Quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm thứ Bảy (15/2) nói rằng không ai có thể dự đoán bệnh dịch do virus corona chủng mới (COVID-19) gây ra sẽ diễn tiến theo chiều hướng nào.

Embed from Getty Images

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu trong Hội nghị An ninh Munich tại Đức hôm 15/2 rằng: “Tôi nói rõ thế này: Không thể dự đoán bệnh dịch này sẽ diễn tiến thế nào.

Ông Tedros cho biết các chuyên gia quốc tế đang lo lắng về việc số ca nhiễm mới tại Trung Quốc đang tiếp tục tăng.

Chúng tôi lo lắng về các báo cáo từ Trung Quốc hôm qua về số lượng nhân viên y tế đã bị nhiễm bệnh và tử vong. Chúng tôi lo lắng về thiếu nguồn tiền tài trợ khẩn cấp từ cộng đồng quốc tế. Chúng tôi lo lắng về sự gián đoạn nghiêm trọng của thị trường cung ứng thiết bị bảo hộ cá nhân khiến các nhân viên y tế và lực lượng vận chuyển gặp rủi ro [sức khỏe]. Chúng tôi lo lắng về mức độ tin đồn và tin sai sự thật đang gây khó cho phản ứng [đối phó bệnh dịch],” ông Tedros nói thêm.

Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh: “Và trên tất cả, chúng tôi lo lắng về sự tàn phá tiềm tàng của loại virus này có thể làm hủy hoại các quốc gia có hệ thống y tế yếu kém hơn.

Ông Tedros cũng cho rằng những nỗ lực tại Trung Quốc đã đang kiềm chế COVID-19 lây lan. “Trung Quốc đã mua thời gian của thế giới. Chúng ta không biết thời gian giá bao nhiêu,” ông Tedros nói.

Tính đến ngày 15/2, COVID-19 đã lây lan tới gần 30 quốc gia, lây nhiễm cho hơn 66.000 người và khiến hơn 1.600 người thiệt mạng. Pháp là nước Châu Âu đầu tiên xác nhận có bệnh nhân tử vong do COVID-19. Nạn nhân là một cụ ông 80 tuổi người tỉnh Hồ Bắc tới Pháp du lịch và nhập viện hồi cuối tháng Một.

>>Pháp xác nhận ca tử vong đầu tiên do COVID-19

Ba trường hợp trước đó tử vong ở ngoài Trung Quốc Đại Lục là tại Hồng Kông, Philippines và Nhật Bản.

Giới chức y tế toàn cầu nhiều lần nhấn mạnh rằng họ chưa thực sự hiểu rõ về virus corona chủng mới, bùng phát tại Vũ Hán từ cuối năm 2019. Các nhà khoa học vẫn đang phải tìm câu trả lời cho những nghi vấn về nguồn gốc, mức độ nghiêm trọng và tính lây lan của COVID-19.

Cũng trong Hội nghị An ninh Munich, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Trung tâm Chính sách Y tế Toàn cầu, ông Stephen Morrison nói rằng tại Trung Quốc, người dân “đang chịu đau khổ, sống trong sợ hãi” và lo lắng cho chính bản thân họ, cho bạn bè và những thành viên gia đình.

>>Tổng hợp: Tình cảnh thê thảm của những người nhiễm bệnh tại Vũ Hán

Và chưa có dấu hiệu bệnh dịch sẽ kết thúc. Sự bùng phát bệnh dịch vẫn đang trong giai đoạn tăng dần. Nó vẫn chưa được kiểm soát,” ông Stephen Morrison nói thêm.

Được biết, đội ngũ chuyên gia của WHO đã tới Trung Quốc từ đầu tuần này. Phần còn lại của tổ công tác này sẽ đặt chân tới Trung Quốc trong cuối tuần. Họ sẽ nghiên cứu các khía cạnh khác nhau của bệnh dịch nhằm nỗ lực tìm câu trả lời cho những nghi vấn chưa có lời giải về COVID-19.

Giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan đầu tuần này nói với báo giới tại Geneva, Thụy Sĩ rằng các số liệu thống kê hiện tại từ giới chức Trung Quốc chỉ ra rằng 90% đến 100% bệnh nhân nhập viện cần phải thở oxy bổ sung. Trong số đó, có tới 1/4 bệnh nhân cần phải được chăm sóc đặc biệt và 5% đến 10% ca có thể cần phải được hỗ trợ thở bằng máy.

Đó là yêu cầu lớn đối với hệ thống y tế. Vì vậy, nhiều bệnh nhân có thể được giữ mạng sống là một thành tựu lớn. Nhưng vẫn thiếu thiết bị và một số bệnh nhân sẽ chết và đó là điều rất không may,” ông Mike Ryan nói.

Tính đến hết ngày thứ Bảy (15/2), Ủy ban Y tế Nhà nước Trung Quốc xác nhận toàn thế giới có 66.031 ca nhiễm COVID-19 (tăng 1.843 ca) và số người tử vong là 1.666 (tăng 139 ca). Số liệu này mới chỉ tính các ca tăng thêm từ tỉnh Hồ Bắc.

Như Ngọc