Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki đã phải thừa nhận rằng 26/8 là “ngày tồi tệ nhất” trong nhiệm kỳ tổng thống của Joe Biden. Vụ tấn công tàn khốc tại Sân bay Quốc tế Hamid Karzai của Kabul khiến 13 quân nhân Mỹ và 169 người Afghanistan thiệt mạng dường như sẽ để lại vết sẹo vĩnh viễn cho nhiệm kỳ của Tổng thống Biden.

Embed from Getty Images

Nhiều người đã liên tưởng khủng hoảng ở Kabul với vụ tấn công tại Benghazi ở Libya, đã giết chết đại sứ Mỹ và ba người Mỹ khác vào năm 2012, phủ bóng đen lên nhiệm kỳ của Barack Obama và Ngoại trưởng khi đó là Hillary Clinton cho đến ngày nay. 

Thảm kịch Benghazi và dư âm chính trị sau đó cho thấy phản ứng mà chính quyền Biden sẽ phải đối mặt trước việc xử lý rút quân ở Afghanistan. Nếu đảng Cộng hòa chiếm lại Hạ viện vào năm tới, họ chắc chắn sẽ khiến chính quyền Biden phải đối mặt với các cuộc điều tra và điều trần trong hai năm sau đó, tờ Newsweek bình luận.

Nhiệm kỳ Tổng thống của ông Biden chỉ mới bảy tháng và tỷ lệ chấp thuận của ông đã giảm xuống mức thấp nhất với 41% (theo cuộc thăm dò hôm 24/8 của USA Today), giảm hơn 10 điểm so với tháng trước. Sự hỗn loạn ở Kabul chắc chắn là một phần lý do, nhưng ngoài ra, đó cũng là những thất bại trong việc kiểm soát biên giới phía nam, lạm phát gia tăng và sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19. Vụ tấn công tại Kabul dường như sẽ còn khiến tỷ lệ ủng hộ ông Biden sụt giảm thêm.

Một cách lặng lẽ, ngày càng nhiều đảng viên Đảng Dân chủ có ảnh hưởng đã bắt đầu băn khoăn về khả năng ông Biden sẽ tranh cử vào năm 2024, không chỉ vì tuổi tác của ông. 

Các quan chức Nhà Trắng và đảng viên Đảng Dân chủ ở Washington đã hy vọng rằng các chuyến bay từ Kabul sẽ hoàn tất vào ngày 31/8, không có thương vong hoặc người Mỹ nào bị bỏ lại phía sau. Nếu việc rút quân diễn ra tốt đẹp, ông Biden có thể tuyên bố chiến thắng, nói rằng ông đã kết thúc chiến tranh và đảng Dân chủ sẽ nhanh chóng chuyển sang chương trình nghị sự trong nước của họ: dự luật cơ sở hạ tầng, dự luật chi tiêu khổng lồ 3,5 nghìn tỷ đô la và các phiên điều trần về vụ hỗn loạn ngày 6 tháng 1 trên Đồi Capitol.

Nhưng sự việc đã không diễn tiến như vậy và đến hiện tại, nhóm ông Biden rơi vào thế phòng thủ. Các nhà phê bình đã chộp lấy những tuyên bố thay đổi liên tục của ông về Afghanistan. Vào đầu tháng 7, ông nói rằng “rất khó” để khung cảnh tuyệt vọng của máy bay trực thăng rời đại sứ quán tại Sài Gòn vào năm 1975 sẽ lặp lại, nhưng một tháng sau ông đã phải thừa nhận trên ABC News rằng kết thúc hỗn loạn là điều không thể tránh khỏi.

Các câu hỏi đang được đưa ra liên tiếp, và không chỉ từ các đảng viên Cộng hòa. Tại sao quân đội lại được rút ra trước dân thường? Lầu Năm Góc có đưa ra bất kỳ câu hỏi nào về điều đó không? Chính xác thì các báo cáo tình báo đã nói gì về sự sụp đổ của Quân đội Quốc gia Afghanistan? Tại sao Mỹ không kiên quyết giữ đủ quân trong nước để đảm bảo vành đai xung quanh sân bay Karzai, mà lại dựa vào Taliban đảm đương nhiệm vụ đó? 

Cuối cùng, tại sao Mỹ lại từ bỏ căn cứ không quân Bagram trước khi sơ tán tất cả thường dân, bao gồm những người Mỹ và người Afghanistan đã hỗ trợ quân đội Mỹ muốn rời đi? Quyết định đó đã làm suy giảm nghiêm trọng khả năng do thám và giám sát của Hoa Kỳ, cũng như khả năng bảo đảm an ninh khi cuộc không vận diễn ra. Và liệu Lầu Năm Góc có thực sự ủng hộ quyết định đó, như ông Biden đã khẳng định trong bài phát biểu hôm thứ Năm? 

“Tôi thấy điều đó thật đáng kinh ngạc”, Tướng về hưu Jack Keane, người đã cố vấn chính thức cho cựu Tổng thống Trump về các vấn đề quân sự, nói sau bài phát biểu.

Nhiều thành viên Đảng Dân chủ trên Đồi Capitol cũng đã bày tỏ sự kinh hoàng trước các sự kiện ở Kabul. Một nhân viên cấp cao của Đảng Dân chủ trong Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Hạ viện nói với tờ Newsweek rằng họ cũng muốn có các câu trả lời giống như các thành viên đảng Cộng Hòa đang yêu cầu. 

Các mối đe dọa đối với nhiệm kỳ Tổng thống của ông Biden đang chồng chất. Trong ngắn hạn, khả năng xảy ra một cuộc tấn công khác trước thời hạn 31/8 là có thật. Ngoài ra, còn có khả năng lực lượng al-Qaeda hồi sinh sẽ một lần nữa có thể thực hiện các cuộc tấn công ở nước ngoài từ Afghanistan.

Lê Xuân (theo Newsweek)

Xem thêm: