Hôm 31/5 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo rằng virus gây bệnh đậu mùa khỉ đã lan ra 30 quốc gia trên thế giới với khoảng trên 550 ca mắc đã được ghi nhận.

bệnh đậu mùa khỉ
(Ảnh minh họa: BLACKDAY/Shutterstock)

Tiến sỹ Rosamund Lewis, chuyên gia phụ trách các bệnh đậu mùa trong chương trình khẩn cấp của WHO, cho biết: “Hiện nay chúng tôi đã thống kê được trên 550 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ được xác nhận ở 30 quốc gia trên 4 trong 6 khu vực của WHO”.

Bà Lewis nhận định bệnh này đang cùng một lúc bùng phát ở nhiều nơi, trong thời gian tương đối ngắn. Chỉ trong vài ngày và vài tuần, số ca mắc đã tăng vọt lên trên 500 ca và đây là điều chưa từng được ghi nhận trước đây.

Tiến sĩ Lewis cho biết ở thời điểm hiện tại, WHO không tin rằng đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ bên ngoài châu Phi sẽ dẫn đến một đại dịch. WHO đang xem xét liệu xu hướng bùng phát bệnh đậu mùa khỉ có được coi là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế (PHEIC) như với COVID-19 hay Ebola hay không, qua đó giúp đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và tài trợ để ngăn chặn bệnh dịch.

Cùng ngày, Văn phòng WHO tại châu Phi cho biết từ đầu năm tới nay, có 7 quốc gia trong khu vực đã ghi nhận 44 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ và 1.392 ca nghi mắc. Các ca bệnh được báo cáo từ Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, CHDC Congo, Liberia, Nigeria, Cộng hòa Congo và Sierra Leone. Tổng số ca mắc và nghi mắc thấp trong 5 tháng đầu năm nay thấp hơn khoảng 50% so với năm 2021.

Giám đốc WHO khu vực châu Phi Matshidiso Moeti đã nhấn mạnh rằng cần phải tránh đưa ra 2 phản ứng khác nhau trong việc đối phó với bệnh đậu mùa khỉ, một là ở các nước phương Tây hiện bệnh này đang lây lan và một là ở châu Phi. Ông cho rằng các nước trên thế giới cần hợp tác và tham gia các nỗ lực toàn cầu bao gồm chia sẻ kinh nghiệm, chuyên môn và nhu cầu của châu Phi. Đây là cách duy nhất để đảm bảo thế giới tăng cường giám sát và hiểu rõ hơn về diễn biến của bệnh đậu mùa khỉ, đồng thời nâng cao năng lực sẵn sàng ứng phó nhằm ngăn căn bệnh này lây lan.

Cũng theo bà Moeti, châu Phi đã thành công trong việc ngăn chặn các đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ. Điều quan trọng là châu lục này cần được tiếp cận bình đẳng với các loại vắc-xin phòng bệnh đậu mùa khỉ hiệu quả, cũng như cần đảm bảo các chế phẩm này đến tay mọi cộng đồng có nhu cầu.

Bệnh đậu mùa khỉ lần đầu tiên được phát hiện ở người vào năm 1970 tại châu Phi và kể từ đó, hầu hết các trường hợp mắc bệnh được báo cáo đều tập trung ở các vùng nông thôn và rừng nhiệt đới. Trong nhiều thập niên, chỉ có một số trường hợp được báo cáo lẻ tẻ. Sau đó, vào năm 2017, đã có một sự gia tăng đột biến với trên 2.800 ca nghi mắc được ghi nhận ở 5 quốc gia. Sự gia tăng này tiếp tục đạt đỉnh vào năm 2020 với trên 6.300 ca nghi mắc, trong đó CHDC Congo chiếm 95% số ca. Con số này sau đó đã giảm vào năm 2021 xuống còn khoảng 3.200 ca nghi mắc.

Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu các dịch bệnh truyền nhiễm (NICD) của Nam Phi Adrian Puren nhận định rằng đến nay việc tiêm vắc-xin ngừa bệnh trên diện rộng là điều không cần thiết. Chiến dịch tiêm phòng nên ưu tiên cho những bệnh truyền nhiễm khác, có nguy cơ lây lan và tử vong cao hơn. Tuy nhiên, ông lưu ý giới chức y tế cần duy trì cảnh giác trước đợt bùng phát lần này.

Trong khi đó, chuyên gia Jacqueline Weyer tại NICD cho rằng đợt bùng phát bệnh đầu mùa khỉ hiện nay không có gì khác thường ngoài địa điểm bùng phát. Theo bà, các kết quả phân tích chuỗi gen của virus gây bệnh trong đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay không có thay đổi gì so với virus từng gây bệnh ở Nigeria trong những năm gần đây. Điều khác duy nhất ở đợt bùng phát này chỉ là bệnh xuất hiện ở địa điểm khác, không phải các vùng Tây và Trung Phi như trước kia.

Bà Weyer cho rằng virus gây bệnh đậu mùa khỉ không lây lan nhanh như virus gây bệnh COVID-19 và đợt bùng phát hiện nay có thể kiểm soát nhanh chóng hơn thông qua xét nghiệm, truy dấu tiếp xúc, theo dõi và cách ly thay vì tiêm chủng.

Phan Anh

“Đế chế tà ác” – Tổng thống Ronald Reagan