Wisconsin và Bắc Carolina đã nốt gót ít nhất 20 tiểu bang khác trong việc cấm ứng dụng chia sẻ video do Trung Quốc sở hữu TikTok khỏi các thiết bị của chính phủ, trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Embed from Getty Images

Thống đốc Bắc Carolina Roy Cooper, cho biết trong một tuyên bố ngày 12/1: “Điều quan trọng đối với chúng tôi là bảo vệ công nghệ thông tin của nhà nước trước các quốc gia nước ngoài vẫn luôn tích cực tham gia vào các cuộc tấn công mạng.”

Ông nói thêm: “Việc bảo vệ Bắc Carolina tránh khỏi các mối đe dọa trên mạng là rất quan trọng nhằm đảm bảo an toàn, bảo mật, quyền riêng tư và sự thành công của tiểu bang chúng ta cùng người dân của tiểu bang.”

WeChat, nền tảng nhắn tin thuộc sở hữu của một công ty công nghệ Trung Quốc cũng bị thêm vào danh sách cấm.

Thống đốc Bắc Carolina không loại trừ việc cấm các ứng dụng khác gây ra “rủi ro an ninh mạng không thể chấp nhận được”, tuyên bố lưu ý.

Lệnh cấm được ban hành sau khi hai dân biểu gây áp lực lên Thống đốc Đảng Dân chủ.

Hai dân biểu Cộng hòa Jason Saine và Jon Hardister đã gửi một lá thư tới Thống đốc Đảng Dân chủ yêu cầu ông Cooper xóa ứng dụng video của Trung Quốc một cách “nhanh chóng và dứt khoát”, coi đó là “vấn đề an ninh quốc gia”.

Hai ông Saine và Hardister viết: “Như chúng ta đã biết, chính quyền Trung Quốc đang liên tục nỗ lực xâm nhập vào thông tin liên lạc của chúng ta và truy cập dữ liệu trí tuệ ở Hoa Kỳ. Nếu dữ liệu nhạy cảm bị xâm phạm, điều đó có thể gây ra mối đe dọa cả về kinh tế và an ninh cho Bắc Carolina. Chúng ta có trách nhiệm ngăn chặn điều này xảy ra, đó là lý do tại sao chúng tôi đang thúc giục [ban hành] một sắc lệnh hành pháp càng sớm càng tốt.”

Đáng chú ý, một dự luật tổng hợp của Quốc hội được thông qua vào ngày 23/12 năm ngoái bao gồm luật cấm ứng dụng mạng xã hội TikTok khỏi các thiết bị của chính phủ liên bang. Trước đó, “Đạo luật không dùng TikTok trên các thiết bị của chính phủ” cũng đã được Thượng viện nhất trí thông qua. Quốc hội gần đây đã thông qua luật cấm ứng dụng này trên các thiết bị của chính phủ.

Trong khi đó, cùng ngày 12/1, Thống đốc bang Wisconsin Tony Evers ký sắc lệnh hành pháp cấm TikTok và các công nghệ tiềm ẩn đe dọa an ninh mạng khác trên các thiết bị do chính phủ cấp.

Danh sách cấm bao gồm Tiktok, WeChat và các thương hiệu công nghệ do Trung Quốc sở hữu khác như Huawei và ZTE Corp.

“Các công nghệ mới và đang phát triển sẽ không ngừng gây rủi ro đối với quyền riêng tư, an toàn và bảo mật. Sắc lệnh mới đảm bảo chúng tôi sẽ tiếp tục thận trọng trong việc giám sát các công nghệ này, đồng thời tin tưởng vào lời khuyên của các chuyên gia về các vấn đề an ninh mạng đang phát triển mà tiểu bang của chúng ta phải đối mặt,” ông Evers bày tỏ trong một cuộc phỏng vấn với WISN 12 News.

Thống đốc Evers cũng cam kết tiếp tục đánh giá và xác định các nền tảng và nhà cung cấp khác có thể gây ra mối đe dọa đối với an ninh mạng.

TikTok từ lâu đã trở thành đối tượng bị quốc hội Hoa Kỳ giám sát do có mối quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đặc biệt là sau khi có thông tin về việc dữ liệu người dùng trên ứng dụng được gửi cho nhân viên ByteDance ở Trung Quốc. Dữ liệu đó không chỉ bao gồm lịch sử duyệt web mà còn cả thông tin nhận dạng khuôn mặt, thao tác gõ phím, mật khẩu, thông tin ngân hàng và thậm chí bất kỳ thứ gì người dùng đã sao chép vào bộ nhớ đệm ảo của họ.

Do đó, các chuyên gia bảo mật đã mô tả TikTok là một ứng dụng “được vũ khí hóa”.

Ông Casey Fleming, Giám đốc điều hành của công ty chiến lược tình báo và bảo mật BlackOps Partners thậm chí còn mô tả ứng dụng Trung Quốc này như một công cụ cho nỗ lực của ĐCSTQ trong chiến tranh nhận thức.

“Một số người gọi Tiktok là ‘fentanyl kỹ thuật số’, bởi vì điều đang diễn ra chính là mọi người đang nhận được lượng dopamine khi họ sử dụng Tik Tok. Và nó khiến họ không rời khỏi Tiktok để mà liên tục xem những thông tin mang tính kích thích, thông tin thao túng tâm lý và khiến họ nghiện nó,” ông nói.

Ông Fleming mô tả TikTok là một “ứng dụng quân sự được vũ khí hóa” nhằm mục đích làm suy yếu và thống trị tâm trí của người dân đối phương.

Tương tự như vậy, Giám đốc FBI Christopher Wray cũng nhiều lần khẳng định, TikTok là mối đe dọa an ninh quốc gia đối với Hoa Kỳ.

Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)