Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 21/11 đã hoan nghênh mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Washington và Đài Bắc sau cuộc đối thoại kinh tế cấp cao giữa hai bên.

Embed from Getty Images

Dưới sự bảo trợ của chương trình Đối thoại Quan hệ đối tác Kinh tế Thịnh vượng mới (EPP), các cuộc đàm phán đầu tiên đã được tổ chức trực tuyến và trực tiếp tại Washington vào hôm thứ 6 (20/11). Những lĩnh vực trọng điểm bao gồm khoa học và công nghệ, tái cấu trúc chuỗi cung ứng, và mạng 5G.

Ông Pompeo viết trên Twitter hôm 21/11: “Hoa Kỳ và Đài Loan có quan hệ đối tác vững mạnh trong việc bảo vệ tự do, tăng cường quan hệ kinh tế và thúc đẩy các giá trị dân chủ chung của chúng ta. Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan đã củng cố hơn nữa mối quan hệ kinh tế giữa hai bên.”

Các cuộc đàm phán là một phần trong chính sách tăng cường quan hệ của chính quyền Trump đối với đảo quốc dân chủ. Trong những tháng qua, hai quan chức cấp cao của Hoa Kỳ đã viếng thăm Đài Loan, một sự khác biệt lớn so với các chính quyền Mỹ trước đó. Đồng thời, Bộ Ngoại Mỹ gần đây đã phê duyệt việc bán ba gói vũ khí khác nhau cho Đài Loan, với thương vụ mới nhất là bán các máy bay không người lái hiện đại trị giá 600 triệu USD.

Các cuộc đàm phán hôm thứ 6 (20/11) do Viện Hòa Kỳ tại Đài Loan (AIT), đại sứ quán Hoa Kỳ trên thực tế tại Đài loan và Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc (TECRO) chủ trì. TECRO đóng vai trò như đại sứ quán trên thực tế của Đài Loan tại Hoa Kỳ khi hai bên chưa có quan hệ ngoại giao chính thức.

Washington vẫn duy trì quan hệ phi ngoại giao với Đài Bắc dựa trên Đạo luật Quan hệ Đài Loan, vốn cho phép Hoa Kỳ cung cấp các thiết bị quân sự cho đảo quốc để tự vệ, cũng như thành lập một tổ chức phi lợi nhuận gọi là Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT).

Thứ trưởng Bộ Kinh tế Đài Loan Chen Chern-Chyi đã dẫn đầu một phái đoàn đến Hoa Kỳ để tham gia đối thoại vào hôm 20/11. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ về Tăng trưởng Kinh tế, Năng lượng và Môi trường Keith Krach cùng với Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương David Stilwell đã tham gia cuộc đàm phán.

Theo AIT, Washington và Đài Bắc đã đồng ý hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó ưu tiên hàng đầu cho ngành công nghiệp bán dẫn. Những lĩnh vực hợp tác khác bao gồm an ninh mạng 5G, chăm sóc y tế, giám sát đầu tư, và trao quyền kinh tế cho phụ nữ. Hai bên đã hoàn tất việc thảo luận hợp tác bằng cách ký một bản ghi nhớ 5 năm.

Trong một thông báo được đưa ra hôm thứ 6 (20/11) sau khi các cuộc đàm phán kết thúc, Bộ Ngoại giao Mỹ nói: “Các cuộc đối thoại EPP trong tương lai sẽ giúp thúc đẩy mối quan hệ kinh Tế Hoa Kỳ – Đài Loan, tăng cường hơn nữa sự tôn trọng dân chủ của hai quốc gia, đồng thời củng cố cam kết chung của chúng ta về các thị trường tự do, tinh thần khởi nghiệp, và nền tự do.”

Đáp lại dòng tweet của ông Pompeo, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã đăng trên tài khoản Twitter của mình để ca ngợi mối quan hệ song phương ngày càng phát triển giữa hai bên.

Bà Thái nói hôm chủ nhật (22/11): “Chúng tôi mong muốn tiếp tục mối quan hệ đối tác bền chặt với Hoa Kỳ vì lợi ích của hòa bình, dân chủ và tự do trong khu vực.”

Ông Liu Pei-chen, nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, một tổ chức tư vấn chính phủ đặt tại Đài Bắc, cho rằng Washington và Đài Bắc đều sẽ có lợi khi hợp tác chặt chẽ về chất bán dẫn.

Trong cuộc phỏng vấn với Hãng Thông tấn Trung ương Đài Loan, ông Liu cho biết hai nước đang chuẩn bị tận dụng sức mạnh của nhau, với Hoa Kỳ là nước đi đầu trong việc thiết kế chip, còn Đài Loan thì mạnh về sản xuất, đóng gói, và thử nghiệm chip.

Sản xuất chip là một quá trình chuyên môn hóa cao liên quan đến hơn một nghìn bước, bao gồm việc thiết kế và đóng gói chip. Sản phẩm cuối cùng, chip bán dẫn, được sử dụng để cung cấp khả năng điều khiển gần như tất cả các thiết bị điện tử, từ điện thoại thông minh, máy vi tính cho đến vệ tinh và hệ thống tên lửa.

Đài Loan đang trở thành điểm đến đầu tư ngày càng hấp dẫn đối với các công ty công nghệ nước ngoài. Theo truyền thông địa phương, vào đầu tháng 9, Google đã thông báo kế hoạch thành lập một trung tâm dữ liệu khác tại Đài Loan. Vào tháng 10, Microsoft đã thông báo kế hoạch thành lập khu vực trung tâm dữ liệu đám mây đầu tiên của mình trên hòn đảo này.

Vào tháng 5, Công ty TSMC của Đài Loan, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, đã thông báo kế hoạch đầu tư 12 tỷ USD để xây dựng một nhà máy với công nghệ sản xuất chip 5nm tại bang Arizona, Hoa Kỳ.

Theo Reuters, các quan chức thành phố Phoenix, Arizona đã phê duyệt một thỏa thuận phát triển với TSMC, trong đó thành phố sẽ cung cấp 205 triệu USD cho các dự án cơ sở hạ tầng địa phương như đường xá và cải thiện nguồn nước.

Frank Fang / The Epoch Times

Xem thêm: