Hôm 23/5 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố không có bằng chứng nào chỉ ra rằng virus gây bệnh đậu mùa khỉ đã biến đổi, đồng thời cho biết thêm rằng căn bệnh truyền nhiễm đặc hữu ở vùng Tây và Trung Phi này không có xu hướng đột biến.

bệnh đậu mùa khỉ
(Ảnh minh họa: Arif biswas/Shuterstock)

Cụ thể, Tiến sĩ Rosamund Lewis, người đứng đầu văn phòng bệnh đậu mùa thuộc Chương trình Khẩn cấp của WHO cho biết các đột biến thường ít xuất hiện ở virus bệnh đậu mùa khỉ, nhưng việc giải trình tự gen của các ca nhiễm vẫn giúp nâng cao hiểu biết về đợt bùng phát lần này.

Trong khi đó, Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của WHO, bà Maria Van Kerkhove, cho hay rằng trên 100 ca nghi nhiễm và được xác nhận mắc bệnh đậu mùa khỉ tại châu Âu và Bắc Mỹ đều không nghiêm trọng. WHO muốn nỗ lực ngăn chặn tình trạng lây nhiễm virus từ người sang người và theo bà Kerkhove, điều này hoàn toàn khả thi tại những quốc gia mà bệnh đậu mùa khỉ không phải là bệnh đặc hữu.

Theo Giám đốc Cơ quan Y tế Châu Âu (ECDC) Andrea Ammon, phần lớn những ca nhiễm hiện nay đều có triệu chứng nhẹ và nguy cơ bệnh này lây lan trong cộng đồng nói chung là rất thấp. Dẫu vậy, bà nhấn mạnh nguy cơ lây nhiễm thông qua việc tiếp xúc gần (đặc biệt là ở những người có nhiều bạn tình) là ở mức cao.

Virus đậu mùa khỉ lần đầu tiên được phát hiện ở người tại CHDC Congo năm 1970, nhưng hiện chưa rõ nguyên nhân virus này lây lan ra ngoài châu Phi. Trong những tuần qua, một số quốc gia châu Âu, Mỹ, Úc và Canada đã ghi nhận các ca mắc bệnh hiếm gặp này. Theo WHO, đợt bùng phát lần này là bất thường khi bệnh này xuất hiện ở những nước mà virus thường không có xu hướng lây lan. Các nhà khoa học đang nỗ lực tìm kiếm nguồn gốc lây nhiễm và xác định liệu có virus có biến đổi hay không.

Phan Anh

Toàn cảnh câu chuyện Thụy Điển, Phần Lan muốn gia nhập NATO