Gần đây Sri Lanka đã tuyên bố phá sản, có phân tích cho rằng lý do chính khiến họ đi đến thảm cảnh là do rơi vào “bẫy nợ” Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Vision Times đã phỏng vấn Tiến sĩ Tạ Điền tại Trường Kinh doanh Aiken Đại học Nam Carolina về những vấn đề quanh sự kiện này.

Người dân Sri Lanka kéo dến dinh thự Tổng thống
Người dân Sri Lanka kéo đến dinh thự Tổng thống. (Ảnh chụp màn hình video)

“Vành đai và Con đường” của ĐCSTQ lại gây chú ý

Đất nước Sri Lanka hiện đang trải qua tình trạng hỗn loạn chính trị và xã hội chưa từng có do những khoản nợ khổng lồ không thể chi trả, khiến chính phủ nước này tuyên bố phá sản. Động thái một lần nữa khiến dư luận quốc tế tập trung vào “bẫy nợ” của ĐCSTQ từ sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Có thông tin cho rằng ĐCSTQ đã phản ứng mạnh mẽ và lên tiếng rằng “bẫy nợ” là thuyết âm mưu.

Tiến sĩ Tạ Điền chia sẻ: “Tất nhiên ĐCSTQ đã phản ứng mạnh mẽ trước cảnh trở thành mục tiêu chỉ trích của công luận thế giới. Chính sách kinh tế vươn ra thế giới của ĐCSTQ thông qua ‘Vành đai và Con đường’ đã gây ảnh hưởng nặng nề đối với nhiều nước châu Á, châu Âu và châu Phi, làm nhiều nước nhỏ hoặc đang phát triển phải gánh nặng nợ nần chồng chất, từ đó phải cho ĐCSTQ thuê những vùng đất rộng lớn trong thời gian dài để biến thành vựa lúa của ĐCSTQ, trong khi một số hải cảng quan trọng ở một số nước trở thành cảng quân sự của Trung Quốc. Việc bành trướng quân sự đó đã khiến thế giới bất an, làm trầm trọng thêm các nhân tố gây mất an ninh và bất ổn trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới. Do đó gần đây, tại hội nghị thượng đỉnh G7 Mỹ và châu Âu đã đưa ra kế hoạch trị giá 600 tỷ USD giúp đỡ các nước đang phát triển trong các dự án như xây dựng cơ sở hạ tầng để ngăn chặn các nước này bị phụ thuộc vào Trung Quốc. Động thái được suy đoán rõ ràng là nhằm vào ‘Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường’ của ĐCSTQ”.

NATO định vị lại Trung Quốc

Có thông tin tại hội nghị thượng đỉnh Madrid vào cuối tháng Sáu năm nay rằng NATO đã đưa ra khái niệm chiến lược mới lần đầu tiên nhấn mạnh ĐCSTQ đặt ra thách thức đối với các giá trị, lợi ích và an ninh của NATO.

Tiến sĩ Tạ Điền: “Tôi nghĩ rằng sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và Hiệp ước Warsaw tan rã, tức là sau sự tan rã của các chế độ cộng sản ở Đông Âu thuộc Liên Xô cũ, khi đó NATO nên sớm điều chỉnh lại hướng đi chiến lược. Bởi vốn dĩ mục đích chính của NATO là tấn công chủ nghĩa cộng sản toàn cầu mà lá cờ hàng đầu đó đã được ĐCSTQ tiếp quản. Do đó đáng lẽ từ 20 năm trước NATO phải đổi mục tiêu chiến lược chuyển sang đối đầu chính với ĐCSTQ. Tôi nghĩ NATO đã không đi đúng hướng khi họ vẫn lấy Nga làm mục tiêu. Vì vậy hệ quả đã xuất hiện tình hình bế tắc là cuộc chiến Nga-Ukraine hiện nay. Nếu họ sớm điều chỉnh phương hướng chiến lược theo hướng xác định rõ ĐCSTQ là kẻ thù lớn nhất và nguy hiểm nhất của thế giới tự do, thì họ đã biến NATO thành NATO châu Á sớm hơn, thậm chí trong trường hợp đó họ có thể liên kết với Nga để chống lại ĐCSTQ, nếu thế sẽ không xảy ra tình trạng xấu hổ khi NATO đẩy Nga thân ĐCSTQ khiến chúng liên kết với nhau để chống lại thế giới tự do gây tình trạng bế tắc hiện nay. Nhưng dù sao cách tiếp cận lần này của NATO đã thiết lập một hướng đi mới, khối này đã bắt đầu hiểu sâu hơn về mối đe dọa của ĐCSTQ. Tôi nghĩ tài liệu khái niệm chiến lược mới của NATO như một nguyên tắc chỉ đạo có triển vọng khả quan hạn chế bành trướng của ĐCSTQ dọc theo Vành đai và Con đường khi đẩy các nước liên quan vào vòng xoáy nợ nần, qua đó NATO sẽ giúp các nước này rời bỏ ĐCSTQ và quay sang phương Tây”.

NATO phiên bản châu Á nhằm ngăn chặn ĐCSTQ

Theo các nguồn tin, chỉ một ngày sau khi Hội nghị thượng đỉnh NATO đưa ra khái niệm chiến lược mới và định vị ĐCSTQ là “thách thức mang tính hệ thống” thì ngay hôm sau (ngày 7/1), ĐCSTQ đã khoe mẽ đặt hàng 292 máy bay chở khách Airbus A320NEO của châu Âu. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, đây là siêu đơn hàng lớn nhất trong lịch sử của các doanh nghiệp trung ương Trung Quốc. Đơn hàng khổng lồ này làm dấy lên chú ý vì hiện nay tần suất bay của các hãng hàng không Trung Quốc giảm mạnh, nhiều đường bay bị ngừng, các hãng hàng không trong tình trạng lỗ nặng. Có phân tích chỉ ra, mục đích của ĐCSTQ là lấy lòng châu Âu và thay đổi thái độ thù địch của NATO.

Tiến sĩ Tạ Điền cho rằng động thái của Bắc Kinh có thể khó đạt được: “Bởi vì NATO hiện đã bắt đầu có thái độ đối đầu với ĐCSTQ và sẽ ngày càng cảnh giác hơn về sự bành trướng của họ. Những thành kiến của châu Âu đối với ĐCSTQ trong chính sách kinh tế cũng như chuyển giao công nghệ sẽ khiến họ phải kiềm chế Trung Quốc từ vấn đề kinh tế cho đến công nghệ quân sự. Một điều rất quan trọng nữa là hội nghị thượng đỉnh G7 vừa qua đã lần đầu tiên trong lịch sử cho mời Nhật Bản, Hàn Quốc và các nhà lãnh đạo châu Á – Thái Bình Dương tham gia. Chúng ta biết rằng hiện nay, Nhật Bản đã bắt đầu trang bị vũ khí, họ đã biến tàu tấn công đổ bộ trực thăng thành tàu sân bay, còn Hàn Quốc thì triển khai nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa hơn. Là hai nền kinh tế quan trọng nhất ở châu Á, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng là những cường quốc quân sự tiềm năng, họ tham dự cuộc họp G7 với tư cách đại biểu không biểu quyết, rõ ràng cho thấy đã hình thành một NATO phiên bản châu Á, đồng nghĩa xu thế ngăn chặn ĐCSTQ chắc chắn sẽ được tăng cường. Ngoài ra chúng ta cũng biết rằng bất kể chiến tranh Nga-Ukraine kết thúc như thế nào thì sức mạnh của Nga cũng yếu hơn rất nhiều, như vậy ĐCSTQ sẽ càng lẻ loi trong con đường chống lại thế giới tự do”.

Tĩnh Nhữ phỏng vấn
(Nội dung trả lời phỏng vấn thể hiện góc nhìn riêng của cá nhân Tiến sĩ Tạ Điền.)