Các cuộc khủng hoảng toàn cầu thường dẫn đến những thay đổi sâu rộng. Liên Hợp Quốc được thành lập sau các cuộc chiến tranh thế giới. Khối G7 và G20 hình thành sau các cuộc khủng hoảng tài chính lớn. Hiện tại, câu hỏi đặt ra là liệu COVID-19 có khơi mào cho việc tạo ra một hiệp ước mới hay không?

Embed from Getty Images

Ý tưởng về một hiệp ước chống đại dịch đã được thúc đẩy bởi một nhóm nhỏ các nhà lãnh đạo thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong những tháng gần đây. Theo SCMP, nó có thể được thử nghiệm đầu tiên trong tuần này tại cuộc họp thường niên của Đại Hội đồng y tế thế giới (WHA).

Thông tin chi tiết cho đến nay chưa nhiều, nhưng hiệp ước như vậy có thể tiến đến việc thiết lập một cơ quan giám sát quốc tế về mức độ sẵn sàng cho đại dịch tương tự như thanh sát vũ khí; đồng thời trao quyền thực thi quan trọng hơn cho WHO, theo các chuyên gia y tế. Nó cũng có thể mã hóa việc chia sẻ toàn cầu về dữ liệu, mầm bệnh, thuốc men và vắc-xin.

Những người ủng hộ nói rằng hệ quả của cuộc khủng hoảng COVID-19, trong đó ít nhất 3,4 triệu sinh mạng đã bị mất và hàng nghìn tỷ đô la bị xóa sổ khỏi nền kinh tế toàn cầu, là lý do cần thiết để thực hiện cuộc cải cách sâu rộng thông qua một hiệp ước ràng buộc.

“Cùng nhau, chúng ta phải chuẩn bị tốt hơn để dự đoán, ngăn chặn, phát hiện, đánh giá và ứng phó hiệu quả với đại dịch theo cách phối hợp chặt chẽ”, 25 người đứng đầu chính phủ và các cơ quan quốc tế dẫn đầu hiệp ước đã viết trong một bức thư hồi tháng Ba.

Các nhà lãnh đạo từ Liên minh Châu Âu, Anh, Đức, Hàn Quốc, Kenya, Nam Phi và Indonesia viết: “Việc chuẩn bị cho đại dịch cần sự lãnh đạo toàn cầu để có một hệ thống y tế phù hợp cho thiên niên kỷ này.”

Đáng chú ý là hiệp ước vắng mặt đại diện của Mỹ và Trung Quốc.

Tuy vậy, trong các bình luận trước hội nghị thượng đỉnh về sức khỏe toàn cầu G20 vào thứ Sáu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ám chỉ những cải cách như vậy, với lời kêu gọi “tăng cường và tận dụng vai trò của LHQ và WHO cũng như cải thiện hệ thống phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh toàn cầu”.

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris tại cùng sự kiện đã kêu gọi “hành động táo bạo” về điều phối y tế toàn cầu cấp cao, nhưng nói rằng thế giới trước tiên nên “củng cố nền tảng của chúng ta” trước khi thực hiện một hiệp ước.

Trong khi các chuyên gia cho rằng một hoặc cả hai quốc gia cuối cùng có thể ủng hộ ý tưởng này, nhưng một hiệp ước ràng buộc sẽ tương đương với việc nhượng bộ một số chủ quyền quốc gia để cho phép sự giám sát quốc tế mạnh mẽ hơn – điều mà hai nước đã miễn cưỡng làm trong quá khứ. 

Câu hỏi về việc liệu một hiệp ước có cần thiết hay không sẽ được đặt ra trong cuộc họp của cơ quan quản lý của WHO vào tuần này. Trong cuộc họp, các nước sẽ chỉ ra những chi tiết về lỗi của hệ thống hiện hành và thiết lập lộ trình để tiến tới một hiệp ước trong tương lai.

Lawrence Gostin, giáo sư về luật y tế toàn cầu tại Đại học Georgetown ở Mỹ, cho biết: “[Đại hội đồng Y tế Thế giới] diễn ra trong bối cảnh thế giới đang có một cuộc khủng hoảng sức khỏe chỉ có một lần trong đời. “Nếu hội đồng không ủng hộ một hiệp ước chống đại dịch, tôi không thể thấy nó sẽ có thể trở thành hiện thực.”

Các quốc gia ủng hộ hiệp ước đã kêu gọi một hệ thống hợp tác toàn cầu mới về cách giám sát sự bùng phát dịch bệnh và cách thức đưa ra các cảnh báo. Họ cũng muốn có một hiệp ước hỗ trợ quyền tiếp cận bình đẳng đối với hàng hóa y tế, bao gồm vắc-xin.

Theo các quy định hiện hành, các chính phủ được yêu cầu phải báo cáo các đợt bùng phát đáng lo ngại cho WHO trong vòng 24 giờ và chuẩn bị hệ thống của họ để đối phó với dịch bùng phát. Nhưng WHO không thể cử thanh tra đến một quốc gia nhằm xác minh các báo cáo mà không có sự cho phép của họ, và không có hình phạt hoặc giám sát bắt buộc để các quốc gia phải tuân theo các quy định.

Haik Nikogosian, cựu bộ trưởng y tế Armenia, người lãnh đạo ban thư ký của WHO về hiệp ước duy nhất từng được thành lập dưới quyền cơ quan này về kiểm soát thuốc lá, cho biết sự thất bại của các quy tắc này trong việc ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 là lý do đủ để xem xét nghiêm túc một hiệp ước về đại dịch.

Có được nhiều quyền lực hơn để thu thập và xác minh dữ liệu có thể là một lý do tại sao WHO ủng hộ các lời kêu gọi một hiệp ước chống đại dịch, theo chuyên gia chính trị y tế toàn cầu Jeremy Youde, trưởng khoa tại Đại học Minnesota Duluth.

WHO đã không thể xác minh các báo cáo sớm và không chính xác từ Trung Quốc rằng một căn bệnh bí ẩn xuất hiện tại Vũ Hán và nó “không lây nhiễm.” Sau đó, WHO phải mất một năm để có thể cử nhóm của mình đến Trung Quốc nhằm tìm kiếm nguồn gốc của virus.

Youde nói: “Họ không muốn gặp phải vấn đề tương tự như họ đã gặp phải với Trung Quốc như trong dịch COVID-19 hay như những năm trước với SARS,” Youde nói, đề cập đến việc Trung Quốc cũng báo cáo chậm trễ trong đợt bùng phát dịch SARS gần 20 năm trước.

Nhưng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể tạo ra một rào cản khác đối với việc củng cố các quy tắc. Youde cho biết: “Các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ có thể rất quan tâm đến việc có thể truy cập vào các cơ sở y tế của Trung Quốc để [xác minh] dữ liệu.”“Nhưng tôi cá rằng họ sẽ ít hào hứng hơn về việc các nhà khoa học Trung Quốc tham gia cuộc điều tra của WHO về dữ liệu và thực tiễn của [Hoa Kỳ].”

Các hiệp ước khác, chẳng hạn như các hiệp ước quản lý vũ khí hạt nhân và hóa học, có cơ chế cho phép các nhóm độc lập thực hiện kiểm tra hoặc xác minh tuyên bố của các quốc gia.

Theo Pedro Villarreal, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Max Planck về Luật Công pháp và Luật Quốc tế ở Đức, việc tìm cách đưa những điều trên thành một hiệp ước về đại dịch có thể là một thách thức.

“Ví dụ, trong hiệp ước vũ khí hóa học, có một danh sách cụ thể các chất hóa học là đối tượng của công ước. Trong trường hợp của đại dịch, làm thế nào chúng có thể cụ thể như vậy?” ông nói, chỉ ra cách dịch bệnh có thể lây lan từ tất cả các loại môi trường, bao gồm cả các khu chợ và trang trại.

Ông Villarreal cho biết, nếu một hiệp ước quá nghiêm ngặt và quá ít quốc gia tham gia, điều đó có thể tạo ra những điểm mù trong một hệ thống giám sát mới.

Các chuyên gia cho rằng việc đạt được một dự thảo hiệp ước mà các nước có thể thông qua sẽ có thể mất vài tháng hoặc vài năm. 

Lee của Đại học Simon Fraser cho biết: “Sẽ là một điều khó khăn bởi mỗi quốc gia đều đi theo con đường riêng của họ trong đại dịch [COVID].”

Lê Xuân (theo SCMP)

Xem thêm: