“Choi gate” hay vụ bê bối Choi Soon-sil xảy ra chỉ một năm trước khi tổng thống Hàn Quốc kết thúc nhiệm kỳ. Nữ cố vấn bí hiểm của bà Park Guen-hye bị tư pháp Hàn Quốc điều tra về lạm dụng ảnh hưởng và tham nhũng. Vụ bê bối này đặc biệt khiến người dân tức giận vì đã đánh thức một quá khứ đau buồn của người Hàn Quốc. 

Vụ bê bối liên quan đến mối quan hệ mờ ám giữa Tổng thống Park Guen-hye (phải) và "nữ cố vấn" Choi Soon-sil khiến nhiều người nhớ đến hoàng hậu Minh Thành (trái). Ảnh chụp Youtube
Vụ bê bối liên quan đến mối quan hệ mờ ám giữa Tổng thống Park Guen-hye (phải) và “nữ cố vấn” Choi Soon-sil khiến nhiều người nhớ đến hoàng hậu Minh Thành (trái).
Ảnh chụp Youtube

Người mà báo chí mệnh danh là “Rasputin” hiện đang bị tạm giam sau khi trở về từ Đức. Dân chúng biểu tình đông đảo trên đường phố kêu gọi tổng thống từ chức, trong khi đó nhiều tiếng nói trong nội bộ đảng cầm quyền Saenuri-dang (đảng Thế Giới Mới) cũng yêu cầu bà Park phải ra đi.

Nhà nghiên cứu Juliette Morillot – đồng tác giả cuốn “Một trăm câu hỏi về Bắc Triều Tiên” – nguyên phụ trách nghiên cứu về quan hệ Nam-Bắc Triều Tiên tại Trường quân sự Pháp, và hiện là nhà báo của Asialyst, cho rằng vụ “Choi gate” này đã khơi dậy quá khứ đau thương của người Hàn Quốc.

Lý do vụ bê bối khiến dân chúng Hàn Quốc nổi giận

Theo bà Juliette Morillot, vụ việc này khiến người Triều Tiên trở lại với toàn bộ lịch sử của đất nước và nỗi đau sâu thẳm của dân Triều Tiên, được thể hiện qua chữ “Han” (한/恨) (tức mối hận hay nỗi ai oán). Trong suốt chiều dài lịch sử, Triều Tiên bị thao túng bởi những xung đột giữa các phe phái, bởi tham nhũng, bởi các vị vua ‘‘bù nhìn’’, mà kẻ giật dây là các thầy pháp (hay shaman). Hoàng hậu cuối cùng của Triều Tiên Myeong Seong (hay hoàng hậu Minh Thành) (1851-1895) cũng có cố vấn là một nữ pháp sư (mudang).

Đây là một giai đoạn rất căng thẳng về mặt chính trị, giai đoạn của các ‘‘hiệp ước bất bình đẳng’’, diễn ra trước khi Triều Tiên bị Nhật Bản sát nhập. Triều Tiên cũng có nhiều nhà vua bất lực, bị các thế lực ngoại quốc thao túng. Giờ đây, tất cả những hồi ức ấy đã trở lại với vụ bê bối này, cứ như một thứ ác mộng chưa bao giờ chấm dứt.

Quan điểm của đồng minh Hoa Kỳ

Theo chuyên gia về Triều Tiên, Washington theo sát vụ việc này. Bởi nếu bà Park bị truất quyền, liên minh Mỹ – Hàn có thể sẽ trở nên mong manh hơn. Vị trí mà Hoa Kỳ muốn duy trì tại vùng Đông Bắc Á, cụ thể là tại Hàn Quốc, trước các đe dọa ngày càng lớn từ Bắc Triều Tiên, cũng có thể bị phản đối. Đằng sau vụ bê bối này, chúng ta thấy có vai trò của nước Mỹ, vốn ủng hộ các hệ phái Tin Lành kể từ sau khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc. Các hệ phái Tin Lành và các giáo phái xuất phát từ đây, có các ảnh hưởng rất mạnh tại Hàn Quốc, và khá nhiều trong số đó có liên quan đến các bê bối tham nhũng.

Trong số các giáo phái nói trên, có giáo phái của người cha của nữ cố vấn bí hiểm Choi Soon-sil. Nhân vật quá cố này cũng từng là cố vấn của tổng thống Park Chung Hy, cha của bà Park Guen-hye. Dù gần hay xa, vụ việc này cũng có liên hệ với nước Mỹ.

Vụ bê bối nhìn từ Bắc Triều Tiên

Các lãnh đạo Bắc Triều Tiên theo sát vụ việc này. Từ nhiều năm nay, chính quyền Bình Nhưỡng lên án việc Seoul là một con rối trong tay Hoa Kỳ. Nếu vụ việc này là xác thực, thì Seoul còn là một con rối trong tay các thầy pháp và lãnh đạo tôn giáo. Tất cả những bê bối này chỉ giúp cho bộ máy tuyên truyền của Bắc Triều Tiên có thêm lý do để một lần nữa lên án tình trạng phụ thuộc của Hàn Quốc. Ở Bắc Triều Tiên, vụ ‘‘Choi gate’’ được theo dõi rất dữ, người ta biết khá kỹ về những gì xảy ra.

Tác động đến quan hệ Nam Bắc Triều Tiên

Có vẻ như nữ cố vấn Choi Soon-sil đã khuyến khích tổng thống Park Geun-hye đóng cửa khu công nghiệp Kaesong ở Bắc Triều Tiên. Vụ bê bối này có thể là đỉnh điểm của một nhiệm kỳ tổng thống, in dấu tham nhũng. Vụ việc xảy ra đúng vào lúc quan hệ giữa hai miền Nam Bắc rất tồi tệ. Khi so sánh các chỉ số hạnh phúc giữa các quốc gia, chúng ta thấy Hàn Quốc đứng ở cuối bảng xếp hạng. Cách nay hai năm có vụ đắm phà Sewol. Có việc dân chúng mất lòng tin vào các chaebol, tức các tập đoàn kinh tế lớn của Hàn Quốc, do một loạt các vụ bê bối liên quan đến việc thừa kế, đặc biệt trong đó có vụ con gái của giám đốc hãng hàng không Korea Air hống hách với nhân viên. Tất cả những điều đó cho thấy một xã hội đang trong giai đoạn hết sức khó khăn.

Cái chết ai oán của hoàng hậu Minh Thành

Trở lại với nỗi đau khổ, ai oán (Han), tâm trạng hết sức đặc biệt gắn liền với tình tự dân tộc của người Hàn Quốc, mà nhà nghiên cứu Pháp Juliette Morillot vừa nhấn mạnh. Hoàng hậu Minh Thành được coi là một nhân vật sáng chói trong lịch sử Hàn Quốc cận hiện đại, một nhà cải cách lớn, nỗ lực thiết lập quan hệ mật thiết với phương Tây, hiện đại hóa Triều Tiên.

Cho đến gần đây vẫn còn nhiều bí ẩn trong vụ hoàng hậu Minh Thành, người vợ cả của vua Cao Tông – qua đời ở tuổi 43 – bị Tokyo coi là vật cản chủ yếu đối với tham vọng chi phối Triều Tiên của đế quốc Nhật. Theo quan điểm được nhiều người thừa nhận cho đến nay, hoàng hậu Minh Thành đã bị chính quyền đế quốc Nhật ra lệnh sát hại vào ngày 08/10/1895. Cách đây ít năm, báo Hàn Quốc Chosun Ilbo (năm 2005) dẫn lại một tài liệu của bộ Ngoại Giao Nhật Bản, cho biết một số thông tin quan trọng soi sáng vụ sát hại này.

Nhà sử học Lee Tae-jin, Đại học Quốc gia Seoul, công bố tài liệu năm trang về vụ án, do cơ quan ngoại giao Nhật vào thời điểm đó tại Seoul gửi về Tokyo, ba tháng sau khi vụ này xảy ra.

Trước thông tin mới nói trên, giới nghiên cứu vẫn cho rằng hoàng hậu Minh Thành bị sát hại ngay tại nơi ở của bà trong hoàng cung, căn cứ theo mô tả của một viên sĩ quan Nga, phụ trách đội gác hoàng cung. Tuy nhiên, theo các tài liệu mới tìm được từ bộ Ngoại Giao Nhật, những kẻ được lệnh hạ sát hoàng hậu đã đưa bà ra ngoài sân và dùng kiếm giết. Tài liệu cũng chỉ rõ địa điểm vụ giết người. Các sát thủ đã đưa thi thể của hoàng hậu Minh Thành lên một ngọn đồi bên cạnh hoàng cung, rồi hỏa thiêu.

Vào thời điểm đó, dưới áp lực của các cường quốc, Nhật Bản đã buộc phải tiến hành điều tra và tổ chức phiên tòa xét xử kẻ được coi là thủ phạm. Nhưng rốt cuộc bị cáo đã được tha bổng.

Theo nhà sử học Hàn Quốc Lee Tae-jin, việc đưa hoàng hậu Minh Thành ra bên ngoài giết hại cho thấy đây không phải là một vụ ám sát, mà có thể coi là “một can thiệp quân sự” có chủ ý của chính quyền Nhật lúc đó.

Vụ sát hại bà Minh Thành năm 1895 đã dấy lên một phong trào yêu nước, phản kháng mạnh mẽ tại Triều Tiên, chống lại can thiệp Nhật Bản. Cuộc đời anh hùng và số phận bi thảm của người phụ nữ này đã trở thành chủ đề của nhiều phim, kịch Hàn Quốc.

Trọng Thành| RFI