berlin hôm 26/11, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã kêu gọi Trung Quốc hãy bảo vệ nhân quyền. “Trung Quốc phải đáp ứng các nghĩa vụ quốc tế của họ về nhân quyền,” ông Maas nói.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng lên án hành vi lạm dụng nhân quyền quy mô lớn của chế độ Trung Quốc. Ông Pompeo nói: “ĐCSTQ đang vi phạm nhân quyền và lạm dụng các cá nhân bị giam giữ hàng loạt”.

Ông Pompeo cho biết báo cáo mới được công bố “cho thấy rằng đó không phải là ngẫu nhiên, đó là cố ý và đang tiếp diễn”. Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi Trung Quốc lập tức thả tự do cho tất cả những cá nhân bị giam giữ tùy tiện tại Tân Cương.

Trả lời phỏng vấn DW trong chuyến thăm Berlin, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho hay: “Điều hết sức cần thiết là quyền con người được tôn trọng. Điều cực kỳ cần thiết là phải có chính sách cho phép người thiểu số cảm thấy rằng bản sắc của họ được tôn trọng.

Xuân Thành

Xem thêm: