Chừng nào Trung Quốc còn tự tách mình ra ngoài chủ nghĩa nhân văn phổ quát, họ không có khả năng tạo ra một cốt cách làm rung chuyển thế giới hay chiếm được sự đồng cảm của thế giới. Họ sẽ mãi chỉ ở trong cánh gà sân khấu thế giới, quạc ra tiếng công kích mỗi khi có một nốt chơi lạc nhịp.

Pháp Luân Công, bức hại Pháp Luân Công, đàn áp Pháp Luân Công, danh sách người bức hại Pháp Luân Công
(Ảnh: Epoch Times)

Biểu tình liên quan đến George Floyd và phong trào “Black Lives Matter” (Tạm dịch: Mạng sống người da đen đáng giá) nở rộ khắp nước Mỹ đã khiến truyền thông Trung Quốc trở nên nhộn nhịp. Họ phê phán nước Mỹ giả tạo, tiêu chuẩn kép, nói rằng việc một chính phủ phải triển khai đội quân mạnh và thiện chiến nhất của mình chống lại phong trào hòa bình thì không có chút tư cách đạo đức nào để chỉ trích cách hành xử của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) với những người biểu tình Hồng Kông.

Nhưng dường như Trung Quốc đang vui mừng quá sớm về “sự thất bại của đế quốc Mỹ”. “I can’t breathe” (tạm dịch: Tôi không thở được) – câu nói của George Floyd mà phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đăng lại một cách hả hê trên Twitter không phải là lời truy điệu cho quyền lực mềm của nước Mỹ. Trung Quốc không nên vui sướng quá lâu.

Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra trên khắp thế giới bày tỏ tình đoàn kết với người da màu ở Mỹ, cũng như những người thiểu số bị đè nén tại chính đất nước họ. Mặc dù có phần trong số đó không đồng tình với những gì chính quyền hiện tại ở Mỹ đang xử lý vụ việc, nhưng họ đều được truyền cảm hứng bởi một loại cảnh tượng nhân văn chỉ có nước Mỹ có thể mang lại. 

“Giấc mơ Mỹ” – thứ mà người ta vẫn thường nói, đó là cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người, là quyền được lên tiếng cho những giá trị mà mình tin tưởng, là niềm hy vọng chưa bao giờ tắt đối với bất kỳ số phận nào trên xứ cờ hoa.

Nước Mỹ có những mảng đối lập và có rất nhiều chỉ trích, nhưng không để triệt tiêu nhau mà để đòi hỏi nhau phải hoàn thiện hơn, vươn lên từ những sai lầm, tránh việc hình thành một thứ quyền lực tuyệt đối. Nó tạo nên một chất men gây hưng phấn đặc thù mà không quốc gia nào khác trên thế giới có thể có được. Trên thực tế, khi người biểu tình ở Bangkok hay Dublin viết từ “George Floyd” lên mảnh bìa, họ đang đòi hỏi người Mỹ hãy đáp ứng những lý tưởng của nước Mỹ.  

Trong khi Bắc Kinh đắc thắng trước vấn đề của nước Mỹ, thì điều đó cũng chỉ giống như những tiếng kêu yếu ớt bên lề, căn bản không thể xoá bỏ sức mạnh và sự hấp dẫn của văn hoá Mỹ, của một vùng đất đa nguyên, an toàn, công bằng, nơi thu hút những tư tưởng tự do và truyền cảm hứng cho các phong trào tự do trên phạm vi toàn thế giới.

Hoa Kỳ lập quốc: Chính trị cần đức hạnh và sự cao quý

Nhiều nhà phân tích đã cho rằng, Bắc Kinh lớn tiếng chẳng qua là vì sợ hãi. Các cuộc biểu tình khiến Bắc Kinh lo lắng, bất kể là biểu tình ở Hồng Kông hay những cuộc biểu tình cách đó nửa vòng trái đất, bởi bất cứ chính phủ độc tài toàn trị nào đều sợ biểu tình. Biểu tình George Floyd không chỉ cho thấy rõ các lý tưởng tự do của nước Mỹ, mà còn vì chúng đại diện cho các nguyên tắc phổ quát về bình đẳng trước pháp luật, tự do biểu đạt và hội họp. 

Giá trị phổ quát làm Bắc Kinh lo ngại. Trong Thông tư về tình trạng gần đây trong lĩnh vực tư tưởng do Ban chấp hành trung ương ĐCSTQ ban hành năm 2013, có 7 “trào lưu tư tưởng sai lệch” bị cấm thảo luận tại Trung Quốc.  Trong đó, những gì gọi là “các giá trị phổ quát” đều không tồn tại, bởi ĐCS e sợ những lời kêu gọi đòi dân chủ của các công dân Trung Quốc được hợp pháp hoá.

Thiếu vắng các giá trị phổ quát, Chủ tịch Tập yêu cầu người dân đặt cơ sở đạo đức của họ vào “những giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi” có nguồn gốc từ “kinh nghiệm lịch sử đặc sắc” của Trung Quốc. Là đại diện của toàn thể người Trung Quốc, chỉ Đảng cộng sản mới có thể quyết định “những giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi” là gì. Những người không phải người Trung Quốc không có quyền bình luận về công việc nội bộ hay văn hoá trong nước Trung Quốc.

ĐCSTQ đã nỗ lực tạo ra “một hình ảnh quốc gia hoà thuận” bằng cách “kể những câu chuyện tốt đẹp của Trung Quốc.” Mục tiêu của việc kể “những câu chuyện tốt đẹp của Trung Quốc” ra nước ngoài không phải để các nước khác thảo luận về lựa chọn của Trung Quốc, mà muốn câu chuyện về Trung Quốc được nhiều người nước ngoài chấp nhận và ngưỡng mộ.

Đây là một nhiệm vụ khó khăn, bởi các “câu chuyện Trung Quốc” chủ yếu liên quan đến “con người Trung Quốc” chứ không phải nhân loại. Những câu chuyện một chiều không hấp dẫn người dân thế giới, vốn quen nghe mọi ý kiến tranh luận và cân nhắc mọi luận điểm. 

Bất chấp tham vọng và những thành công của Trung Quốc, nước Mỹ với tất cả sự mâu thuẫn hay thất bại, vẫn nắm trái tim khán giả trong hầu hết các sự kiện trên toàn cầu. 

Đó là quyền lực mềm nước Mỹ. Bạn không cần trở nên hoàn hảo, mọi thứ luôn đúng, tất cả câu chuyện đều là vinh quang, mà bạn cần có tính nhân văn rộng lớn. 

Chừng nào Trung Quốc còn tự tách mình ra ngoài chủ nghĩa nhân văn phổ quát, họ không có khả năng tạo ra một cốt cách làm rung chuyển thế giới hay chiếm được sự đồng cảm của thế giới. Họ sẽ mãi chỉ ở trong cánh gà sân khấu thế giới, quạc ra tiếng công kích mỗi khi có một nốt chơi lạc nhịp.

Sự soi mói sẽ không làm Trung Quốc trở thành ngôi sao. Nếu muốn được chú ý, Trung Quốc cần đưa ra cho thế giới những điều tốt đẹp hơn, những điều khác biệt với câu chuyện họ tự kể về mình.

Lê Xuân

Xem thêm: