Hôm 7/11 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết từ đầu năm tới nay đã có ít nhất 15.000 người ở châu Âu thiệt mạng do thời tiết nắng nóng, trong đó Tây Ban Nha và Đức là 2 trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, theo tờ NDTV.

người thiệt mạng
(Ảnh minh họa: Dreamprint/Shutterstock)

Cụ thể, ba tháng từ tháng 6 đến tháng 8/2022 được cho là quãng thời gian nóng nhất ở châu Âu kể từ trước tới nay và nhiệt độ đặc biệt cao đã dẫn đến đợt hạn hán tồi tệ nhất mà “lục địa già” từng trải qua kể từ thời Trung cổ.

Ông Hans Kluge, Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của WHO, cho hay rằng nắng nóng đã khiến gần 4.000 người thiệt mạng ở Tây Ban Nha trong khi số người tử vong bởi thời tiết cực đoan trong mùa hè vừa qua ở Bồ Đào Nha là hơn 1.000 người, ở Vương quốc Anh là hơn 3.200 người và ở Đức là khoảng 4.500 người.

Ngày 20/7, nhiệt độ ở miền đông nước Đức đã tăng lên tới gần 40 độ C trong khi nhiệt độ ở các khu vực phía Tây nước này cũng cao hơn cùng thời điểm trong các năm trước, dao động từ 34 – 37 độ C. Đặc biệt, tại Tây Ban Nha, nhiệt độ đã tăng tới 45 độ C ở một số khu vực, gây ra hàng chục vụ cháy rừng. Anh cũng lần đầu tiên ghi nhận mức nhiệt 40 độ C hôm 19/7.

Trong khi đó, tháng 8 năm nay, Trung Quốc phải đối mặt với những đợt hạn hán và nắng nóng khắc nghiệt, làm giảm nguồn cung cấp thủy điện và tăng nhu cầu điện trong các hộ gia đình. Các chuyên gia cảnh báo, điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất lương thực của Trung Quốc và đe dọa nguồn cung cấp pin, năng lượng mặt trời và một số kim loại.

Cụ thể, hôm 22/8, Cục Khí tượng Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo màu đỏ về nhiệt độ cao trong ngày thứ 11 liên tiếp, đồng thời tiếp tục đưa ra cảnh báo màu cam về hạn hán. Do mực nước giảm mạnh, tại tỉnh Tứ Xuyên, nơi phụ thuộc nhiều vào thủy điện, chỉ sản xuất được một nửa công suất so với mức bình thường. Chính quyền đã thông báo cắt điện kéo dài cho đến ngày 25/8.

Hôm 21/8, Cục Khí tượng cho biết, có tới 62 trạm khí tượng từ Tứ Xuyên đến Phúc Kiến đã ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục. Kể từ tháng 8, khoảng 200 trạm khí tượng trên khắp Trung Quốc đã ghi nhận nhiệt độ cao 40 độ C, và thời gian kéo dài cũng phá kỷ lục kể từ năm 1961.

Phan Anh