Tờ Nhật Báo Phố Wall (WSJ) hôm 6/7 có đăng bài hết lời khen ngợi bài phát biểu tại Ba Lan của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trên cả ấn bản in và phát hành trêng mạng, ban biên tập của trang Nhật báo gọi đây là bài phát biểu định hình của ông Trump mà đáng lẽ nên được tuyên bố trước toàn thế giới vào ngày ông nhậm chức.

WSJ – Tại Ba Lan, TT Trump kêu gọi bảo vệ giá trị tự do và tín ngưỡng phương Tây.

Nhà Trắng đã mô tả bài phát biểu của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Năm (6/7) tại Thủ đô Vác-sa-va, Ba Lan một cách đơn giản là “Những phát biểu của Tổng thống Trump với người dân Ba Lan”. Thực tế, lời phát biểu đó hướng tới nhân dân toàn thế giới. Sau sáu tháng nhậm chức tại Washington, cuối cùng ông Trump đã đưa ra được cốt lõi của những điều có thể trở thành một triết lý trị quốc. Đó là một sự khẳng định rõ ràng và quả quyết về việc phải gìn giữ truyền thống phương Tây.

>> Toàn văn bài phát biểu của Tổng thống Trump tại Ba Lan

Bài phát biểu của ông Trump cũng chứa đựng nhiều tuyên bố về chính sách đối ngoại rất được hoan nghênh. Tổng thống Mỹ đảm bảo với Ba Lan rằng Vác-sa-va sẽ không bao giờ bị trở thành con tin trong tay một nhà cung cấp năng lượng, rõ ràng ám chỉ tới nước Nga. Ông Trump kêu gọi Nga ngừng gây bất ổn cho Ukraine và các nơi khác, dừng việc hậu thuẫn Syria, Iran và “thay vào đó nên tham gia vào cộng đồng các nước có trách nhiệm để chống lại những kẻ thù chung”. Ông cũng cam kết rõ ràng thừa nhận điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về phòng thủ tập thể, bảo vệ lẫn nhau.

Tuy nhiên, bài phát biểu của Tổng thống Hoa Kỳ không dừng ở đó, nó nhắm tới mục tiêu cao hơn và khiến Washington kinh ngạc. Giống như những bài phát biểu hay nhất của các đời tổng thống, nó chứa đựng những khẳng định về các ý tưởng, nguyên tắc có liên quan đến bối cảnh chính trị hiện tại. Ông nói: “Người Mỹ, người Ba Lan và người dân Châu Âu đều coi trọng tự do và quyền tự quyết cá nhân”. Đây không chỉ là một bài diễn văn, đó là một lập luận. Chúng ta thậm chí cũng có thể gọi đây là một biện hộ cho phương Tây.

Ông Trump đã xây dựng lập luận của mình dựa trên vị thế của  Ba Lan trong lịch sử phương Tây, với tư cách là cội nguồn văn hoá phương Tây – qua các danh nhân Ba Lan như nhà thiên văn học Mikołaj Kopernik và nhà soạn nhạc Federic Chopin, cũng như với tư cách là chiến trường khói lửa và mặt trận tinh thần, đặc biệt trong suốt Thế chiến II. Ông Trump lặp đi lặp lại từ “mối đe doạ” để khẳng định những gì mà Ba Lan phải trải qua.

Trong và  sau chiến tranh, Ba Lan đã sống sót được trước những mối đe dọa tới sự tồn vong của mình đến từ Đức quốc xã và Liên bang Xô viết. Ông Trump tin rằng phương Tây ngày nay đang phải đối mặt với những mối đe dọa khác, trên cả phương diện vật chất và văn hoá. Tổng thống Mỹ nói: “Lục địa này không còn phải đối mặt với bóng ma của chủ nghĩa cộng sản. Nhưng ngày nay chúng ta ở phương Tây và chúng ta phải thừa nhận rằng có những mối đe dọa đến an ninh của chúng ta, đe dọa tới lối sống của chúng ta”.

Ông Trump chỉ ra rằng mối đe dọa an ninh tức thời nhất chính là “một hệ tư tưởng áp bức”. Ông đang nói về Hồi giáo cực đoan, nhưng điều đáng chú ý là ông không đề cập trực tiếp tới Hồi giáo cực đoan hay Nhà nước Hồi giáo (IS). Thay vào đó, ông mô tả cam kết gần đây của Ả-rập Saudi và các quốc gia Hồi giáo khác nhằm đấu tranh với mối đe dọa ý thức hệ, gây tổn hại tới toàn thế giới mà biểu hiện là chủ nghĩa khủng bố. Ông đã so sánh ý tưởng phòng thủ tập thể, bảo vệ lẫn nhau của NATO với liên minh của các nước tự do trong mặt trận chung đánh bại chủ nghĩa Phát-xít và chủ nghĩa cộng sản.

Nhưng lập luận ấn tượng, kích thích nhất trong bài phát biểu của ông Trump là về lối sống của chúng ta. Nó đến khi Tổng thống Mỹ nhắc về thời điểm hàng triệu người Ba Lan sát cánh cùng với Đức Giáo hoàng John Paul II ở quảng trường Chiến thắng vào năm 1979 để chống lại Xô viết bằng cách hô vang “Chúng tôi muốn Thiên Chúa!”

Ông Trump nói: “Với tuyên bố mạnh mẽ đó, rằng các bạn là ai. Các bạn đã hiểu mình phải làm gì và cần sống thế nào”.

Đây là một lời cảnh báo đối với phương Tây và lời kêu gọi hành động. Bằng cách gợi nhớ lại lời gọi mời Thiên Chúa của người dân Ba Lan, ông Trump rõ ràng muốn nói tới một lời cảnh báo tương tự gửi tới Châu Âu nhiều năm trước của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, người sau này trở thành Đức Giáo hoàng Benedict XVI.

Lập luận của Đức Hồng Y Cardinal Ratzinger đưa ra khi đó là Châu Âu cần phải nhận thức được rằng việc chuyển hướng sang “chủ nghĩa thế tục hung hăng” gây ra một mối đe dọa thực sự cho sự sống còn của lục địa này. Ý kiến về mối đe dọa đó trong bài phát biểu của ông Trump là chúng ta đang phải “đối đầu với các lực lượng từ khắp nơi, dù từ trong hay ngoài, từ Nam hay Đông đều là mối nguy hại xuyên thời gian nhằm phá hoại những giá trị này và xóa đi những ràng buộc với văn hóa, đức tin và truyền thống, làm cho chúng ta không còn là chúng ta”. Ông Trump đã cảnh báo rằng chúng ta đang “thiếu niềm tự hào và niềm tin vào các giá trị của chúng ta”.

Tổng thống Mỹ nêu ra quan điểm rõ ràng chống lại loại chủ nghĩa toàn cầu mong manh và chủ nghĩa đa văn hóa mơ hồ đang là thế giới quan của khá nhiều người, trong đó có cựu Tổng thống Barack Obama và hầu hết các trí thức phương Tây. Những người này sẵn sàng, thậm chí háo hức tung hô lời phê phán của những người hay chỉ trích các truyền thống phương Tây.

Bài phát biểu tại Vác-sa-va, Ba Lan lần này đáng lý ông Trump nên đưa ra để giới thiệu mình với thế giới ngay trong lễ nhậm chức của ông hồi tháng Một. Khác với những lời có phần hằn học khi phát biểu nhậm chức, bài phát biểu tại Vác-sa-va diễn tả trong ông một hình thức chủ nghĩa dân tộc hợp lý hơn. Đó là chủ nghĩa dân tộc khởi nguồn từ các giá trị và niềm tin – về pháp quyền, tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng và tự do chống lại chính phủ đàn áp –  những giá trị đã khiến Châu Âu và Mỹ vươn lên lãnh đạo toàn cầu. Đó là những điều mà theo ông Trump, dù chúng ta có phải trả cái giá nào cũng phải bảo tồn và gìn giữ.

Bảo vệ và gìn giữ những giá trị truyền thống phương Tây là quan trọng. Và Chúng ta hy vọng  bài phát biểu này sẽ khẳng định cho vị thế Tổng thống của ông Trump và cho chính bản thân cá nhân ông Donald Trump. Nhiều người vẫn hỏi “Ông Trump nghĩ nước Mỹ vĩ đại khi nào?”. Bài phát biểu này chắc chắn sẽ giúp tạo dựng hình ảnh về nước Mỹ vĩ đại đó.

Ban biên tập của WSJ

Tân Bình (dịch)

Xem thêm: