Người phát ngôn của Chính phủ Pháp cho biết, Tổng thống Emmanuel Macron sẽ phát biểu trước toàn quốc vào thứ Tư (22/3) vạch ra các kế hoạch sau khi Chính phủ của ông giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong Quốc hội về dự luật cải cách lương hưu.

shutterstock 606421934
Tổng thống Pháp Macron. (Ảnh: Frederic Legrand – COMEO/Shutterstock)

BBC đưa tin, Chính phủ của ông Macron đã suýt thua trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội hôm thứ Hai, ngăn chặn các nỗ lực nhằm hủy bỏ dự luật cải cách lương hưu và lật đổ Chính phủ của ông.

Kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm do một nhóm các nhà lập pháp trung dung khởi xướng chỉ giành được sự ủng hộ của 278 thành viên của Hạ viện, thiếu 9 phiếu để thành công. Một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm thứ hai do phe bảo thủ của bà Marine Le Pen khởi xướng cũng thất bại.

Kết quả này dọn đường cho cải cách lương hưu của ông Macron, một phần quan trọng trong chương trình nghị sự ủng hộ doanh nghiệp của ông, và cũng là thước đo năng lực cầm quyền của ông, một khi ủy ban hiến pháp xem xét dự thảo này, nó sẽ trở thành luật.

Dự luật nâng tuổi nghỉ hưu của Pháp từ 62 lên 64 vào năm 2030, ông Macron cho biết, đây là là cách duy nhất để cứu hệ thống lương hưu tốn kém của Pháp mà không tăng thuế hoặc làm tăng nợ quốc gia.

Người biểu tình tràn ngập đường phố Paris ngay sau khi kiến nghị bất tín nhiệm thất bại, họ yêu cầu ông Macron sửa đổi hướng đi. Hơn 200 người đã bị bắt trên khắp nước Pháp vào tối thứ Hai.

GettyImages 1248536867
Biểu tình ở Pháp hôm 18/3/2023 để phản đối việc Tổng thống Pháp Macron cưỡng ép thông qua dự luật cải cách lương hưu. (Nguồn: LOIC VENANCE/AFP via Getty Images)

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đa số người dân Pháp phản đối cải cách tuổi nghỉ hưu và phản đối quyết định thúc đẩy thông qua cải cách này. Người biểu tình đã xuống đường ở các thành phố trên khắp nước Pháp, các nhà lập pháp đối lập tuyên bố sẽ đảo ngược dự luật, các công đoàn cũng chuẩn bị hành động trên toàn quốc vào thứ Năm.

Các cuộc đình công đang diễn ra tại các kho chứa dầu ở miền đông nam nước Pháp đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt, hôm thứ Ba Chính phủ buộc phải trưng dụng nhân viên để đảm bảo nguồn cung. Cuộc đình công cũng tiếp tục ảnh hưởng đến lĩnh vực giao thông vận tải.

Tối thứ Hai,  trên một số đường phố nổi bật ở trung tâm Paris, người biểu tình đốt những đống rác tích tụ trong cuộc đình công kéo dài hai tuần của những người thu gom rác, khiến cảnh sát phải sử dụng hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông.

Bước tiếp theo của ông Macron

Một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Chính phủ đã thất bại, nhưng được 278 nghị sĩ ủng hộ.

Mọi con mắt bây giờ hướng về tổng thống, người sẽ được phỏng vấn vào thứ Tư bởi chương trình tin tức hàng ngày của TF1France 2 TV. Người phát ngôn Chính phủ, ông Olivier Veran cho biết, ông Macron sẽ “khái quát những việc hiện đang xảy ra”.

Ông Macron đã hội đàm với Thủ tướng Elisabeth Borne, Chủ tịch của lưỡng viện Quốc hội và các thành viên trong khối chính trị của ông vào cuối ngày thứ Ba để tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.

Ông Borne nói: “Tiến trình dân chủ của cuộc cải cách quan trọng này ở đất nước chúng ta sắp kết thúc. Tôi xin nhận trách nhiệm của mình và của chính quyền với sự khiêm tốn và nghiêm túc.”

Những người phản đối nói rằng, điều này cho thấy quyết định của ông Macron về việc bỏ qua một cuộc bỏ phiếu của Quốc hội về dự luật lương hưu, đã làm suy yếu chương trình cải cách của ông và làm suy yếu năng lực lãnh đạo của ông.

Điều quan trọng trong những ngày tới là liệu ông Macron có gắn bó với Chính phủ hiện tại của mình không, bởi vì ông tìm cách làm mới mọi thứ, ngay cả khi một sự tê liệt của Quốc hội tiềm tàng sẽ làm phức tạp việc quản trị.

Dự luật lương hưu

Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA) đưa tin, cuộc cải cách của Pháp sẽ dần dần lùi tuổi nghỉ hưu hợp pháp từ 62 tuổi, mỗi năm sẽ lùi 3 tháng, đến năm 2030 sẽ lùi đến 64 tuổi.

Theo Luật Niên kim ban hành năm 2014, người lao động sinh sau năm 1973 phải khấu trừ thuế trong 43 năm thì mới được hưởng lương hưu đầy đủ từ năm 2035; ngưỡng 43 năm trong dự luật cải cách không thay đổi mà được dời sang năm 2027 mới thực hiện.

Số tiền tối thiểu hàng năm cho những người mới về hưu được quy định không thấp hơn 85% mức lương tối thiểu ròng, tương đương gần 1.200 euro mỗi tháng ở mức hiện tại; lương hưu cho những người nhận mức lương tối thiểu từ năm thứ hai kể từ khi nghỉ hưu sẽ dựa trên điều chỉnh chỉ số lạm phát.

Cải cách lương hưu là một trong những vấn đề chính của ông Macron trong chiến dịch tái tranh cử của ông vào năm ngoái. Chính phủ của ông Macron cho biết điều này là cần thiết để ngăn hệ thống hưu trí rơi vào tình trạng thâm hụt và tạo gánh nặng cho những người trẻ tuổi, nhưng nó luôn không được chấp nhận.

Kể từ khi ông Macron tái đắc cử Tổng thống vào tháng 4 năm ngoái, Chính phủ của ông đã phải đối mặt với hơn 10 kiến nghị bất tín nhiệm.

Tương lai của chương trình nghị sự ủng hộ kinh doanh thương mại của ông Macron hiện giờ nằm ​​trong tay các đảng viên Cộng hòa bảo thủ, những người nắm giữ cán cân quyền lực trong Quốc hội. Trong số 61 nhà lập pháp tại Quốc hội thuộc Đảng Cộng hòa, 19 người đã bỏ phiếu ủng hộ kiến ​​nghị bất tín nhiệm quan trọng vào thứ Hai.

Cùng với việc lực lượng cánh tả và cực hữu trỗi dậy, Đảng Phục hưng của ông Macron đã mất thế đa số trong Quốc hội vào tháng 6.

Đảng Phục hưng có 170 ghế trong Quốc hội, là một phần của liên minh lớn hơn bao gồm các đảng trung hữu với tổng số 250 ghế.