Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 221 xã, 52 huyện của 17 tỉnh, thành phố.

ta lon chau phi 1
17 tỉnh thành xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. (Ảnh: nongnghiep)

Ngày 14/3, Bộ NN&PTNT đã họp khẩn để bàn giải pháp khống chế và ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan.

Theo báo cáo từ Cục thú y, từ ngày 1/2-14/3 (cập nhật đến 9h), bệnh dịch đã xảy ra tại 221 xã, 52 huyện của 17 tỉnh, thành phố gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La và Nghệ An, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 23.442 con.

Tính đến ngày 12/3, Cục Thú y đã tổ chức lấy tổng cộng 2.929 mẫu giám sát, dương tính 1.310 mẫu; trong đó mẫu lấy từ các hộ có lợn bị bệnh là 1.881 mẫu (dương tính 1.299 mẫu), mẫu giám sát tại các hộ xung quanh hộ có lợn bị bệnh là 1.048 mẫu (dương tính 11 mẫu).

Tại buổi họp, ông Phạm Văn Đông – Cục trưởng Cục Thú y cho biết bệnh dịch tả lợn châu Phi chủ yếu xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh và an toàn sinh học không tốt; chưa xuất hiện dịch tả lợn châu Phi tại các trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn (đàn lớn nhất là 587 con đã buộc phải tiêu hủy tại TP. Hải Phòng). Nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi tiếp tục được phát hiện ở nhiều địa phương khác trong thời gian tới là rất cao.

Còn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay bệnh dịch tả lợn châu Phi với con đường lan truyền phức tạp nên khó kiểm soát một cách triệt để. Trong khi bệnh này hiện không có vắc xin phòng bệnh hay thuốc điều trị nên chỉ có phương án giải quyết bằng an toàn sinh học.

Bộ trưởng lưu ý 3 khu vực trọng điểm có nguy cơ phải đối mặt với bệnh trong thời gian tới là: vùng Đồng bằng sông Hồng với số lợn bệnh hiện đang ở mức cao nhất, miền núi phía Bắc với địa hình phức tạp, các tỉnh miền Nam với hệ thống sông nước dày đặc.

Để phòng chống dịch, Bộ trưởng Cường yêu cầu đối với các hộ chăn nuôi nhỏ, cần lấy nhóm giải pháp xử lý an toàn sinh học bằng vôi bột đặt lên hàng đầu, xử lý môi trường triệt để ngay từ hộ chăn nuôi. Ngoài ra, cần phải xử lý thức ăn nuôi lợn bằng phương pháp xử lý nhiệt. Xử lý an toàn sinh học ngay cả người chăn nuôi ngay sau khi di chuyển từ vùng có dịch về. Đối với các trang trại lớn, cần yêu cầu áp dụng khẩn các biện pháp an toàn sinh học.

Về các quy trình xử lý dịch, Bộ trưởng đề nghị hoàn thiện bổ sung đầy đủ, xem xét cân nhắc việc lấy mẫu xét nghiệm phù hợp, theo đúng tỷ lệ lợn mắc bệnh và không mắc bệnh, tránh tình trạng quá tải phòng xét nghiệm.

Ngoài ra, cần kiểm soát quá trình luân chuyển đàn lợn, từ phương tiện, người vận chuyển, biện pháp thú y hành chính, biện pháp lấy mẫu phân tích dịch bệnh, đặc biệt lưu ý các chốt trạm luân chuyển giữa các vùng, các tỉnh.

Hà Nội có 6 quận, huyện xảy ra dịch

Chi cục Thú y Chăn nuôi cho biết trong ngày 13/3, Hà Nội đã phát hiện thêm 1 ổ dịch tả lợn châu Phi tại hộ gia đình ông Nguyễn Hoàng Anh ở thôn Yên Trung (xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai).

Trước đó, sáng ngày 12/3, tại xã Phượng Cách cũng nhận được thông tin có 3 hộ chăn nuôi có lợn ốm bệnh, cùng các triệu chứng lâm sàng của bệnh dịch tả lợn châu Phi. Sau khi lấy mẫu xét nghiệm, kết quả cho thấy các mẫu đều dương tính với dịch tả lợn châu Phi.

Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, UBND huyện Quốc Oai đã yêu cầu UBND 2 xã Yên Sơn và Phượng Cách phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tiêu hủy số lợn tại 4 hộ chăn nuôi có lợn ốm.

Trong đó, hộ gia đình ông Nguyễn Hoàng Anh, thôn Trung Sơn, xã Yên Sơn 120 con, tổng trọng lượng là 6.887kg. Tổng trọng lượng lợn của xã Phượng Cách buộc phải tiêu hủy là 2.556kg.

Như vậy, tính tới thời điểm này, tại Hà Nội đã có 6 quận, huyện phát hiện dịch tả lợn châu Phi, gồm Long Biên, Gia Lâm, Hoàng Mai, Sóc Sơn, Đông Anh và Quốc Oai. Tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là hơn 400 con.

Nghệ An phát hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên

Ông Đặng Văn Minh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y Nghệ An ổ dịch tả lợn châu Phi được phát hiện tại hộ gia đình ông Hoàng Văn Lan, trú tại xóm 7 (xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu).

Ban đầu trong tổng đàn của ông Lan có 2 lợn nái và một số lợn con có dấu hiệu khác thường, sau đó 1 con nái bị chết. Ngày 12/3 Phòng NN&PTNT, Trạm thú y huyện Quỳnh Lưu đã phối hợp cùng Chi cục Chăn nuôi – Thú y Nghệ An đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm.

Kết quả xác định mẫu vật dương tính với virus dịch tả, đơn vị chức năng đã tiến hành tiêu hủy tổng cộng 2 con lợn nái và 20 lợn con nhằm tránh nguy cơ để lây lan ra các hộ nuôi xung quanh.

Hoàng Minh

Xem thêm: