Hôm 22/9, tờ Epoch Times cho đăng bài viết của Tiến sĩ Trình Hiểu Nông (Cheng Xiaonong), nguyên trợ lý cho cựu Thủ tướng Trung Quốc Triệu Tử Dương, và hiện là một học giả về chính trị và kinh tế của Trung Quốc, sống tại bang New Jersey, trong đó phân tích những yếu tố quyết định chiến thắng trong chiến tranh thương mại Trung – Mỹ.

trump xi jinping 1

Theo tiến sỹ Trình, khi chiến tranh thương mại Trung – Mỹ leo thang, mức thuế quan mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc có thể được coi là “đèn đỏ” đối với hàng hóa do Trung Quốc sản xuất, chuyển hướng chuỗi cung ứng và mua sắm sang các nước khác. Khi một phần hàng nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc dừng lại, nó sẽ gây ra thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu với Trung Quốc là trung tâm.

Ngày 18/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế lên hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc theo 2 giai đoạn. Ngay lập tức, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo sẽ chống lại động thái này của ông Trump với mức thuế tương đương lên hàng hóa Mỹ. Đáp trả điều này, Nhà Trắng tuyên bố một khi Trung Quốc thực hiện các biện pháp đối phó này, Mỹ sẽ áp đặt thuế quan lên thêm 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc khác nữa.

Hiện cuộc chiến thương mại Trung Mỹ đã thực sự bắt đầu, vậy bên nào sẽ chiến thắng?

Theo ông Trình Hiểu Nông, người ta không thể xác định chiến thắng hay thất bại chỉ đơn giản là từ số tiền thuế quan, mà phải là từ cách thuế quan ảnh hưởng đến lưu lượng thương mại quốc tế như thế nào.

Bằng cách ‘bật đèn đỏ’ thuế quan, Mỹ có thể khiến cho luồng cung ứng từ Trung Quốc chuyển sang các nước khác, và Trung Quốc sẽ mất vị thế “công xưởng thế giới’ của mình mà họ được hưởng lợi kể từ đầu thế kỷ 21, tiến sỹ Trình nhận định.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đang đánh một trận sai lầm

Kể từ khi bắt đầu chiến tranh thương mại, các phương tiện truyền thông Trung Quốc thường mô tả cuộc đối đầu bằng những thuật ngữ quân sự, nói về thuế quan của Mỹ và thuế quan của Trung Quốc như “những viên đạn”, cứ y như thể bên nào áp đặt nhiều thuế quan hơn lên bên kia, sẽ chiến thắng chiến tranh thương mại. Nhưng so sánh này là rất sai lầm, tiến sỹ Trình nhận định.

Theo tiến sỹ Trình, thuế quan do Mỹ áp đặt, không loại bỏ các nhà nhập khẩu Mỹ. Thay vào đó, đó là một sự cảnh báo – giống như “đèn đỏ” – cho các các nhà nhập khẩu – rằng giá cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, sẽ tăng lên.

Một giải pháp đối với các nhà nhập khẩu, là sẽ chuyển chi phí đã bị tăng lên sang người tiêu dùng. Nhưng nếu giá hàng hóa nhập khẩu trở nên quá đắt đỏ, người tiêu dùng sẽ không sẵn lòng mua chúng. Một giải pháp khác là nhà nhập khẩu sẽ chịu những chi phí này. Điều này sẽ làm giảm đi lợi nhuận của họ. Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đại lục và các công ty Mỹ, những người đã phản đối những chính sách của Washington tin rằng việc tăng thuế sẽ buộc người tiêu dùng Mỹ phải mua hàng với giá tăng lên. Nói một cách khác, “những viên đạn” mà ông Trump “bắn vào Trung Quốc”, sẽ bật trở lại người tiêu dùng Mỹ. Nhưng trong thực tế, các nhà nhập khẩu không thể thực sự ép buộc người tiêu dùng Mỹ phải mua hàng, và các sản phẩm Trung Quốc không phải là sản phẩm duy nhất có trên thị trường Mỹ.

Sản phẩm Trung Quốc có thể thay thế

Trong nhiều năm qua, các chuỗi bán lẻ khổng lồ, các nhà nhập khẩu Mỹ đã và đang mua số lượng lớn nhu yếu phẩm giá rẻ từ Trung Quốc, chẳng hạn như quần áo, giày dép, đồ chơi trẻ em, đồ dùng gia đình, và đồ dùng văn phòng và những thứ tương tự. Đây là những sản phẩm chính bị ảnh hưởng bởi thuế quan. Tuy nhiên, theo tiễn sỹ Trình, việc lo ngại rằng người tiêu dùng Mỹ sẽ phải chịu đựng vì chi phí hàng hóa tăng từ Trung Quốc là không có căn cứ.

Hãy lấy các sản phẩm quần áo và nội thất làm ví dụ. Hơn 10 năm trước, các cửa hàng quần áo và các trung tâm thương mại của Mỹ có đầy đủ các sản phẩm của Trung Quốc. Thật khó để tìm thấy bất cứ sản phẩm gì không phải do Trung Quốc sản xuất.

Tuy nhiên, vì chi phí cho những sản phẩm quần áo và nội thất của Trung Quốc tăng lên, các nhà nhập khẩu Mỹ thấy lợi nhuận của mình giảm đi, họ sẽ dần dần dịch chuyển việc mua hàng sang khu vực Nam Á hoặc Đông Nam Á. Thị trường Mỹ ngày càng xuất hiện nhiều hơn sản phẩm quần áo  đến từ các quốc gia như Ấn Độ, Sri Lanka, Indonesia, Bangladesh, Việt Nam hoặc Malaysia. Giá hàng hóa đã tăng nhẹ, và mẫu mã có thể đã thay đổi, nhưng nó không ảnh hưởng đến người tiêu dùng Mỹ. Sự thay đổi thị trường nhập khẩu này bắt đầu từ nhiều năm trước khi cuộc chiến tranh thương mại Trung – Mỹ nổ ra vào mùa xuân này.

