Ủy ban chống Mafia của Ý đã được khởi động lại sau 17 năm đình chỉ, ngoài việc điều tra các hoạt động phi pháp của mafia trong nước, cơ quan này còn tăng cường nỗ lực làm sạch các hoạt động bất hợp pháp do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thâm nhập vào xã hội Ý và sự cấu kết giữa các quan chức và xã hội đen để thao túng các băng đảng người Hoa.

canh sat Y 2
Cảnh sát Ý trấn áp mâu thuẫn trong cộng đồng người Hoa ở Sesto Fiorentino, ngoại ô Florence. (Ảnh chụp màn hình AFP)

Ủy ban chống Mafia của Ý đã trở lại vào tuần này, ngoài việc điều tra các hoạt động phi pháp của mafia trong nước và các nhóm tội phạm tương tự, họ còn điều tra sự xâm nhập bất hợp pháp của ĐCSTQ vào Ý, bao gồm các đồn cảnh sát ở nước ngoài của ĐCSTQ, các vụ án xe tải Trung Quốc và ngân hàng ngầm Trung Quốc.

Chính phủ Ý đã thành lập 8 khóa ủy ban chống Mafia kể từ năm 1962, ủy ban cuối cùng là vào năm 2006.

Thành phố Prato, gần thành phố Florence, là nơi tập trung nhiều nhà máy dệt may và phụ kiện, đồng thời cũng là thành phố có người Hoa sinh sống ở Ý. Cảnh sát Ý phát hiện ra rằng thành phố này đã trở thành thành trì cho sự xâm nhập bất hợp pháp của thế giới ngầm Trung Quốc.

Quan chức và xã hội đen cấu kết lập ngân hàng ngầm Trung Quốc, rửa tiền ở châu Âu

Theo tờ Le Formiche đưa tin vào ngày 16/3 năm nay, tòa án Florence đã bắt giữ hai người gốc Hoa liên quan đến hoạt động rửa tiền bất hợp pháp. Ngoài ra, còn có 13 người bị liệt vào danh sách tình nghi.

Vụ án liên quan đến một ngân hàng bí mật của Trung Quốc với các chi nhánh ở nhiều nơi như Rome, Florence, Prato, đã chuyển hàng tỷ euro cho Trung Quốc. Các nhà điều tra Ý đã gọi ngân hàng này là “ngân hàng Trung Quốc ngầm“. 

“Ngân hàng” này cung cấp dịch vụ chuyển tiền ẩn và tính phí hoa hồng 2,5% trên số tiền chuyển.

Tội phạm rửa tiền của băng nhóm được mệnh danh là “Mafia Trung Quốc” ở Italy có lịch sử lâu đời.

Ngày 18/12/2014, hãng tin AFP dẫn lời cảnh sát La Mã cho biết, một số chủ doanh nghiệp và doanh nhân Trung Quốc đã gửi thu nhập từ buôn lậu, bán hàng giả và trốn thuế sang Trung Quốc thông qua một công ty tài chính của Anh tên là Sigue.

Sigue có 7 chi nhánh ở Rome, chủ yếu kinh doanh chuyển tiền của người Hoa địa phương, phần lớn lệnh chuyển tiền là dùng tên giả, có một số là bịa đặt, cũng có tên là của người đã khuất, thậm chí có tên khách hàng mà bản thân người đó cũng không biết việc này.

Sigue đã cắt khoản tiền gửi thành nhiều phần và mỗi khoản đều nằm dưới mức kê khai do Chính phủ Ý quy định để ngăn chặn rửa tiền.

Các ngân hàng chính thức của ĐCSTQ có liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp này. Ngày 21/6/2015, cơ quan công tố Ý đã đệ trình bản cáo trạng đối với 297 người và Ngân hàng Trung Quốc lên tòa án. Chi nhánh tại Ý của Ngân hàng Trung Quốc bị cáo buộc hỗ trợ người Ý gốc Hoa rửa tiền. Trong số 297 người này còn bao gồm 4 quản lý cấp cao của chi nhánh Milan của Ngân hàng Trung Quốc.

Cảnh sát Florence phát hiện ra, trong vòng chưa đầy 4 năm tính đến năm 2010, hơn 4,5 tỷ euro từ lừa đảo, mại dâm, bóc lột lao động và trốn thuế đã được chuyển đến Trung Quốc thông qua các dịch vụ chuyển tiền. Trong số đó, 2,2 tỷ euro đã được chuyển qua chi nhánh Milan của Ngân hàng Trung Quốc.

Bản cáo trạng của các cơ quan công tố Ý dựa trên cuộc điều tra có tên “Các dòng chảy của tiền” (Rivers of money), bắt đầu từ năm 2008, và số tiền này được gửi đến Trung Quốc thông qua một trung gian chuyển tiền có tên là Money2Money. Ngân hàng Trung Quốc nhận được khoản phí trung gian là 758.000 euro.

Cơ quan công tố đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ chính quyền Trung Quốc, nhưng vô ích.

Cô Mã, sống ở Rome, nói với phóng viên của Epoch Times rằng những người bạn của cô từ Phúc Kiến không gửi bất kỳ khoản tiền nào họ kiếm được từ kinh doanh vào Ngân hàng Quốc gia và giữ một lượng lớn tiền mặt trong két sắt ở nhà, vì họ phải khai thuế khi gửi tiền vào ngân hàng, và thuế thu nhập cá nhân của Ý rất cao. Cô bất lực nói: “Giấu tiền ở nhà, mặc dù nguy hiểm, nhưng cũng là một lựa chọn khi không còn cách nào khác.”

Điều này cũng giải thích từ một khía cạnh khác về lý do vì sao một số người Ý gốc Hoa thích đến các ngân hàng ngầm bất hợp pháp để gửi tiền về quê hương của họ, từ đó tạo cơ hội cho các phần tử tội phạm.

Vào ngày 7/7/2010, phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ China News Service đã đăng một bài viết của phóng viên Bác Nguyên (Bo Yuan) tên “’Vụ án rửa tiền’ ở Ý cần được xử lý công bằng; truyền thông Trung Quốc kêu gọi người Hoa toàn cầu lên tiếng ủng hộ”. Bài viết kêu gọi cộng đồng người Ý gốc Hoa bảo vệ quyền lợi của họ trước “vụ án rửa tiền”, đồng thời tiết lộ rằng gia đình họ Thái (Cai) từ Ôn Châu, Trung Quốc đã hợp tác với gia đình Borozonaro người Ý vào năm 2006 để thành lập công ty chuyển tiền Money2money, nói rằng công ty là người Hoa làm chủ thể trong vụ án phạm tội “rửa tiền“.

Bác Nguyên nói rằng người Hoa khi chuyển tiền tại công ty này thì chỉ cần xuất trình giấy chứng nhận công dân Trung Quốc. Chỉ riêng trong năm 2006, lượng tiền mặt do các công ty chuyển tiền chuyển về Trung Quốc đã lên tới 2,7 tỷ euro.

ĐCSTQ thâm nhập vào Ý, thiết lập nhiều đồn cảnh sát ở nước ngoài nhất

Theo kết quả điều tra của nhóm nhân quyền Safeguard Defenders của Tây Ban Nha công bố vào ngày 5/12/2022, ĐCSTQ đã thành lập 54 đồn cảnh sát trên khắp thế giới tính đến tháng 9/2021, đồng thời bổ sung thêm 48 “trạm dịch vụ cảnh sát Hoa kiều hải ngoại”. Về danh nghĩa là hỗ trợ Hoa kiều về mặt hành chính, nhưng thực chất là lợi dụng hiệp định an ninh song phương đã ký với nước sở tại để lập “đồn cảnh sát” theo dõi người dân Trung Quốc ở nước ngoài, và chờ cơ hội buộc hồi hương những người bất đồng chính kiến.

Ông Giuseppe Morabito, giám đốc Quỹ Học viện Quốc phòng NATO (NDCF), nói với tờ L’Espresso của Ý vào ngày 19/12/2022, rằng Ý là quốc gia mà ĐCSTQ thiết lập nhiều cứ điểm cảnh sát hải ngoại nhất, với 11 căn cứ.

Hiện tại, Rome, Milan, Venice, Florence, Sicily và Prato, thành phố có cộng đồng người Hoa lớn nhất ở Ý, đều có cảnh sát hải ngoại của ĐCSTQ và được gọi là “trạm dịch vụ”.

Theo Đài phát thanh Quốc tế Pháp (RFI) đưa tin vào tháng 12/2022, Bộ trưởng Nội vụ Ý Matteo Piantedosi tuyên bố rằng các biện pháp trừng phạt đối với các hành động phi pháp của ĐCSTQ ở Ý sẽ không bị loại trừ. Ý không hề cho phép chính quyền ĐCSTQ xử lý sự vụ cảnh sát tại Ý.

Năm 2015, Trung Quốc và Ý ký biên bản ghi nhớ về nhiệm vụ tuần tra chung và khởi động “thí điểm”. Kể từ năm 2016, cảnh sát hai nước đã triển khai các cuộc tuần tra chung của cảnh sát tại các điểm du lịch của mỗi nước trong mùa du lịch cao điểm. Vào tháng 5/2016, bốn cảnh sát Trung Quốc và các đối tác Ý của họ đã tiến hành cuộc tuần tra chung đầu tiên trên đường phố Rome và Milan. Vào tháng 4/2017, bốn sĩ quan cảnh sát Ý và các đối tác Trung Quốc của họ đã thực hiện các cuộc tuần tra chung đầu tiên tại một số điểm du lịch ở Bắc Kinh và Thượng Hải.

Bộ trưởng Nội vụ Ý Matteo Piantedosi tuyên bố vào ngày 19/12/2022 rằng Chính phủ Ý đã quyết định chấm dứt “các cuộc tuần tra chung” do cảnh sát Trung Quốc và cảnh sát Ý tiến hành trên lãnh thổ Ý.

Ông Piantedosi chỉ ra rằng ĐCSTQ luôn sử dụng các chính sách áp lực cao để đàn áp những người bất đồng chính kiến, chẳng hạn như xâm phạm nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng, thật khó tin rằng cái gọi là “trạm dịch vụ” do ĐCSTQ thiết lập ở Ý chỉ đơn giản là cung cấp các dịch vụ hành chính cho người Trung Quốc ở nước ngoài.