Khi ông Tập Cận Bình bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba Chủ tịch nước Trung Quốc, có vẻ như Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang có biểu hiện táo bạo hơn trong thách thức trật tự thế giới do Mỹ thống trị. Tạp chí Phố Wall (WSJ) có nhận định Trung Quốc đã bắt đầu đóng vai trò của một cường quốc thách thức vị thế “anh cả” thế giới của Mỹ.

GettyImages 1215824816 e1678835654305
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: Kevin Frayer/Getty Images)

Trung Quốc hiện tự xem họ là một cường quốc thế giới và đã bắt đầu đóng vai trò này. ĐCSTQ trong quá khứ không muốn can dự vào các cuộc xung đột ở xa lãnh thổ Trung Quốc. Nhưng khi ông Tập Cận Bình bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba Chủ tịch nước thì Bắc Kinh đang cho thấy tâm thế mới nhằm lôi kéo các nước có cùng chí hướng về phía mình, qua đó hướng theo mục tiêu định vị tiếng nói của Trung Quốc (ĐCSTQ) lớn hơn trong các vấn đề toàn cầu.

Trung Quốc đã qua khỏi tình trạng cách ly với thế giới kéo dài 3 năm khi họ thực hiện chính sách phòng chống dịch bệnh ‘Zero COVID’ – chính sách khiến phương Tây càng kém thân thiện với ĐCSTQ hơn. Nhưng trong bối cảnh đó, ĐCSTQ vẫn đang không ngừng báo hiệu họ có sức mạnh quân sự và kinh tế để bắt đầu định hình một thế giới phù hợp hơn với lợi ích của họ.

Đầu tháng này, Ả Rập Xê-út và Iran đã gây kinh động thế giới khi khôi phục quan hệ ngoại giao dưới vai trò trung gian từ ĐCSTQ trong một nỗ lực táo bạo nhằm can thiệp vào cuộc xung đột đầy biến động ở Trung Đông.

Giờ đây, ông Tập nói rằng ông muốn đóng một vai trò trong nỗ lực chấm dứt chiến tranh Nga-Ukraine. Ông vừa có nhiều ngày ở Moscow với các cuộc gặp thân mật với ông Tổng thống Nga Putin và dự kiến ​​có cuộc hội đàm đầu tiên với Tổng thống Zelensky của Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc chiến Nga-Ukraine.

Theo WSJ, không dễ để những động thái đó mang lại được bước đột phá ngoại giao lâu dài, và như đã được nhấn mạnh một lần nữa trong tuần này tại Moscow, việc ĐCSTQ được cho là thân Nga hơn trong cuộc chiến Ukraine đã làm giảm uy tín “trung gian hòa giải” của Tập Cận Bình trong mắt những người ủng hộ Kyiv. Vào sáng thứ Tư (22/3) khi ông Tập đang chuẩn bị rời Moscow, Nga tung ra đợt khủng bố mới vào Ukraine gồm tên lửa và máy bay không người lái vũ trang, khiến 40 người thiệt mạng trong một ký túc xá trường học ở Kyiv.

Có thể xem cách ĐCSTQ thể hiện hiên ngang để can thiệp vào những cuộc xung đột đó đánh dấu một giai đoạn mới về cách họ nhìn nhận bản thân trong vai trò toàn cầu, gửi thông điệp rằng ĐCSTQ và các đồng minh của họ không còn phải tuân theo trật tự toàn cầu do Mỹ lãnh đạo, như vậy đặt ra một thách thức đối với Washington – nơi định hình cục diện thế giới mà họ xác định gồm mô hình dân chủ và mô hình độc tài.

Đã từ lâu ĐCSTQ áp dụng chiến lược “ẩn mình chờ thời” trong khi dần dần tăng cường sức mạnh kinh tế, chính trị và quân sự.

Chiến lược đó đang bắt đầu thay đổi khi lợi ích kinh tế và chính trị của Trung Quốc mở rộng ra toàn cầu với các dự án cơ sở hạ tầng liên quan đến ‘Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường’ ở châu Mỹ Latinh, châu Phi, Đông Nam Á. Trung Quốc phải bảo vệ hàng trăm tỷ đô la đầu tư trên khắp thế giới và số lượng cộng đồng Hoa kiều ngày càng tăng, ngoài ra ĐCSTQ cũng có nhu cầu mạnh mẽ đối với các nguồn lực chiến lược ở nước ngoài.

Ngoài việc can thiệp vào cuộc chiến xâm lược Ukraine của Nga và xung đột Saudi-Iran, ông Tập Cận Bình trong vài tuần qua đã tiết lộ 3 sáng kiến ​​mới để mở rộng tầm ảnh hưởng trên toàn cầu: Sáng kiến ​​Phát triển Toàn cầu (Global Development Initiative), Sáng kiến ​​An ninh Toàn cầu (Global Security Initiative), và Sáng kiến ​​Văn minh Toàn cầu (Global Civilization Initiative). Mặc dù thiếu các chi tiết cụ thể nhưng hướng chung của các sáng kiến ​​nhằm định vị Trung Quốc là đất nước mà những bên đang cảnh giác với bá quyền Mỹ có thể hợp tác thương mại, tìm kiếm đảm bảo an ninh và nhận được sự tôn trọng từ Trung Quốc.

Mộc Vệ (theo WSJ)