“Liên tiếp các đời chính phủ của Canada và các chính phủ khác trên thế giới đã tự thuyết phục bản thân rằng việc nhẹ tay đối với các hành động tàn bạo bằng cách nào đó sẽ khuyến khích Trung Quốc cải tổ. Nhưng thay vào đó, bộ máy đàn áp được xây dựng để đè bẹp Pháp Luân Công đã ‘di căn’, trở thành một đặc điểm ‘bất trị’ trong bộ máy cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc.” Đó là nhận xét của luật sư nhân quyền được đề cử giải Nobel Hòa bình David Matas và nhà làm phim tài liệu Caylan Ford trong một báo cáo mang tên “Đừng ngủ quên trước bộ máy đàn áp của Trung Quốc” (Keeping Our Eyes Open to China’s Machinery of Repression) được đăng tải trên trang web viện chính sách Macdonald-Laurier của Canada.

Chuyên gia: Nhẹ tay với nhân quyền của chế độ TQ tạo ra "di căn" hệ thống
Ông David Matas trả lời phỏng vấn trong bộ phim tài liệu “Hard to Believe” nói về nạn thu hoạch tạng từ tù nhân lương tâm do Đảng Cộng sản Trung Quốc hậu thuẫn. (Ảnh: Swoop Films)

Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh chỉ vài tuần nữa, Olympic Mùa đông sẽ diễn ra tại Bắc Kinh, bất chấp thực trạng nhân quyền ngày càng tệ hại tại Trung Quốc. Và mặc dù Canada đã cùng Hoa Kỳ, Úc và Anh lên tiếng tẩy chay ngoại giao đối với Olympic Bắc Kinh (mà một số chính trị gia gọi là “Olympic diệt chủng”), các tác giả Ford và Matas cho rằng đây rõ ràng chỉ là một “biện pháp nửa vời”.

Cho rằng phương Tây đang lặp lại một sai lầm quá khứ, Ford và Matas nhắc lại sự kiện Olympic Mùa hè năm 2008 tại Bắc Kinh: “Thế vận hội Mùa hè Bắc Kinh 2008 cũng diễn ra trong sự hung bạo trên diện rộng. Việc tổ chức các trò chơi thể thao thành công và phản ứng im lặng của cộng đồng quốc tế đối với những hành vi vi phạm nhân quyền đã cho Bắc Kinh thấy rằng họ có thể tiếp cận như vậy và được phép làm như vậy.”

Theo báo cáo thường niên năm 2008 của Ủy ban Điều hành của Quốc hội Hoa Kỳ về vấn đề Trung Quốc (CECC), trong một cuộc đàn áp toàn quốc diễn ra ngay trước Thế vận hội, từ tháng 12/2007 đến cuối tháng 6/2008, hơn 8.000 người tập Pháp Luân Công đã bị bắt giữ. Một báo cáo khác của Tổ chức Ân xá Quốc tế vào năm 2008 ghi nhận ít nhất 100 người trong số đó đã chết trong khi bị giam giữ.

“Điều này đôi khi xảy ra trong khoảng cách đi bộ đến các địa điểm tổ chức Olympic và các địa danh quan trọng”, Ford và Matas cho biết.

Hai tác giả cũng đề cập đến cách Đảng Cộng sản Trung Quốc đối xử với tù nhân lương tâm trong tù:

“Trong các nhà tù, trại lao động cưỡng bức và trung tâm cải tạo, họ phải chịu những thủ đoạn gây sức ép nặng nề để cưỡng bức ‘chuyển hóa’, bao gồm đánh đập, thiếu ngủ, làm nhục và cưỡng hiếp tình dục, tra tấn trong tư thế kéo căng người, sốc bằng dùi cui điện, và ép tiêm các loại thuốc tâm thần không rõ nguồn gốc.”

Ford và Matas cho rằng bản chất của chế độ Bắc Kinh là nguyên nhân dẫn đến các cuộc đàn áp tín ngưỡng trên diện rộng:

“Niềm tin tín ngưỡng là mối đe dọa đối các chế độ toàn trị, bởi vì họ không thể chịu được việc bất kỳ quyền lực nào – đặc biệt là Thần quyền – đứng trên quyền lực của họ. Không được phép có lòng trung thành nào ngoại trừ lòng trung thành với Đảng, Đảng quy định là gì thì là như thế ấy, không có chân lý nào Đảng không thể thay đổi bằng cách ra lệnh hoặc bằng vũ lực. Thực tế này không chỉ giải thích lý do tại sao Đảng Cộng sản Trung Quốc tìm cách tiêu diệt Pháp Luân Công, mà còn là lý do tại sao nó đàn áp người theo Phật giáo Tây Tạng, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, người Công giáo mộ đạo và thành viên của các nhà thờ Tin Lành ngầm.”

Các tác giả cũng chỉ ra rằng việc các lãnh đạo thế giới nhẹ tay và làm ngơ với việc đàn áp Pháp Luân Công trong nhiều năm (từ 1999 đến nay) cuối cùng đã dẫn đến việc bộ máy đàn áp tín ngưỡng của Đảng Cộng sản Trung Quốc “di căn” và trở nên “bất trị”. “Cuộc đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và ở mức độ thấp hơn là những tín đồ Kitô giáo sùng đạo, được thực hiện phần nhiều bởi chính những người đó, với cùng một thủ đoạn mà họ đã sử dụng với Pháp Luân Công trong nhiều thập kỷ: giam cầm hàng loạt, tra tấn, cưỡng bức lao động, chuyển hóa và, có thể là cả thu hoạch nội tạng.”

Ford và Matas chỉ ra rằng những chính trị gia, các phương tiện truyền thông “đã phớt lờ cuộc đàn áp tàn bạo của Pháp Luân Công trong nhiều thập kỷ sẽ không thể vờ tỏ ra ngạc nhiên” trước tình trạng nhân quyền tồi tệ của chế độ cộng sản Bắc Kinh hiện tại.

Minh Nhật biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: