Theo công an Hà Nội, 10/31 Trung tâm Đăng kiểm nhận hối lộ để bỏ qua các lỗi phổ biến cho phương tiện đến đăng kiểm, với tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng.

trung tam dang kiem ha noi 1
Nhiều tài xế phải xếp hàng dài tại các Trung tâm Đăng kiểm. (Ảnh: vov.vn)

Tại buổi họp báo chiều ngày 14/1, ông Chu An Thanh, Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng và buôn lậu (PC03), Công an TP. Hà Nội, đã cung cấp thông tin về sai phạm tại các Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới tại Hà Nội.

Theo ông Thanh, PC03 đã rà soát và xác định tại Hà Nội có 31 Trung tâm Đăng kiểm, trong đó có 6 trung tâm do Cục Đăng kiểm Việt Nam (thuộc Bộ Giao thông Vận tải) quản lý; 2 trung tâm do Sở Giao thông Vận tải Hà Nội quản lý; 3 trung tâm do Tổng công ty Vận tải Hà Nội quản lý; còn lại là của tư nhân.

Cơ quan công an xác định có 10 trung tâm có sai phạm gồm: 2 Trung tâm do Cục Đăng kiểm quản lý (29-01V, 29-06V), 2 Trung tâm Sở Giao thông vận tải Hà Nội quản lý (33-01S, 33-02S); 1 Trung tâm do Tổng Công ty vận tải Hà Nội quản lý (29-03S) và 5 Trung tâm Đăng kiểm tư nhân, xã hội hóa (29-14D, 29-18D, 29-23D, 29-29D, 29-01S).

Ông Thanh cho hay các sai phạm phổ biến ở các Trung tâm Đăng kiểm trên là nhận hối lộ từ 100.000 – 1,5 triệu đồng để bỏ qua các lỗi phổ biến cho phương tiện đến đăng kiểm như: hệ thống phanh, tiêu chuẩn khí thải, đèn, trọng tải, phụ tùng đối với phương tiện vận tải không đạt tiêu chuẩn, lốp; đặc biệt là các phương tiện hoán cải trong công đoạn kiểm tra thủ công; nhập biển số xe, gắn cảm biến và tiến hành đo nồng độ khí thải của xe ô tô khác để cho xe ô tô thực tế đăng kiểm đảm bảo đủ tiêu chuẩn về khí thải và được thông qua kiểm định.

Bên cạnh đó, một số Trung tâm Đăng kiểm sử dụng phần mềm để can thiệp vào hệ thống chỉnh sửa vòng tua, thay đổi thông số kiểm định khí thải đối với các phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn về khí thải; sử dụng phần mềm chỉnh sửa ảnh trên máy tính để hạ chiều cao thành thùng xe tải.

“Bước đầu, lực lượng chức năng xác định các Trung tâm Đăng kiểm đều nhận nhiều tỷ đồng để bỏ qua lỗi vi phạm phương tiện, tổng số tiền của 10 trung tâm thu lời bất chính khoảng hơn 20 tỷ đồng”, ông Thanh nói.

Đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố 4 vụ án và 18 bị can để làm rõ tội “Nhận hối lộ”; khởi tố 5 vụ việc khác và tạm giữ 57 bị can. Trong 9 vụ án có nhiều người là giám đốc, phó giám đốc và nhân viên của Trung tâm Đăng kiểm.

Từ đầu tháng 1/2023 đến nay, các Trung tâm Đăng kiểm của Hà Nội luôn trong tình trạng quá tải.

Nhiều tài xế đến đăng kiểm phải xếp hàng dài trong nhiều tiếng đồng hồ; có người phải đợi tới 2-3 ngày, thậm chí là tới 5 ngày nhưng vẫn chưa xong. Một số lái xe cho hay trước đây cho tiền 200.000 đồng làm “nhanh như tên lửa” nhưng bây giờ để tiền cũng ai chẳng dám lấy, theo VOV. Nhiều nhân viên tại các Trung tâm Đăng kiểm cũng phải làm việc hết công suất.

Điều này đã khiến cho các chủ xe cơ giới bức xúc vì phải mất quá nhiều thời gian phải chờ đợi, chưa kể đến việc các phương tiện cơ giới xếp hàng dài tại các lề đường các khu vực xung quanh các Trung tâm Đăng kiểm đã ảnh hưởng đến giao thông tại các khu vực trên.

Nói với báo chí nhà nước hôm 13/1 về bê bối ngành đăng kiểm, ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng sự việc xảy ra như “cơn bão sóng thần” để lại hậu quả đau đớn, xoá đi bao nhiêu công sức của nhiều người xây dựng từ mấy chục năm qua.

Ông An cũng nói “chúng tôi nhận hết trách nhiệm về mình” nhưng lại cho rằng “tâm lý từ xa xưa truyền thống lâu nay, người dân đi đăng kiểm chỉ mong muốn được đăng kiểm nhanh, thậm chí có lỗi nhưng vẫn muốn được đăng kiểm rồi phát sinh việc ‘hối lộ’ làm phát sinh lòng tham với nhân viên đăng kiểm”.

Minh Long