Từ các đơn cầu cứu của người dân, 25 nghi can trong 10 nhóm “tín dụng đen” hoạt động liên tỉnh vừa bị Công an tỉnh Bình Phước phối hợp các tỉnh bắt giữ. Bước đầu, số lãi suất được khai báo từ 365%/năm đến 1.460%/năm, thu lợi bất chính 3,2 tỷ đồng.

10 nhom tin dung den goc thanh hoa hai phong cho vay voi lai suat tu 365 1 460 nam
Lê Văn Tài (SN 2000, thường trú huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) bị Công an tỉnh Bình Phước lấy lời khai về hành vi cho vay nặng lãi. (Ảnh: baobinhphuoc.com.vn)

Ngày 12/10, Công an tỉnh Bình Phước cho biết đã bắt giữ 25 nghi can để điều tra về hành vi Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự quy định tại Điều 201 Bộ luật hình sự 2015.

Trước đó, cơ quan công an nhận được đơn cầu cứu của nhiều người dân về việc bị các nhóm “tín dụng đen” liên tục chửi bới, đe dọa đánh đập, khủng bố tinh thần buộc phải trả các khoản vay với mức lãi suất “cắt cổ”. Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Bình Phước tiến hành điều tra, qua đó phát hiện có hàng chục nhóm cho vay nặng lãi hoạt động tại nhiều huyện ở tỉnh Bình Phước và các tỉnh khác.

Từ ngày 21/9 đến 9/10, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Bình Phước phối hợp Công an TP. Đồng Xoài, Công an huyện Chơn Thành, Công an huyện Đồng Phú và Công an các tỉnh Thanh Hóa, Đắk Nông, Lâm Đồng, tổ chức bắt giữ 25 nghi can trong 10 nhóm tín dụng đen. Hầu hết các nghi can trên có hộ khẩu thường trú ở tỉnh Thanh Hóa và TP. Hải Phòng.

Qua điều tra xét hỏi, những người này khai nhận chủ yếu cho vay bằng 2 hình thức là trả góp và cho vay tiền đứng. Trong đó, các nhóm cho vay trả góp số tiền từ 2 triệu đến 50 triệu đồng, trả góp trong 21 đến 30 ngày với lãi suất từ 365%/năm đến 1.460%/năm và thu thêm phí trái pháp luật số tiền bằng một ngày trả góp. Đối với hình thức vay đứng, người vay phải trả tiền lãi 5 ngày/lần với lãi suất khoảng 365%/năm, hết thời hạn vay mới trả gốc, người vay cũng bị thu thêm phí từ 5 – 10% số tiền vay.

Khi cho vay, các nhóm này thường giữ các giấy tờ của người vay như căn cước công dân, giấy phép lái xe, hộ khẩu thường trú, giấy đăng ký kết hôn. Khi người vay không có tiền trả lãi, gốc hay trả chậm thì chúng gọi điện hăm dọa, theo dõi, tới nơi làm việc hoặc nhà riêng gây ồn ào, dùng vũ lực, hung khí đe dọa sẽ đánh đập, tuyên bố đã “lo lót” cho công an để người vay sợ hãi, không dám trình báo công an.

Cơ quan công an xác định tổng cộng 584 người đã vay gần 9,4 tỷ đồng của 10 nhóm tín dụng trên, với 1.752 lượt vay (hiện phía công an đã làm việc, đối chiếu được với 86 người vay). Tổng số tiền các nhóm này thu lợi bất chính là hơn 3,2 tỷ đồng.

Tính đến ngày 12/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước đã ra quyết định khởi tố 8 vụ án, khởi tố bị can 17 người để điều tra về hành vi Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, trong đó 15 người đã bị tạm giam, 2 người được tại ngoại.

Ngoài ra, 1 người đang bị củng cố hồ sơ để khởi tố; 5 người đang bị điều tra để chứng minh là đồng phạm; 2 người bị lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính.

Bảo Khánh