Charles III sẽ chính thức lên ngôi Vua vào Thứ Bảy trong sự kiện nghi lễ lớn nhất của nước Anh trong 7 thập kỷ, một màn trình diễn lộng lẫy xa hoa có truyền thống từ 1.000 năm trước, theo báo cáo của Reuters.

GettyImages 1240577059
Hoàng tử Anh Charles đang đọc diễn văn của Nữ hoàng bên cạnh vương miện hoàng gia hôm 10/5/2022. (Nguồn ảnh: ALASTAIR GRANT/POOL/AFP qua Getty Images)

Vua Charles kế vị mẹ là Nữ hoàng Elizabeth khi bà qua đời vào tháng 9 năm ngoái. Ở tuổi 74, ông sẽ trở thành quốc vương Anh lớn tuổi nhất được đội lên đầu Vương miện St Edward có từ 360 năm trước, khi ông ngồi trên ngai vàng có từ thế kỷ 14 tại Tu viện Westminster ở London.

Trước sự chứng kiến ​​của khoảng 100 nguyên thủ quốc gia và các chức sắc, bao gồm cả đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Jill Biden, Vua Charles tiếp bước 40 người tiền nhiệm đăng quang tại tu viện, nơi đã tổ chức tất cả các lễ đăng quang của đất nước kể từ vị vua huyền thoại trong lịch sử William the Conqueror vào năm 1066.

Người vợ thứ hai của ông, Camilla, 75 tuổi, cũng sẽ lên ngôi nữ hoàng trong buổi lễ kéo dài 2 giờ đồng hồ, theo truyền thống. Nói chung, buổi lễ sẽ cố gắng thể hiện một chế độ quân chủ và quốc gia hướng tới tương lai.

Thủ tướng Rishi Sunak nói, “Không một quốc gia nào khác có thể tổ chức một màn trình diễn rực rỡ như vậy: Các đám rước, các cuộc thi hoành tráng, các nghi lễ và các bữa tiệc đường phố.”

“Đó là một sự thể hiện đáng tự hào về lịch sử, về văn hóa, và về truyền thống của chúng ta. Một minh chứng sống động về tính cách hiện đại của đất nước chúng ta: Một nghi lễ ấp ủ mà qua đó một kỷ nguyên mới được sinh ra.”

Bất chấp sự nhiệt tình của Sunak, lễ đăng quang diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt và sự hoài nghi của công chúng, đặc biệt là trong giới trẻ, về vai trò và sự liên quan của chế độ quân chủ cũng như các câu hỏi về tài chính của nó.

Sự kiện hôm Thứ Bảy sẽ có quy mô nhỏ hơn so với sự kiện được tổ chức cho Nữ hoàng Elizabeth vào năm 1953, nhưng vẫn nhằm mục đích trở nên ngoạn mục, bao gồm một loạt các biểu tượng lịch sử từ quả cầu vàng và thanh kiếm nạm đá quý cho đến vương trượng gắn viên kim cương cắt không màu lớn nhất thế giới.

Sau nghi lễ, Vua Charles và Hoàng hậu Camilla sẽ khởi hành trên chiếc xe Gold State Coach nặng 4 tấn được chế tạo cho George III, vị vua cuối cùng của các thuộc địa Anh ở Mỹ, quay trở lại Cung điện Buckingham trong đoàn diễu hành dài một dặm gồm 4.000 quân nhân từ 39 quốc gia trong lễ phục.

Đây sẽ là buổi biểu diễn lớn nhất của loại hình này ở Anh kể từ lễ đăng quang của mẹ ông. Hàng ngàn người dự kiến ​​sẽ xếp hàng trên đường phố và hàng triệu người sẽ xem ở nhà và trên toàn cầu.

Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng cho biết các nhà tổ chức đã tận dụng “những gì tốt nhất” từ các lễ đăng quang trước đó, các lễ kỷ niệm tưng bừng và lễ tang của cố nữ hoàng để chuẩn bị cho một sự kiện hoành tráng.

Chương trình dự kiến

Khi bắt đầu buổi lễ, Vua và Hoàng hậu sẽ đi từ Cung điện Buckingham đến tu viện trên chiếc xe Diamond State Jubilee Coach hiện đại, với dịch vụ sẽ bắt đầu lúc 10:00 GMT (5:00 PM giờ Việt Nam)

Họ sẽ vượt qua đám đông cổ vũ nhưng cũng là điều mà những người chống chế độ quân chủ nói sẽ là cuộc biểu tình lớn nhất của những người cộng hòa. Hơn 11.000 cảnh sát sẽ túc trực sẵn sàng dập tắt mọi âm mưu gây rối.

Khi đến tu viện, phần lớn buổi lễ sẽ có các yếu tố mà tổ tiên của nhà Vua từ thời Vua Edgar năm 973 định chế ra, theo các quan chức cho biết. Bài ca đăng quang của Handel “Zadok The Priest” sẽ được hát như mọi lễ đăng quang kể từ năm 1727.

Nhưng sẽ có những yếu tố mới, bao gồm một bài quốc ca do Andrew Lloyd Webber sáng tác, nổi tiếng với các buổi biểu diễn sân khấu ở West End và Broadway, và một dàn hợp xướng phúc âm.

Đó là một buổi lễ theo truyền thống Kitô giáo, nhưng sẽ có màn chào mừng “chưa từng có” từ các nhà lãnh đạo của các tín ngưỡng khác. Cháu trai của Vua là Hoàng tôn George và các cháu của bà Camilla sẽ đóng vai trò là thị đồng, trẻ nhỏ đi kèm.

Tuy nhiên, sẽ không có vai trò chính thức nào dành cho con trai út của nhà Vua là Hoàng tử Harry, sau khi anh bất hòa với gia đình; cũng như anh trai của anh ấy là Hoàng tử Andrew, người đã buộc phải từ bỏ chức trách hoàng gia vì tình bạn của mình với nhà tài chính Hoa Kỳ Jeffrey Epstein đã qua đời, một kẻ tội phạm tình dục bị kết án.

Vua Charles sẽ tuyên thệ cai trị công bằng và bảo vệ Giáo hội Anh, một nhánh của Kitô giáo —trong đó ông là người đứng đầu trên danh nghĩa— trước phần thiêng liêng nhất của buổi lễ khi ông được Đức Tổng Giám mục Canterbury Justin Welby xức dầu thánh lên tay, đầu, và ngực, bằng dầu được thánh hiến tại Jerusalem.

Sau khi Vua Charles được trao vương miện mang tính biểu tượng, Welby sẽ đặt Vương miện của St Edward lên đầu ông và mọi người sẽ hô vang “Chúa cứu rỗi đức vua” (God Save the King).

Con trai cả và cũng là người thừa kế của ông, Hoàng tử William sau đó sẽ bày tỏ lòng kính trọng, quỳ gối trước cha mình, đặt tay giữa hai tay của nhà vua và cam kết lòng trung thành của mình với tư cách là “người đàn ông trung thành như mạng sống và chân tay.”

Hiệu trung — Bày tỏ lòng trung thành

Welby sẽ kêu gọi tất cả những người trong tu viện và trên toàn quốc thề trung thành với Vua Charles —một hoạt động mới trong lễ đăng quang— thay thế cho truyền thống cổ xưa, mà ở đó các quý tộc cao cấp và lãnh chúa của vương quốc tuyên thệ trung thành với nhà Vua.

Lưu ý rằng chi tiết này đã gây ra tranh cãi với nhóm cộng hòa, những người chống chế độ quân chủ, khi họ gọi đó là hành vi xúc phạm, và họ buộc Welby phải biểu đạt rõ ràng đó là lời mời chứ không phải mệnh lệnh.

Sau khi trở về Cung điện Buckingham, các thành viên hoàng gia sẽ xuất hiện theo truyền thống trên ban công, với cảnh máy bay quân sự bay ngang qua đó.

Cũng theo kiểu truyền thống của Anh, thời tiết ở London có thể có những trận mưa lớn, các nhà dự báo thời tiết cho biết, điều này đồng nghĩa với việc chuyến bay này có thể bị giảm bớt hoặc thậm chí bị hủy bỏ.

Chương trình lễ kỷ niệm sẽ tiếp tục vào Chủ Nhật với các bữa tiệc đường phố trên toàn quốc và một buổi hòa nhạc tại lâu đài Windsor của nhà Vua, và tiếp tục vào Thứ Hai khi hàng ngàn tổ chức đang tham gia vào các hoạt động tình nguyện.

Nữ hoàng Elizabeth đã nói trong một bộ phim tài liệu truyền hình cách đây 5 năm rằng lễ đăng quang của bà đánh dấu sự khởi đầu thực sự trong cuộc đời trị vì của bà.

“Đó là một cảnh hoành tráng thể hiện tinh thần hiệp sĩ cao thượng và phong cách cổ điển,” bà từng nói.

Nhật Tân