Wall Street Journal (WSJ) có bài phân tích cho rằng 3 lần tuyên bố gửi quân đến bảo vệ Đài Loan của Tổng thống Joe Biden có lẽ là lời thật lòng, tuy nhiên sẽ là sai lầm lớn nếu không đưa Đài Loan vào Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ (IPEF).

282205579 326809419633185 5118237137334572109 n
Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng Thủ tướng Nhật Bản và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Nguồn: Facebook Nhà Trắng)

Về vấn đề này, Chủ tịch Hsieh Chin-ho của Wealth Magazine Đài Loan cho biết, mặc dù danh sách tham gia IPEF vòng đầu này không bao gồm Đài Loan, nhưng Đài Loan có thể là đòn bẩy lớn nhất, các doanh nghiệp Đài Loan vẫn đóng vai trò lớn nhất trong xu hướng dịch chuyển chuỗi sản xuất cung ứng.  Khi trả lời Viện Lập pháp Đài Loan vào ngày 25/5, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đài Loan Chung-kwang Tien nói rằng Đài Loan vẫn còn cơ hội tham gia IPEF, có thể là ở vòng thứ hai.

Mỹ thúc đẩy IPEF với các thành viên ban đầu có 13 nước bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Úc.., nhằm chống lại ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Ban biên tập của WSJ cho rằng việc Đài Loan không nằm trong IPEF là điều kỳ lạ: “Nếu Mỹ đang thể hiện ý chí đầu tư sâu vào khu vực này mà vắng bóng Đài Loan tham gia trong hệ thống đó thì thật không hợp lý. Đài Loan là cường quốc kinh tế, việc họ tham gia sẽ giúp ích cho bất kỳ thỏa thuận thương mại hoặc chuỗi cung ứng nào”.

Dù Cố vấn An ninh Nhà Trắng Sullivan tuyên bố rằng Mỹ đang tìm cách làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác kinh tế với Đài Loan, bao gồm cả các vấn đề công nghệ cao như chất bán dẫn và chuỗi cung ứng. Nhưng bài xã luận cho rằng việc tăng cường trao đổi kinh tế và thương mại giữa Mỹ và Đài Loan không phải là lý do để loại trừ Đài Loan tham gia IPEF.

Chủ tịch Hsieh Chin-ho của Wealth Magazine Đài Loan mới đây đã đăng bài lên Facebook, phân tích những lý do có thể khiến Đài Loan vắng mặt trong vòng đầu tiên của cơ cấu kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ông chỉ ra vấn đề Đài Loan không nằm trong danh sách thành viên sáng lập ở vòng đầu: thứ nhất có thể vì Mỹ không muốn kích động phía Bắc Kinh, thứ hai là Đài Loan có thể bắt đầu suy nghĩ về tương lai kinh tế thế giới và cách chọn bên phù hợp.

Ông Hsieh Chin-ho cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đã tác động đến cuộc chiến công nghệ và tài chính, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã rời bỏ cơ sở sản xuất của họ ở Trung Quốc, nhưng đối với chuyện phong tỏa vì COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) lần này ở Thượng Hải, thì xu thế chuyển dịch này xảy ra ở nhiều tập đoàn điện tử lớn khi họ bày tỏ muốn chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam và Ấn Độ. Có thể dự đoán trong 10 – 20 năm tới, ASEAN và Ấn Độ sẽ trở thành trọng điểm những cơ sở sản xuất tiếp theo. Các doanh nghiệp Đài Loan nhỏ dịch chuyển nhanh, còn doanh nghiệp Đài Loan lớn dường như cũng khó có thể không hành động.

Ông cho biết chuyến thăm của Tổng thống Biden đến Nhật Bản và Hàn Quốc đã có hiệu quả đối với ngành công nghiệp bán dẫn. Các địa bàn bán dẫn quan trọng trên thế giới như TSMC đều thuộc phe của Mỹ, ngoài khuôn khổ kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương thì còn có Đối thoại Tứ giác An ninh (QUAD) cũng rất quan trọng.

Chuyên gia Đài Loan này cho rằng các doanh nhân Đài Loan đã gắn bó sâu sắc với Trung Quốc trong 30 năm, nhưng tương lai sẽ có nhiều thay đổi. Lần này dù Đài Loan không còn chỗ đứng trong IPEF nhưng Đài Loan có thể là đòn bẩy lớn nhất, trong xu thế dịch chuyển các cơ sở sản xuất thì các doanh nhân Đài Loan có thể đóng vai trò lớn nhất.  

Theo tờ SETN Đài Loan, hôm 25/5 Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đài Loan Chung-kwang Tien đã trả lời Viện Lập pháp, rằng Mỹ đã thông báo Đài Loan sẽ không có trong danh sách tham gia IPEF vòng đầu tiên. Nhưng đây là thể hiện quan điểm tôn trọng đối với Đài Loan, điều này hai bên đều ngầm hiểu nhau, không có gì bất ngờ. Ông nhấn mạnh rằng Đài Loan vẫn còn cơ hội tham gia IPEF, và đó có thể là vòng 2. Ngoại trưởng Mỹ Blinken cũng nói rằng IPEF là một nền tảng mở, bất cứ bên nào muốn đều được chào đón.

Nhà lập pháp Chao Tien-lin của DPP Đài Loan cho biết, kể từ khi Tổng thống Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) nhậm chức, ông đã tích cực dỡ bỏ các rào cản thương mại giữa Đài Loan và Mỹ, vấn đề Mỹ vẫn không thể đưa Đài Loan vào IPEF là điều hơi bất hợp lý, hy vọng chính phủ có thể tích cực thay đổi tình hình.

Phó giám đốc điều hành của Trung tâm WTO và RTA thuộc Học viện Kinh tế Trung Hoa của Đài Loan là ông LEE Roy Chun, chỉ ra rằng bất kể Đài Loan có tham gia IPEF ở vòng đầu tiên hay không, mối quan hệ giữa Đài Loan và Mỹ sẽ tiếp tục khăng khít. Sau hai kỳ “Đối thoại Đối tác Kinh tế Thịnh vượng Đài Loan-Mỹ” (EPPD) liên tiếp được tổ chức vào năm 2020 và 2021, thêm nữa việc khởi động lại “Hiệp định Khung Thương mại và Đầu tư Mỹ-Đài Loan” (TIFA) vào năm ngoái, cho thấy Mỹ nhìn nhận vai trò quan trọng của  quan hệ thương mại giữa hai bên. Việc mở rộng các lĩnh vực hợp tác chung là trọng tâm mà Đài Loan cần quan tâm trong giai đoạn này.