Bloomberg dẫn nguồn tin cho hay, các quan chức Bộ Công nghiệp Ý gần đây đã ám chỉ trong các cuộc trò chuyện riêng với các quan chức Đài Loan rằng trong bối cảnh Ý đang tìm cách hợp tác sản xuất và xuất khẩu chất bán dẫn với Đài Loan, Ý có thể rút khỏi sáng kiến ​​“Vành đai và Con đường” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

shutterstock 2044450280
Thủ tướng Ý Giorgia Meloni. (Ảnh: M.Cantile/Shutterstock)

Nguồn tin cho biết quyết định liên quan còn phụ thuộc vào Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, nhưng bà chưa công khai lập trường cuối cùng.

Ý là thành viên duy nhất của Nhóm 7 nước (G7) tham gia Sáng kiến ​​“Vành đai và Con đường” của ĐCSTQ, tuy Bản Ghi nhớ giữa hai bên từ thời Thủ tướng Giuseppe Conte ký vào đầu năm 2019 có rất ít ảnh hưởng thực tế, nhưng trong bối cảnh quan hệ căng thẳng giữa ĐCSTQ với Mỹ và các đồng minh phương Tây thì Bản Ghi nhớ đó vẫn có ý nghĩa biểu tượng cao đối với Bắc Kinh. Trừ khi Ý từ bỏ, nếu không thỏa thuận sẽ tự động gia hạn vào năm 2024.

Liberty Time (LTN) Đài Loan đưa tin, trong một cuộc phỏng vấn nhà phân tích chính trị, Francesco Sisci là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Luis ở Rome, cho biết rằng trên thực tế tại Ý đã không còn Sáng kiến ​​​​Vành đai và Con đường, Bản Ghi nhớ giữa Ý và Trung Quốc hoàn toàn vô nghĩa và đó là một thất bại cho cả hai bên, do có sự hiểu lầm lớn giữa hai bên nên không nên ký kết thỏa thuận này.

Bà Thủ tướng Meloni cùng với các quan chức từ Đảng Anh em Ý (Brothers of Italy) cực hữu của bà trước đây đã chỉ trích lập trường của ĐCSTQ đối với Đài Loan, tuy nhiên bà Meloni luôn né tránh nhắc vấn đề này kể từ khi bà trở thành thủ tướng liên minh vào cuối năm 2022, lý do vì Liên minh châu Âu (EU) trong quan hệ với Trung Quốc phải tìm cách cân bằng giữa lo ngại về an ninh và vấn đề lợi ích kinh tế. Đầu tháng này, vào phút chót nhóm nghị sĩ Ý đã phải hủy chuyến đi tới Đài Bắc.

Người phát ngôn của Bộ Công nghiệp Ý từ chối bình luận về vấn đề thông tin Ý có thể rút khỏi sáng kiến ​​“Vành đai và Con đường” này.

Tuy nhiên, thông tin chỉ ra động thái của Ý đối với Đài Loan cho thấy Ý sẵn sàng tăng cường quan hệ ngoại giao với Đài Loan – nơi có vị thế quan trọng trong cung cấp chất bán dẫn và các sản phẩm công nghệ cao khác, đặc biệt là Đài Loan mới mở một văn phòng đại diện thứ hai tại Milan gọi là “Văn phòng Đài Bắc tại Milan”.

Tờ Le Formiche của Ý đưa tin vào ngày 17/4 rằng Đài Loan mới thành lập ở Ý “Văn phòng Đài Bắc tại Milan”, dù tên gọi này dựa trên “Nguyên tắc một Trung Quốc” nên phải viết Đài Bắc thay vì Đài Loan; nhưng đối với Rome, việc đồng ý cho Đài Loan đặt bổ sung cơ quan nhà nước thứ hai cho thấy ý nghĩa quan trọng về sự ủng hộ của Ý đối với Đài Loan.

Đại diện Thái Doãn Trung (Y. C. Tsai) của Đài Loan tại Ý cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với CNA Đài Loan rằng Ý là đối tác thương mại lớn thứ ba của Đài Loan tại EU (sau Đức và Hà Lan). Trong năm qua, Đài Loan và Ý đã phát triển hợp tác đa dạng trong nhiều lĩnh vực, bao gồm ô tô, công nghệ thông tin, kiến ​​trúc, văn hóa và học thuật. Hơn nữa, năm ngoái Đài Loan đã có những thời điểm là trung tâm của các cuộc thảo luận tại quốc hội Ý.

Thông tin nhấn mạnh giá trị của “Văn phòng Đài Bắc tại Milan” là vô cùng quan trọng đối với Đài Loan, ngoài việc thúc đẩy thương mại còn có thể giúp Đài Loan thiết lập mối liên kết hiệu quả hơn với các nước khác. Động thái cho phép Đài Loan củng cố vị thế quốc tế, đồng thời khiến Đài Loan có được vị trí trung tâm cao hơn bằng cách xây dựng các mối quan hệ trên toàn thế giới.

Ngoài ra, việc thành lập “Văn phòng Đài Bắc tại Milan” sẽ giúp thúc đẩy quan hệ kinh tế và thương mại chặt chẽ hơn giữa Đài Loan và miền bắc nước Ý. Vào tháng 10 năm ngoái, hãng hàng không Đài Loan EVA Air cũng đã mở một đường bay thẳng mới giữa Đài Loan và Milan.

Trong tương lai “Văn phòng Đài Bắc tại Milan” sẽ cung cấp cho 8 vùng phía bắc nước Ý các dịch vụ như kinh doanh, tham quan, dịch vụ kiều bào và cứu trợ khẩn cấp cho kiều bào.