Bắc Ninh là địa phương mới nhất (địa phương thứ 18) xuất hiện dịch tả lợn châu Phi.

ta lon chau phi bac ninh
Đoàn công tác Bộ NN&PTNT kiểm tra thị sát ổ dịch tả lợn Châu Phi tại Quế Võ. (Ảnh: Đài PT-TH Bắc Ninh)

Ngày 16/3, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Đại xác nhận tỉnh Bắc Ninh vừa xuất hiện 2 ổ dịch tả heo châu Phi tại xã Tam Đa (huyện Yên Phong) và xã Đại Xuân (huyện Quế Võ).

Trong 2 ngày 13, 14/3, ổ dịch lợn tả châu phi được xác định tại hộ 1 hộ dân thuộc thôn Công Cối (xã Đại Xuân, Quế Võ) và 2 hộ thuộc thôn Đại Lâm (xã Tam Đa, Yên Phong) với tổng đàn lợn của các hộ chăn nuôi là 94 con.

Sau khi có kết quả dương tính với virus bệnh tả, các cơ quan chức năng của địa phương đã tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn lợn, thực hiện các biện pháp khoanh vùng ổ dịch, hướng dẫn các hộ có dịch thực hiện tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi và khu vực xung quanh bằng vôi bột và hóa chất thường xuyên.

Trước đó, theo báo cáo của Cục Thú y tại buổi họp của Bộ NN&PTNT, từ ngày 1/2-14/3 (cập nhật đến 9h), bệnh dịch đã xảy ra tại 221 xã, 52 huyện của 17 tỉnh, thành phố gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La và Nghệ An, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 23.442 con.

Tính đến ngày 12/3, Cục Thú y đã tổ chức lấy tổng cộng 2.929 mẫu giám sát, dương tính 1.310 mẫu; trong đó mẫu lấy từ các hộ có lợn bị bệnh là 1.881 mẫu (dương tính 1.299 mẫu), mẫu giám sát tại các hộ xung quanh hộ có lợn bị bệnh là 1.048 mẫu (dương tính 11 mẫu).

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay bệnh dịch tả lợn châu Phi với con đường lan truyền phức tạp nên khó kiểm soát một cách triệt để. Trong khi bệnh này hiện không có vắc xin phòng bệnh hay thuốc điều trị nên chỉ có phương án giải quyết bằng an toàn sinh học.

Bộ trưởng lưu ý 3 khu vực trọng điểm có nguy cơ phải đối mặt với bệnh trong thời gian tới là: vùng Đồng bằng sông Hồng với số lợn bệnh hiện đang ở mức cao nhất, miền núi phía Bắc với địa hình phức tạp, các tỉnh miền Nam với hệ thống sông nước dày đặc.

Để phòng chống dịch, Bộ trưởng Cường yêu cầu đối với các hộ chăn nuôi nhỏ, cần lấy nhóm giải pháp xử lý an toàn sinh học bằng vôi bột đặt lên hàng đầu, xử lý môi trường triệt để ngay từ hộ chăn nuôi. Ngoài ra, cần phải xử lý thức ăn nuôi lợn bằng phương pháp xử lý nhiệt. Xử lý an toàn sinh học ngay cả người chăn nuôi ngay sau khi di chuyển từ vùng có dịch về. Đối với các trang trại lớn, cần yêu cầu áp dụng khẩn các biện pháp an toàn sinh học.

Về các quy trình xử lý dịch, Bộ trưởng đề nghị hoàn thiện bổ sung đầy đủ, xem xét cân nhắc việc lấy mẫu xét nghiệm phù hợp, theo đúng tỷ lệ lợn mắc bệnh và không mắc bệnh, tránh tình trạng quá tải phòng xét nghiệm.

Ngoài ra, cần kiểm soát quá trình luân chuyển đàn lợn, từ phương tiện, người vận chuyển, biện pháp thú y hành chính, biện pháp lấy mẫu phân tích dịch bệnh, đặc biệt lưu ý các chốt trạm luân chuyển giữa các vùng, các tỉnh.

Hoàng Minh

Xem thêm: