Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, qua xét nghiệm sàng lọc 123 mẫu tại Bệnh viện K (cơ sở 3 -Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội), đã phát hiện 10 mẫu dương tính với virus Vũ Hán (nCoV).

K3 tan trieu covid 19
Bệnh viện K (cơ sở 3 -Tân Triều – Hà Nội) đã phong tỏa từ sáng nay, sau khi 10 ca dương tính COVID-19 đã được phát hiện trong đợt xét nghiệm sàng lọc. (Ảnh cắt từ clip/CTV/Trí thức VN)

Sau ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, từ ngày 6/5, Bệnh viện K bắt đầu làm xét nghiệm PCR chủ động cho hơn 1.900 nhân viên của bệnh viện này.

123 mẫu được xét nghiệm sàng lọc đối với bệnh nhân, người nhà và nhân viên y tế của Khoa Ngoại gan mật Bệnh viện K cơ sở 3 Tân Triều vào tối 6/5, cho ra 10 mẫu dương tính (gồm 6 bệnh nhân và 4 người nhà).

Sáng 7/5, ông Lê Văn Quảng – Giám đốc Bệnh viện K đã ra quyết định tạm thời phong tỏa tại 3 cơ sở Bệnh viện K để ngừa dịch lây lan, gồm:

  • Cơ sở 1: Số 43 Quán Sứ, Hoàn Kiếm, Hà Nội (đang sửa chữa) và số 9A-9B Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
  • Cơ sở 2: Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội.
  • Cơ sở 3: Số 30 đường Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội

Thời gian phong tỏa từ 5h30 sáng 7/5; các nhân viên y tế, người lao động, người bệnh và người nhà người bệnh sẽ cách ly y tế tại bệnh viện; cả 3 cơ sở tạm thời không tiếp nhận bệnh nhân.

Đây là bệnh viện thứ 2 tại Hà Nội đã áp dụng phong tỏa sau khi ghi nhận nhiều ca mắc, nghi mắc COVID-19. Hiện ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã có trên 50 ca mắc tại 15 tỉnh thành tính đến ngày 6/5, phong tỏa từ 8h ngày 5/5 và thông báo khẩn tìm tất cả bệnh nhân, người nhà, người dân đã đến cơ sở Đông Anh từ ngày 14/4 đến ngày 4/5.

Bộ Y tế: Nhân viên y tế không được đến quán karaoke, bar, công viên, tiệc buffet…

Cùng trong sáng 7/5, Bộ Y tế Việt Nam nâng một cấp kiểm soát đối với các cơ sở điều trị, nhân viên y tế.

Bộ này yêu cầu các bệnh viện định kỳ xét nghiệm COVID-19 ngẫu nhiên cho nhân viên y tế ở các khoa, phòng có nguy cơ cao; Định kỳ xét nghiệm nhân viên làm việc ở khu vực sàng lọc, phân luồng, cách ly, cho người bệnh ở một số khoa, phòng có nguy cơ cao hoặc những người bệnh nặng, gồm người bệnh tại khoa cấp cứu, hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực, truyền nhiễm…

Về kê đơn thuốc: Với người bệnh mắc bệnh mạn tính, đã điều trị ổn định, thực hiện khám bệnh, kê đơn thuốc điều trị ngoại trú từ 1-3 tháng; đảm bảo cung cấp đủ thuốc bảo hiểm y tế cho người bệnh theo kê đơn thuốc cho đến lịch tái khám dự kiến tiếp theo.

Hạn chế chuyển tuyến: Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ chuyển bệnh nhân tới bệnh viện tuyến cuối khi có diễn biến nặng vượt quá năng lực kỹ thuật của bệnh viện. Thông báo và thống nhất với bệnh viện tuyến cuối việc chuyển người bệnh đến trước khi chuyển tuyến.

Các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 khi cho bệnh nhân COVID-19 xuất viện phải thông báo cho Sở Y tế các tỉnh, thành phố nơi người bệnh cư trú để tiếp tục tổ chức quản lý, cách ly, theo dõi, xét nghiệm người bệnh, người nhà người bệnh theo quy định hiện hành.

Giám đốc các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh chịu trách nhiệm quản lý, yêu cầu toàn bộ nhân viên nâng cao ý thức phòng ngừa dịch bệnh COVID-19, thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K, các biện pháp phòng hộ cá nhân, không đến các địa điểm có nguy cơ cao lây nhiễm như ăn tiệc buffet, đến công viên giải trí, đến rạp chiếu phim, đến quán bar, karaoke…

Nguyễn Quân

Xem thêm:

Hà Nội thêm 3 ca dương tính nCoV từ ổ dịch bệnh viện và chuyên gia Trung Quốc