Sau cuộc bầu cử bất ngờ ở Mỹ, hiệu ứng Donald Trump đang lan ra khắp châu lục già cũ, khi người dân châu Âu càng ngày càng chán nản với tình hình kinh tế trì trệ, thất nghiệp cao và tác động tiêu cực của chính sách mở toang cửa đón di dân của các cường quốc hàng đầu có phúc lợi xã hội cao. Có nhiều chỉ dấu cho thấy châu Âu sắp có biến động lớn khi làn sóng dân tuý cánh hữu hậu Brexit đang dâng cao.

Italia

Chủ Nhật tuần này Ý sẽ tổ chức trưng cầu ý dân về một loạt các cải cách đệ trình bởi thủ tướng trung tả Matteo Renzi. Kết quả của nó có thể xác định tương lai ông Renzi, nhưng cũng được coi là thước đo của phong trào dân tuý đang trỗi dậy khắp châu Âu.

Nếu người dân Ý từ chối các chính sách mới của ông Renzi – người đã tuyên bố sẽ từ chức nếu điều này xảy ra, thì đây là cơ hội để lãnh đạo dân tuý Beppe Grillo với phong trào Năm Sao của mình vươn lên giành quyền lực ở cuộc bầu cử kế tiếp.

Tình huống ở Ý đang diễn ra trên khắp châu Âu, nơi giới tinh hoa đang bị thách thức bởi một số lãnh đạo phong trào dân tuý – làn sóng tức giận chống hệ thống hiện hành đã tạo ra kết cục Brexit trong cuộc bỏ phiếu ở vương quốc Anh năm nay, và hiện tượng Donald Trump tại nước Mỹ.

Theo Fox News, các lãnh đạo dân tuý tại châu Âu đang gia tăng trong điểm số trong các cuộc thăm dò dư luận phần lớn là nhờ cam kết khôi phục nền kinh tế đang trì trệ, đảo ngược xu hướng thất nghiệp cao và chặn dòng dân nhập cư từ Trung Đông và châu Phi.

Mặc dù hồi năm 2014, chính phủ trung tả của ông Renzi nhận được tỷ lệ ủng hộ cao khi lên nắm quyền, cử tri Ý nhanh chóng quy trách nhiệm cho ông khi tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng và tình hình kinh tế không khởi sắc.

Thêm vào đó, Ý cũng là một trong những điểm đặt chân của dòng người nhập cư từ Bắc Phi và rất nhiều người không hài lòng với cách ông Renzi xử lý khủng hoảng di dân, vốn được xem là chính sách mở cửa.

So với chiến dịch tranh cử của Donald Trump tại Mỹ, lãnh đạo cánh hữu Beppe Grillo hiện tại thậm chí còn có được tỷ lệ ủng hộ cao hơn, nguyên do đến từ sự tức giận giới tinh hoa chính trị và sự chán nản tình hình kinh tế trì trệ. Chiến dịch của ông Grillo được xây dựng dựa trên các đường lối kinh tế chứ không phải bản sắc dân tộc – một đặc điểm ít “dân tuý” hơn so với các lãnh đạo cánh hữu khác ở Pháp, Hà Lan và Áo.

Mặc dù hầu hết chuyên gia dự đoán các cải cách của ông Renzi sẽ không được thông qua, nhưng vẫn khó xác định tương lai đất nước này sẽ hướng về đâu khi ¼ cử tri vẫn chưa quyết định, theo Fox News.

Pháp

Hai chính trị gia có cơ hội trở thành lãnh đạo Pháp đều là những người theo đường lối cánh hữu.

Francois Fillon, cựu thủ tướng bảo thủ Pháp và là người ủng hộ chính sách kinh tế tự do tư bản chủ nghĩa của cựu thủ tướng Anh Margaret Thatcher, chuẩn bị đối đầu với lãnh đạo của của đảng Mặt trận Quốc gia cực hữu Marine Le Pen trong cuộc đua vào ghế tổng thống Pháp năm sau.

2 người đều có chung nhiều quan điểm đối với vấn đề khủng hoảng nhập cư sau khi ông Fillon đã thay đổi quan điểm sang phía dân tuý hơn. Ông đã cam kết sẽ không nương tay trước vấn đề khủng hoảng nhập cư và tiêu diệt “Những kẻ Hồi giáo chuyên chế” – một vấn đề khá nhạy cảm đối với những chính trị gia cánh tả. Hai người có sự khác biệt trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế và thất nghiệp của Pháp. Bà Le Pen cam kết hướng đi cực hữu hơn cho nước Pháp khi bà tuyên bố sẽ thúc đẩy Pháp rời EU, còn ông Fillon thì vận động cho đường lối thị trường tư bản tư do.

Nhà phân tích Morgan của Fox News nhận định: “Ông Fillon đã chấp nhận rất nhiều lập luận của Le Pen về nhập cư, nhưng ông vẫn còn khá trung hoà trong chính sách kinh tế”.

Trong khi những cuộc tấn công khủng bố vào Paris và Nice vẫn còn in đậm trong tâm trí rất nhiều người Pháp, ông Fillon hứa sẽ giảm số người nhập cư và đầu tư 12 tỷ euro cho an ninh, quốc phòng và tư pháp. Ông cũng kêu gọi hợp tác chặt hơn với Nga trong cuộc chiến chống khủng bố và gần đây xuất bản một cuốn sách mang tên “Đánh bại chủ nghĩa cực quyền Hồi giáo”.

Đức

Thủ tướng Đức Angela Merkel được mô tả bởi nhiều người là “người bảo vệ cuối cùng cho phe liberal của phương Tây”, hiện đang nhận vô số chỉ trích từ những người bất đồng khi chấp nhận số lượng lớn di dân và người tị nạn từ Syria, đồng thời tiếp tục hỗ trợ tài chính cho những quốc gia láng giềng, đặt gánh nặng thuế má lên vai người dân lao động Đức.

Trong quá trình tranh cử cho nhiệm kỳ 4, đối mặt với các chỉ trích này và sự cạnh tranh mạnh mẽ từ những lãnh đạo phong trào cánh hữu đang nổi lên, người ta thấy quan điểm của bà về nhập cư dần dần thay đổi.

Theo Breibart, hôm thứ Bảy tuần trước, bà nói: “Việc tất cả người trẻ tuổi ở Afghanistan đều đến đây là không thể được”.

Việc quan trọng nhất cần làm trong những tháng sắp tới là cho hồi hương người tị nạn”.

Theo tờ báo Đức Handelsblatt, bà Merkel cho biết bà dự tính 1/3 các trường hợp cho hồi hương là bắt buộc, và khoảng 60.000 người nhập cư sẽ cần tham gia chương trình hồi hương tự nguyện.

Hồi tháng 9, đảng CDU của bà Merkel nhận kết quả bầu cử vùng thấp kỷ lục: dưới 20% phiếu bầu tại thủ đô Berlin, nhiều người cho rằng chính sách mở cửa biên giới của Thủ tướng là nguyên nhân chính. Một đảng dân tuý trong bối cảnh này cũng nổi lên mạnh mẽ là Đảng Alternative for Germany (AfG).

Donald Trump Hà Lan

Một chính trị gia châu Âu gần đây được so sánh với tổng thống tân cử Hoa Kỳ Donald Trump là ông Geert Wilders ở Hà Lan. Ông có đường lối mạnh mẽ chống sự lan rộng của Hồi giáo tại châu Âu.

Từ những phát ngôn không kiêng dè về người nhập cư bất hợp pháp đến kiểu tóc đặc trưng (mà nhiều người cho là giống với Donald Trump) của mình, ông Wilders trong chiến dịch tranh cử chức Thủ tướng Hà Lan đã phân cực quốc gia này giống với cách mà ông Trump đã thực hiện ở Mỹ trong suốt cuộc bầu cử vừa qua.

Ông được mô tả là một nhà dân tuý, chính trị gia cánh hữu, tuy nhiên Wilders không chấp nhận xếp chung với các lãnh đạo cực hữu châu Âu khác, mà tự gọi mình là người tự do cánh hữu, mặc dù ông đã từng hợp tác cùng bà Le Pen trong một nỗ lực thất bại nhằm hình thành nhóm quyền lực cực hữu tại Nghị viện châu Âu năm 2015.

Chính sách của ông Wilders tập trung vào những người di cư từ Bắc Phi hiện đang sống ở Hà Lan. Ông cực lực chống lại điều mà ông coi là “Hồi giáo hoá Châu Âu”. Wilders từng gọi kinh Koran là “quyển sách phát xít” và nói ông có thể cấm quyển sách này.

Các công tố viên cho biết ông Wilders đã “đi quá xa” khi ông hỏi người ủng họ liệu có muốn “ít người Ma-rốc” hơn tại Hà Lan hay không.

Khi người ủng hộ ông hô lên “ít hơn”, ông đáp lại, “Chúng ta sẽ thực hiện điều đó”.

Hiện ông và Đảng Vì Tự Do của ông đang ở trên top của bảng khảo sát cử tri Hà Lan, đất nước sẽ tổ chức bầu cử vào ngày 15/3 năm sau.

Tại những quốc gia khác

Trong khi 4 quốc gia lớn tại châu Âu và Anh Quốc đang chứng kiến làn sóng dân tuý trỗi dậy thách thức hệ thống hiện hành thì một số quốc gia khác ở châu lục này đã bầu lên những chính trị gia cũng có cùng tư tưởng như vậy.

Tức giận vì số lượng người di cư khổng lồ tràn qua biên giới, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã thực hiện xong lời cam kết của Donald Trump khi tranh cử, ông cho xây dựng hàng rào lớn quanh biên giới ngăn người di cư.

Tại Áo, Chủ nhật tuần này, cử tri dự kiến sẽ bầu lên một lãnh đạo cực hữu đầu tiên của Đông Âu kể từ năm 1945, ông Norbert Hofer. Ứng viên đảng nước Áo Tự Do này tranh cử trên đường lối chặn đứng dòng nhập cư phi pháp, không giấy tờ và không thể kiểm soát, đồng thời tăng tính tự chủ của Áo khỏi các thể chế và lãnh đạo EU.

Không chỉ ở châu Âu, châu Mỹ Latin, nơi tư tưởng xã hội cánh tả luôn phổ biến trong hàng chục năm qua hiện đang trải nghiệm làn sóng thay đổi sang phía cánh hữu.

Người Argentia đã từ chối chính phủ theo đường lối dân chủ xã hội chủ nghĩa của cựu Tổng tống Cristina Fernandez de Kirchner mà đã lựa chọn lãnh đạo với đầu óc kinh doanh Mauricio Macri. Brazil cũng cách chức Tổng thống cánh tả Dilma Rousseff và thay thế bằng phó tổng thống bảo thủ Michel Temer.

Tại Venezuela, Tổng thống Nicolas Maduro theo đường lối xã hội đang phải đối đầu với biểu tình rộng khắp đòi ông từ chức trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế xã hội trầm trọng khắp đất nước. Lãnh đạo Bolivia trong nỗ lực quốc hữu hoá những ngành công nghiệp liên quan đến tài nguyên thiên nhiên gặp phản ứng mạnh mẽ và Tổng thống cánh tả của Ecuador Rafael Correa đang phải đối mặt với chỉ trích rằng ông sẽ tàn phá nền kinh tế đất nước giống như tại Venezuela.

Trọng Đức

Xem thêm: