Sau cuộc gặp với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng ông không tin Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có ý định xâm lược Đài Loan vào thời điểm này. Giới quan sát đã có kiến giải về phát biểu này của ông Biden.

Tap Can Binh va Joe Biden
Ngày 14/11/2022, Tổng thống Mỹ Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp. (Ảnh chụp màn hình video)

Ông Akio Yaita chỉ ra trong một bài đăng trên Facebook rằng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung (cuộc gặp Tập-Biden) kéo dài hơn 3 tiếng đã đạt được tổng cộng 6 thỏa thuận về các vấn đề như khí hậu và sức khỏe cộng đồng. Ở mức nhất định, quan hệ Trung-Mỹ đã dịu đi. Điều đáng chú ý là về vấn đề Đài Loan. Sau cuộc gặp, ông Biden đã nói với các phóng viên rằng ông “không tin Trung Quốc có ý định xâm lược Đài Loan ngay lập tức”.

Theo phân tích của ông Akio Yaita, giám đốc chi nhánh Đài Bắc của Sankei Shimbun Nhật Bản, Mỹ hiện có cơ quan tình báo và quân đội hùng mạnh nhất thế giới, nên nhận định mà Tổng thống Mỹ đưa ra khó sai lầm. Ông cho biết, đầu năm nay cả thế giới không ai nghĩ Nga sẽ xâm lược Ukraine, chỉ có ông Biden liên tục đưa ra cảnh báo chiến tranh, điều này gián tiếp cho thấy năng lực tình báo của Mỹ. Do đó, việc ông Biden cho biết “Trung Quốc sẽ không xâm lược Đài Loan ngay lập tức” thì đây là một nhận định đáng chú ý.

Dựa trên quan sát lâu dài của ông Akio Yait về chính trị của ĐCSTQ, ông không nghĩ rằng ĐCSTQ sẽ ngay lập tức gây chiến ở eo biển Đài Loan. Bởi sau Đại hội 20 của ĐCSTQ, đội ngũ của ông Tập Cận Bình rõ ràng đang rất nỗ lực về ngoại giao. Trong thời gian không lâu sau đó, ông Tập không chỉ đón tiếp các nguyên thủ quốc gia Việt Nam, Pakistan, Đức, còn bắt đầu tích cực đi thăm nước ngoài. Rõ ràng là ông Tập đang cố gắng cải thiện ngoại giao quốc tế sau khi tranh giành quyền lực nội bộ lắng xuống. Do đó, ông tin rằng trong ít nhất 1- 2 năm tới, chế độ Tập Cận Bình sẽ không có hoạt động xâm lược quân sự cụ thể nào vào Đài Loan, vì hành vi đó sẽ khiến cộng đồng quốc tế kịch liệt lên án và chắc chắn sẽ làm xấu đi quan hệ của ĐCSTQ với các nước lớn trên thế giới.

Khi gặp ông Biden lần này, ông Tập Cận Bình đã nhiều lần đề cập đến “chống Đài Loan độc lập”. Về vấn đề này, ông Yaita cho biết việc ông Tập nói rằng tuyên bố Đài Loan độc lập chính là bước vào “lằn ranh đỏ”, không nhắc đến thì không có “lằn ranh đỏ”, điều này có nghĩa ông Tập đã xuống nước.

Theo Liberty Times của Đài Loan, phó giáo sư Ping-Kuei Chen Khoa Ngoại giao của Đại học Chengchi (Đại học quốc lập Chính trị) Đài Loan có phân tích vào ngày 15/11, cho rằng trước khi ĐCSTQ xem xét sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan hoặc chuẩn bị sử dụng vũ lực thì không mấy quan tâm khả năng tự vệ của Đài Loan, mà là khả năng phòng thủ chung của Đài Loan và Mỹ, và thậm chí còn quan sát cách Nhật Bản hỗ trợ Mỹ phòng thủ. Sự tham gia của Nhật Bản khiến phán đoán tổng thể phức tạp hơn, nên ĐCSTQ nhận thấy khả năng phòng thủ của Đài Loan sẽ ngày càng mạnh hơn, dẫn đến cơ hội xâm lược thành công không cao. Vậy nên rất có thể họ đã điều chỉnh thời điểm xâm lược Đài Loan.

Ông Ping-Kuei Chen nói rằng Đài Loan có hành động độc lập trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng Mỹ mới là bên chính quyết định “ai đã làm gì sai”“ai thay đổi hiện trạng” trong mối quan hệ ba bên, tức là “lằn ranh đỏ” là gì. Ông chỉ ra cả Đài Loan hay ĐCSTQ đều có thể nghĩ vấn đề bản thân họ đang hành động là hợp lý, trong khi hành động đó lại có thể bị Mỹ xác định là vượt qua lằn ranh đỏ và thay đổi hiện trạng, do đó xung đột tại eo biển rất có thể xảy ra khi có sự hiểu lầm giữa ba bên.