Ngày 12/8, Wall Street Journal đưa tin độc quyền cho biết, những người nắm được thông tin tiết lộ rằng Trung Quốc đang xây dựng kế hoạch để ông Tập Cận Bình thăm Đông Nam Á và gặp mặt trực tiếp với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Đây là cuộc chuyến thăm quốc tế đầu tiên sau 3 năm của ông Tập, cũng là lần đầu tiên lãnh đạo 2 nước gặp mặt kể từ khi ông Biden nhậm chức tổng thống.

unnamed 1
Ông Joe Biden (phải) và ông Tập Cận Bình. (Ảnh: china-embassy.org)

Công tác chuẩn bị cho chuyến đi cho thấy ông Tập, 69 tuổi, đầy tự tin về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào mùa thu. Dư luận phổ biến dự đoán ông Tập sẽ được bầu lại làm Tổng Bí thư ĐCSTQ nhiệm kỳ thứ ba. Các quan chức tham gia chuẩn bị cho biết ông Tập dự kiến ​​sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali, Indonesia vào giữa tháng 11 sau Đại hội 20 của ĐCSTQ và 2 ngày sau đó sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương tại Bangkok, Thái Lan.

Nguồn tin cho biết, những kế hoạch đó có thể thay đổi, với việc ông Tập và ông Biden có thể sẽ gặp nhau bên lề một trong hai hội nghị này.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết khi trả lời WSJ rằng: “Trung Quốc ủng hộ Indonesia và Thái Lan với tư cách là nước chủ nhà của hai hội nghị và sẵn sàng làm việc với tất cả các bên để giành được các kết quả tích cực.”

Nhà Trắng từ chối bình luận về vấn đề này. Một quan chức Nhà Trắng cho biết ông Biden và ông Tập đã thảo luận về khả năng gặp mặt trực tiếp trong một cuộc điện đàm gần đây.

Lần gần đây nhất ông Tập Cận Bình ra nước ngoài trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Myanmar vào tháng 1/2020, khi các cơ quan y tế Trung Quốc vừa thừa nhận một đợt bùng phát nghiêm trọng của virus corona mới ở Vũ Hán. Vào ngày 1/7 năm nay, ông Tập cũng đã có một chuyến đi ngắn đến Hồng Kông để kỷ niệm 25 năm Hồng Kông trao trả về Trung Quốc.

Sự vắng mặt của ông Tập trên sân khấu toàn cầu đã loại bỏ tất cả các cơ hội tiếp xúc trực tiếp cấp cao, trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về quan hệ xấu đi giữa Bắc Kinh và Washington. Gần đây, Trung Quốc đã phản ứng dữ dội trước chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan, bao gồm các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn và 8 biện pháp đáp trả, dẫn đến rất nhiều cuộc thảo luận liên quan đến khả năng xảy ra xung đột Mỹ – Trung tại eo biển Đài Loan.

Nguồn tin cho biết, nếu chuyến đi thành hiện thực, ông Tập dự kiến ​​sẽ thăm cấp nhà nước tới các nước khác và gặp gỡ các nhà lãnh đạo, và chuyến thăm như vậy cũng sẽ chứng tỏ sự tập trung của Bắc Kinh vào Đông Nam Á. Mỹ gần đây đã tăng cường các nỗ lực nhằm chống lại ảnh hưởng của ĐCSTQ ở Đông Nam Á.

Vào tháng Bảy, ông Tập Cận Bình đã có cuộc gặp với Tổng thống Indonesia Widodo tại Bắc Kinh. Ông Biden đã gặp lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á tại Nhà Trắng vào tháng Năm và thông báo khoảng 150 triệu USD đầu tư mới của Mỹ vào khu vực, bao gồm cơ sở hạ tầng, an ninh và phát hiện bệnh sớm. Trong cuộc họp với các ngoại trưởng ASEAN tại Campuchia vào tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết, Mỹ quyết tâm “làm sâu sắc hơn và tăng cường” quan hệ đối tác với họ.

Nguồn tin còn nói rằng sự tự cô lập của ông Tập trong 2 năm qua là xuất phát từ những lo ngại về sự bùng phát dịch. Chính sách ‘zero COVID” của ông Tập đã khiến Trung Quốc trở thành quốc gia lớn duy nhất trên thế giới vẫn hạn chế nghiêm ngặt việc di chuyển của người dân để kiềm chế sự lây lan của virus, nhưng nền kinh tế Trung Quốc đã phải trả một cái giá rất đắt cho điều đó.