Từ ví dụ trên có thể thấy rằng sản phẩm từ các nhà sản xuất Trung Quốc là hàng tiêu dùng, đồ dùng gia đình, vật tư văn phòng và đồ kim khí, không phải là không thay thế được. Trên thực tế, ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm chất lượng thấp và rẻ tiền của Trung Quốc phải đối mặt với sự cạnh tranh từ nhiều nước trên thế giới.

Không khó để thiết lập các chuỗi cung ứng tương tự ở Nam Á hay Đông Nam Á, hoặc đào tạo nhân viên ở đó, vì việc chuyển giao thành công chuỗi cung ứng quần áo từ Trung Quốc sang các nước này, đã chứng minh điều đó.

Dừng ở ‘Đèn đỏ’

Tại phiên điều trần về việc tăng thuế đối với các sản phẩm Trung Quốc do Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) tổ chức, nhiều công ty Mỹ đã phản đối mạnh mẽ, lập luận rằng các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc có sự cân bằng lý tưởng giữa giá cả và chất lượng, và việc tăng thuế sẽ chuyển gánh nặng sang người tiêu dùng. Tại phiên điều trần, đại diện chính phủ Mỹ đặt câu hỏi liệu các công ty Mỹ có thể đặt hàng với các nhà sản xuất ở các nước khác Trung Quốc, nhưng đại diện các doanh nghiệp đã phủ nhận khả năng này.

Tuy nhiên theo tiến sỹ Trình, yêu cầu đó của chính phủ Mỹ là hợp lý, đòi hỏi các doanh nghiệp phải kiên nhẫn, dừng gây áp lực lên chính phủ. Ngành may mặc của Mỹ đã hoàn thành việc chuyển đổi chuỗi cung ứng, vậy tại sao các công ty trong các lĩnh vực khác lại không thể làm được?

Vấn đề không phải là chuỗi cung ứng không thể thay đổi được, mà việc làm như vậy sẽ gây bất tiện cho các nhà nhập khẩu, mặc dù họ không muốn thừa nhận điều này. Các công ty này từ lâu đã dựa vào ngành sản xuất của Trung Quốc, và quen thuộc với các nhà cung cấp Trung Quốc, giúp họ tiết kiệm rất nhiều rắc rối khi kinh doanh. Họ không muốn dành thêm thời gian và tiền bạc để tìm kiếm các chuỗi cung ứng mới.

Tuy nhiên, không có nhà nhập khẩu nào ở Mỹ có độc quyền trong kinh doanh. Nếu một số công ty này bắt đầu tìm kiếm các nhà sản xuất để cung cấp chuỗi cung ứng ổn định ở các nước khác ngoài Trung Quốc, thì các công ty này sẽ sớm thống trị thị trường Mỹ, với giá thấp hơn. Do đó, các nhà nhập khẩu lười biếng sẽ bị buộc phải làm như vậy, hoặc phải đối mặt với sự cạnh tranh tàn khốc.

Nếu một số công ty Mỹ cứ khăng khăng đòi sử dụng các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc, họ không những sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các công ty Mỹ khác có chuỗi cung ứng của mình ở các quốc gia khác ngoài Trung Quốc, mà còn phải cạnh tranh với các công ty Trung Quốc.

Để duy trì thị trường Mỹ và lẩn tránh thuế quan của Washington, một số công ty Trung Quốc đã bắt đầu chuyển giao sản xuất sang các nước Đông Nam Á và các nơi khác. Áp lực tăng gấp đôi sẽ buộc các nhà nhập khẩu Mỹ phải thay đổi đơn đặt hàng, và điều chỉnh chuỗi cung ứng.

Một số sản phẩm thường dùng như văn phòng phẩm và đồ kim khí thậm chí không phải sản xuất ở nước ngoài nữa. Nhiều công ty Mỹ đã từng sản xuất những hàng hóa này, nhưng đã bị loại khỏi thị trường do làn sóng toàn cầu hóa mang hàng hóa giá rẻ tới Mỹ. Nhưng khi khoảng cách giá giữa sản xuất của Mỹ và Trung Quốc thu hẹp lại, mức thuế 25% tăng thêm sẽ cho phép các nhà sản xuất Mỹ có cơ hội cạnh tranh. Điều này sẽ giúp khôi phục lại ngành công nghiệp Mỹ, và giảm tỷ lệ thất nghiệp. Đó là một trong những lý do tại sao Tổng thống Trump đã bắt đầu cuộc chiến thương mại.

Khi thuế quan của Washington áp lên Trung Quốc, bật ‘đèn đỏ’ đối với các công ty thương mại, luồng hàng hóa nhập khẩu sẽ “đi vòng” từ Trung Quốc sang các nước khác. Trong vòng một vài năm, khi một phần của dòng hàng nhập khẩu của Mỹ rời Trung Quốc, một phần của chuỗi công nghiệp lấy Trung Quốc làm trung tâm, được hình thành trong quá trình toàn cầu hóa kinh tế trong thế kỷ này, cũng sẽ được chuyển sang các nước khác.

Tiến sỹ Trình cho rằng quan niệm Trung Quốc là công xưởng của thế giới, được tồn tại trong một thời gian ngắn, sẽ sớm được thay thế bởi các quốc gia khác của châu Á. Một hệ quả của điều này là việc kho dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm đi, song song với sự sụt giảm trong xuất khẩu, chính quyền Trung Quốc có thể được dự kiến sẽ thắt chặt kiểm soát hơn về ngoại hối.

Duy Minh

Xem thêm: