Các cuộc tấn công chưa có tiền lệ vào các căn cứ quân sự của nhau giữa Israel và Iran đã diễn ra đêm thứ Tư 9/5 (giờ địa phương). Iran dùng các căn cứ tại Syria bắn tên lửa vào Israel trước, sau đó Jerusalem đã không kích trả đũa. Điều này dấy lên quan ngại xung đột kéo dài giữa Israel và Iran có thể sắp trở thành cuộc chiến tranh toàn diện tại Trung Đông.

Reuters, dẫn theo nguồn tin từ quân đội Israel, cho biết vào đêm thứ Tư (9/5), lực lượng quân đội Iran tại Syria đã phóng khoảng 20 quả tên lửa vào Cao nguyên Golan. Jerusalem đã cáo buộc Lực lượng Quds của Iran – đơn vị quân đội tinh nhuệ chịu trách nhiệm về các hoạt động quân sự chống lại bên ngoài – đã thực hiện cuộc tấn công này.

Lực lượng Phòng vệ Israel nói rằng họ đã đánh chặn được 4 tên lửa của Iran và “không có tên lửa nào tấn công được vào Israel” vì các tên lửa còn lại rơi xuống lãnh thổ Syria. Israel cũng thông báo không có thương vong về người. Tuy nhiên vụ tấn công tên lửa này là một cột mốc leo thang nghiên trọng, đánh dấu lần đầu tiên Iran thực hiện tấn công trực tiếp vào lực lượng Israel.

Theo tờ Vox, ngay sau khi bị tấn công, Israel đã đáp trả bằng việc không kích vào hàng chục vị trí của Lực lượng Quds của Iran trên lãnh thổ Syria. Jerusalem tuyên bố rằng đây là cuộc tấn công có quy mô nhất của Israel từ năm 1973. Giới chức Israel cho biết họ đã đánh phá được các kho chứa vũ khí, các khu vực hậu cần, vận tải và các địa điểm thu thập thông tin tình báo của Iran tại Syria. Nếu tuyên bố này là chính xác, các cuộc không kích này có thể đã làm suy giảm đáng kể khả năng hoạt động của Iran tại Syria, nơi Tehran vẫn đang hỗ trợ chế độ Bashar al-Assad nắm giữ quyền lực.

Hôm thứ Năm (10/5), Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã phát đi tuyên bố giải thích lý do tại sao đất nước của ông lại phản ứng theo cách như vậy. Ông Netanyahu cho hay: “Iran đã vượt qua làn ranh đỏ. Chúng tôi đã đáp trả tương ứng”.

Tôi nhắc lại rằng bất cứ ai gây tổn hại cho chúng tôi, chúng tôi sẽ khiến họ thiệt hại gấp 7 lần trở lên và bất cứ ai đang sẵn sàng gây tổn hại cho chúng tôi, chúng tôi sẽ tấn công họ trước. Đó là điều chúng tôi đã làm và chúng tôi sẽ tiếp tục làm thế”, ông Netanyahu nhấn mạnh.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman cũng đã đưa ra cảnh báo tới Iran ngay sau khi thực hiện cuộc tấn công trả đũa. Phát biểu tại một hội nghị tại Israel, ông Lieberman nói: “Họ phải nhớ rằng nếu họ trút mưa [bom] ở đây [tại Israel], [mưa bom] sẽ trút xuống đó. Tôi hy vọng rằng chúng tôi đã kết thúc chương này và rằng mọi người đã nhận được thông điệp này”.

Trong khi đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani chưa bình luận trực tiếp về xung đột mới nhất với Israel, nhưng lưu ý rằng Tehran không muốn “những căng thẳng mới” trong khu vực.

Quốc tế ủng hộ quyền tự vệ của Israel, kêu gọi các bên kiềm chế

Chính phủ Mỹ đã phát đi tuyên bố cho biết họ “ủng hộ quyền hành động tự vệ của Israel”. Một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ nói với tờ Vox rằng “Mỹ không tham gia vào các hoạt động này”.

Bahrain đã lên tiếng ủng hộ hành động trả đũa của Israel. Ngoại trưởng Bahrain Khalid bin Ahmed al-Khalifa đăng tweet rằng: “Chừng nào Iran còn tiếp tục thực trạng hiện tại của binh lính và tên lửa của họ hoạt động trong khu vực, bất kỳ nước nào, trong đó có Israel có quyền tự vệ bằng cách loại bỏ mối nguy hại đó”.

Liên minh Châu Âu (EU) nói rằng việc Iran dùng lãnh thổ Syria để tấn công vào các cơ sở quân sự của Israel là “cực kỳ gây quan ngại” và Israel có quyền tự vệ. EU cũng lưu ý tất cả các bên liên quan tại Trung Đông nên kiềm chế và tránh leo thang căng thẳng.

Thủ tướng Anh Theresa May đã điện đàm với người đồng cấp Israel Benjamin Netanyahu hôm thứ Năm (10/5) và bày tỏ ủng hộ quyền tự vệ của Jerusalem.

Văn phòng Thủ tướng Anh phát đi tuyên bố cho biết: “Thủ tướng May đã lên án tên lửa Iran tấn công vào lực lượng Israel và nói rằng chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ quyền tự vệ của Israel chống lại việc Iran gây hấn”.

Tuyên bố nêu trên của nước Anh nói rằng bà May và ông Netanyahu “đã đồng ý về tầm quan trọng trong việc cộng đồng quốc tế tiếp tục hợp tác cùng nhau để chống lại hoạt động gây mất ổn định khu vực của Iran và yêu cầu Nga sử dụng ảnh hưởng của mình trong Syria để ngăn chặn các cuộc tấn công thêm nữa của Tehran”.

Pháp và Đức hôm thứ Năm (10/5) đã thúc giục Israel và Iran thực hiện kiềm chế và tránh tiếp tục leo thang hoạt động thù địch ở Trung Đông sau cuộc tấn công quân sự nặng nề nhất giữa hai địch thủ khu vực này trong đêm thứ Tư (9/5).

Bà Merkel và ông Macron đang có cuộc gặp song phương tại Aachen, miền tây nước Đức đã kêu gọi các bên phải thận trọng và không leo thang căng thẳng.

Xung đột ngầm Israel-Iran đã trở thành công khai

Ngoại giới đánh giá rằng mâu thuẫn giữa Israel và Iran đã tích tụ trong nhiều năm và các cuộc tấn công qua lại giữa họ vừa qua không khiến quốc tế ngạc nhiên.

Bà Shanna Kirschner, chuyên gia về Syria tại Đại học Allegheny (Mỹ) nói với tờ Vox rằng: “Các cuộc tấn công vào nhau của hai bên trong 24 giờ qua cho thấy sự leo thang nguy hiểm, nhưng không gây ngạc nhiên”.

Theo nhà báo Alex Ward của tờ Vox, có nhiều lý do khiến mâu thuẫn Israel – Iran bùng phát công khai vào thời điểm này.

Kể từ năm 2011, Israel đã tấn công Syria hơn cả trăm lần vì lo ngại về sự hiện diện mở rộng của Iran tại đây. Trong khi đó, Iran đã tận dụng tình cảnh hỗn loạn trong hơn 7 năm nội chiến Syria để giành quyền kiểm soát khu vực. Israel không mong muốn điều đó và sử dụng lực lượng quân đội để kiềm chế tầm ảnh hưởng của chế độ Tehran.

Trong một cuộc họp báo vào tháng 9 năm ngoái, Thủ tướng Israel Netanyahu đã nói rằng: “Iran đang bận rộn biến Syria thành căn cứ quân sự. Họ muốn sử dụng Syria và Li Băng làm chiến trường nhằm thực hiện mục tiêu mà họ đã tuyên bố là hủy diệt Israel… Đây là điều mà Israel không thể chấp nhận”.

Israel đã leo thang các cuộc tấn công vào Syria trong tháng trước. Ngày 9/4, Israel đã tiêu diệt 7 lính Iran tại Syria. Tehran đe dọa sẽ trả đũa vào ngày hôm sau nhưng sau đó đã kiềm chế.

Tới ngày 8/5, cùng thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút nước Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, Israel đưa ra “cảnh báo cao” về khả năng bị Iran tấn công.

Nhà báo Alex Ward nhận định rằng khả năng cuộc tấn công của Iran vào Israel đêm thứ Tư (9/5) là nhằm trả đũa cho sự vụ hôm 9/4 và cũng không rõ hành động đó của Tehran có liên quan gì đến quyết định về thỏa thuận Iran của ông Trump hay không.

Đáng chú ý, các cuộc tấn công và trả đũa đêm thứ Tư đã cho thấy xung đột Israel-Iran đã chuyển tiếp sang giai đoạn mới: Xung đột công khai.

Ông Neri Zilber, chuyên gia của Viện Chính sách Cận Đông có trụ sở tại Washington, mô tả về xung đột Israel-Iran trước đây như sau: “Giai đoạn đầu tiên của mâu thuẫn Israel-Iran ở Syria đã được tiến hành phần lớn trong bóng tối và theo một mô típ quen thuộc như sau: Một vụ nổ sẽ diễn ra ở một nơi nào đó ở Syria, với các báo cáo sau đó xác nhận rằng mục tiêu là một đoàn tàu vũ khí, kho vũ khí hoặc các cơ sở công nghiệp quốc phòng cao cấp của Iran hoặc Hezbollah”.

Nhưng sau các cuộc tấn công qua lại đêm thứ Tư, mọi chuyện đã khác trước: Israel và Iran đã leo thang mạnh mẽ các cuộc tấn công trực tiếp vào lực lượng quân sự của nhau. Các chuyên gia nhận định rằng không loại trừ khả năng màn xung độc cục bộ này sẽ dẫn tới hỗn loạn ngoài tầm kiểm soát và trở nên tồi tệ hơn nhiều.

Đây là tình huống cực kỳ nguy hiểm”, ông Neri Zilber nói với tờ Vox.

Tương quan lực lượng quân sự Israel-Iran thế nào?

Thống kê từ trang GlobalFirepower.com, sử dụng dữ liệu để so sánh sức mạnh quân sự của quân đội thế giới, cho thấy binh lính thường trực của Iran cao hơn đáng kể so với Israel, nhưng Israel – với ngân sách quân sự hàng năm lớn hơn – có đủ vũ khí để tự bảo vệ nếu bị Iran tấn công.

Israel hiện có 170.000 quân nhân thường trực so với 534.000 lính của Iran, trong khi số lượng quân nhân dự bị của hai nước là tương đương nhau, mỗi bên có khoảng 400.000 quân dự bị.

Ngân sách quốc phòng của Israel trong năm 2018 là 20 tỷ USD – gấp ba lần số tiền mà Iran được báo cáo là chi tiêu cho quân đội trong năm nay (khoảng 6,3 tỷ USD). Theo số liệu này, Iran đứng thứ 33 trong danh sách chi tiêu quốc phòng toàn cầu, xếp dưới các nước láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ, Afghanistan và Pakistan và cách quá xa gã khổng lồ Trung Đông – Ả Rập Saudi – nước được cho là có ngân sách quốc phòng năm 2018 lên tới 56 tỷ USD.

Về bộ binh và không quân, quân đội Israel dường như mạnh hơn Iran. Israel loan tin rằng họ sở hữu 2.760 xe tăng và 596 phi cơ chiến đấu. Trong khi, Iran được cho là chỉ có 1.650 xe tăng và 505 chiến đấu cơ.

Tuy nhiên về hải quân, Iran đang phát triển hơn. Nhà nước Cộng hòa Hồi giáo thông báo có 398 khí tài hải quân, vượt trội so với 65 của Israel. Tehran có 33 tàu ngầm và 5 chiến hạm hạng nhì (mạnh mẽ hơn tàu khu trục). Israel không có chiến hạm hạng nhì và chỉ sở hữu 6 tầu ngầm.

Xuân Thành (T/h)

Xem thêm: