Vụ nổ cầu Crimea hôm thứ Bảy (ngày 8/10) đã thu hút sự chú ý của toàn cầu. Vụ việc này không chỉ ảnh hưởng đến các hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine, mà còn giáng một đòn tâm lý vào Moscow. Một phần thân cầu bị nổ tung và giao thông bị đình trệ hoàn toàn, tương đương cắt đứt một con đường huyết mạch tiếp tế cho chiến dịch xâm lược Ukraine của Nga.

Cầu Crimea nối với Nga bị nổ tung

Tổng hợp thông tin từ truyền thông nước ngoài như Reuters The Guardian, vụ nổ xảy ra vào khoảng 6h sáng ngày 8/10, khi đó có một đoàn tàu đang chạy qua cầu. Video được chia sẻ trên mạng cho thấy đám cháy lớn nuốt chửng mấy toa xe kèm theo đám khói lớn, còn có video cho thấy một phần của con đường song song với đường ray xe lửa bị sụp đổ.

Sau vụ nổ, từ xa có thể nhìn thấy cảnh lửa bốc lên từ cầu Crimea, sau đó hãng truyền thông Mỹ CNN đã thu được khoảnh khắc vụ nổ còn kinh ngạc hơn.

Phóng viên Scott McLean của CNN nói: “Chúng tôi đang xem đoạn phim giám sát thời điểm vụ nổ xảy ra và mọi thứ dường như yên bình và bình thường. Sau đó, một quả cầu lửa lớn ngay lập tức thắp sáng màn hình.”

Ông Oleg Kryuchkov, phát ngôn viên của khu vực Crimea do Nga chiếm đóng, cho biết các cuộc điều tra ban đầu cho thấy một tàu chở dầu đã bốc cháy và cổng vòm vận tải không bị hư hại.

Hãng thông tấn Nga Sputnik dẫn báo cáo của Ủy ban chống khủng bố quốc gia Nga cho biết nguyên nhân vụ tai nạn nghi là do một chiếc xe tải bị nổ tung trên cầu Crimea, khiến 7 thùng nhiên liệu của đoàn tàu đi qua cầu này bị ảnh hưởng và bốc cháy.

Theo BBC, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã được thông báo ngắn gọn về “tình trạng khẩn cấp” của cây cầu Crimea và đã ra lệnh cho Chính phủ điều tra.

Phóng viên Scott McLean của CNN nói: “Tầm quan trọng của cây cầu này không chỉ mang tính chiến lược mà còn mang tính biểu tượng. Nó được xây dựng sau khi (Nga) thôn tính Crimea, chính ông Putin đã đi qua cầu vào năm 2018, đánh dấu việc cây cầu thông xe. Đó là liên kết thực sự duy nhất giữa Crimea và Nga vào thời điểm đó, và tất nhiên là bây giờ cũng vậy.”

Khi ông Putin khánh thành cây cầu này vào năm 2018, hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti đưa tin rằng nó có thể xử lý 40.000 phương tiện mỗi ngày, 14 triệu lượt hành khách và 13 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.

Lãnh đạo cấp cao của Ukraine: Đây mới chỉ là sự khởi đầu

Truyền thông quốc tế cho biết chưa thể xác nhận độc lập nguyên nhân vụ nổ. Tuy nhiên sau vụ nổ này, ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Zelensky, lần đầu tiên đăng bài viết trên Twitter kèm theo video, tuyên bố rằng đây chỉ là sự khởi đầu: “Mọi thứ bất hợp pháp phải bị tiêu hủy, mọi thứ bị đánh cắp từ Ukraine phải được trả lại, và tất cả những người chiếm đóng của Nga phải bị trục xuất.”

Một quan chức cấp cao của quân đội Ukraine nói với New York Times: “Ông Putin nên vui mừng, không phải ai cũng có thể nhận được món quà sinh nhật đắt như thế này.”

Mặc dù có thông tin cho rằng điều này đồng nghĩa với việc phía Ukraine đã thừa nhận vụ tấn công cầu Crimea, nhưng một số nhà phân tích cho rằng ông Mykhailo Podolyak không hề trực tiếp tuyên bố Ukraine chịu trách nhiệm về vụ việc hay không.

Đầu mối vận chuyển và bổ sung vật tư của Nga

Cầu Crimea bắt đầu từ Kerch ở cuối phía đông của Crimea, bắc qua eo biển Kerch nối Biển Đen và Biển Azov, nối thẳng đến Taman (Nga), với tổng chiều dài 19 km. Đây là cây cầu dài nhất châu Âu. Nó được sử dụng cho cả đường bộ và đường sắt. Cây cầu được khởi công xây dựng vào tháng 2/2016 và hoàn thành vào tháng 5/2018 với chi phí 228 tỷ rúp. Trước khi Chiến tranh Nga – Ukraine bùng nổ, cây cầu là đường bộ duy nhất nối liền giữa Crimea và đất liền Nga.

Kể từ khi bắt đầu chiến tranh giữa Nga và Ukraine, Nga đã chiếm đóng những khu vực rộng lớn ở phía nam, đông nam và đông, đồng thời thiết lập một “cây cầu trên bộ” hay “hành lang trên bộ” nối Nga với Crimea, nhưng địa vị đầu mối vận chuyển và bổ sung vật tư của cầu Crimea vẫn không thể thay thế được.

Nếu quân đội Nga không còn có thể sử dụng cây cầu để vận chuyển vật tư, các tuyến đường tiếp tế cho quân đội Nga hiện đang chiến đấu ở miền nam Ukraine sẽ trở nên dễ bị tổn thương hơn, đặc biệt là khi Ukraine tiến công về khu vực Kherson ở miền bắc Crimea.

Nga đã sử dụng tuyến đường sắt Crimea để chuyển hàng tiếp tế cho quân đội ở Kherson, và một số đầu mối đường sắt ở Crimea và Kherson đã bị trúng tên lửa tầm xa của Ukraine.

Ông Mykola Bielieskov thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Ukraine, cơ quan tư vấn cho Tổng thống Ukraine, cho biết tầm quan trọng của Cầu Crimea sẽ không thể thay thế đối với các lực lượng xâm lược của Nga nếu nó bị cắt đứt, “toàn bộ mặt trận phía nam của Nga (ở Ukraine) sẽ sụp đổ nhanh chóng và dễ dàng.”

Mặc dù quân đội Nga đã chiếm đóng một phần ven biển Ukraine nối khu vực Kherson và Crimea với Nga, nhưng ông Bielieskov nói rằng các liên kết giao thông ở đó rất kém, nên Nga muốn gửi quân tiếp viện đến Kherson dọc theo cầu vào Crimea, tiện cho tuyến tấn công vòng bên sườn.

Chính phủ của ông Putin khẳng định thiệt hại đang trong tầm kiểm soát và cây cầu sẽ nhanh chóng được sửa chữa. Bộ Giao thông vận tải Nga cho biết đoạn đường sắt của cây cầu sẽ được khôi phục vào tối thứ Bảy. Ông Sergey Aksenov, nhà lãnh đạo Crimea do Nga bổ nhiệm, cho biết trong một tuyên bố trên Telegram của mình vào cuối ngày thứ Bảy rằng giao thông ô tô đã trở lại trên phần không bị hư hại của cầu Crimea.

Từ cuối tháng Tám năm nay, quân đội Ukraine đã tích cực phản công khu vực Kherson Oblast do Nga chiếm đóng ở phía bắc Crimea, đồng thời liên tục tấn công các căn cứ quân sự của Nga ở Crimea. Tổng thống Zelensky đã nhiều lần tuyên bố Ukraine sẽ chiếm lại tất cả các vùng lãnh thổ bị Nga chiếm đóng, bao gồm cả Crimea.

Truyền thông Nga: Ngoại trưởng nói về chiến tranh hạt nhân

Ngày 8/10, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Moscow tuân thủ nguyên tắc không để nổ ra chiến tranh hạt nhân. Trả lời phỏng vấn của tờ Argumenty i Fakty của Nga, ông nói: “Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng Nga vẫn cam kết với tuyên bố của các nhà lãnh đạo của 5 cường quốc hạt nhân vào ngày 3/1, tuyên bố này tái khẳng định nguyên tắc không cho phép chiến tranh hạt nhân. Căn cứ vào tuyên bố được các lãnh đạo cấp cao nhất phê chuẩn, cần phải ngăn chặn bất cứ cuộc xung đột vũ trang nào giữa các quốc gia có vũ khí hạt nhân.”

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết trong bài phát biểu trước người Nga hôm 21/9 rằng phương Tây đã vượt qua mọi ranh giới trong chính sách chống Nga và luôn đặt ra mối đe dọa đối với Nga. Ông nói rằng phương Tây tống tiền hạt nhân và sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt để chống lại Nga. Ông Putin nhắc nhở phương Tây rằng Nga có một số ưu thế về trang bị quân sự so với các nước khác, đồng thời cảnh báo những người dùng vũ khí hạt nhân để đe dọa Nga rằng hướng gió có thể sẽ chuyển hướng về phía họ.

Học thuyết quân sự của Nga và “các nguyên tắc cơ bản của chính sách răn đe hạt nhân quốc gia” mô tả các kịch bản mà Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân về mặt lý thuyết. Theo các tài liệu, vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng trong trường hợp xâm lược chống lại Nga hoặc các đồng minh của họ bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt, hoặc đối mặt với hành động xâm lược bằng vũ khí thông thường đe dọa sự tồn vong của quốc gia.

Trí Đạt (t/h)