Theo kết quả điều tra, lực lượng lao động phi chính thức (làm việc mùa vụ, tự do, ngắn hạn) tăng từ 16,8 triệu người năm 2014 lên 18 triệu người năm 2016 (chiếm 57% tổng số lao động).

lao dong phi chinh thuc 2
18 triệu lao động phi chính thức đối diện với cuộc sống bấp bênh. (Ảnh: Thành Đô)

Ngày 4/10, lần đầu tiên Tổng cục Thống kê công bố khảo sát về lao động phi chính thức.

Báo cáo lao động làm việc phi chính thức lần đầu tiên sử dụng khung phân loại lao động phi chính thức theo tài liệu hướng dẫn của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) để ước lượng quy mô và cơ cấu lao động việc làm phi chính thức ở Việt Nam trên cơ sở dữ liệu Điều tra lao động việc làm do Tổng cục Thống kê thực hiện.

Lao động phi chính thức bao gồm nhiều đối tượng có vị thế việc làm khác nhau như: lao động tự làm, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh, lao động gia đình không hưởng lương và người làm công ăn lương.

Bà Nguyễn Thị Xuân Mai – Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) cho hay cuộc điều tra lao động việc làm là cuộc điều tra mẫu do Tổng cục Thống kê thực hiện điều tra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với quy mô khoảng 20.000 hộ/tháng, tương ứng cả năm khoảng 240.000 hộ.

Theo báo cáo được công bố, lực lượng lao động phi chính thức (làm việc mùa vụ, tự do, ngắn hạn) tăng từ 16,8 triệu người năm 2014 lên 18 triệu người năm 2016 (chiếm 57% tổng số lao động).

Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong khu vực lao động phi chính thức chỉ chiếm 14,8%. Khoảng 70% lao động làm trong các ngành nghề: chế biến, chế tạo, xây dựng và bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô xe máy, dịch vụ lưu trú và ăn uống.

Hầu hết lao động phi chính thức không được đóng bảo hiểm xã hội (chiếm 97%); 19% đóng bảo hiểm tự nguyện.

Theo thống kê, lao động phi chính thức có mức lương bình quân là 4,44 triệu đồng/tháng, bằng 58% tiền lương bình quân của lao động chính thức (khoảng 6,7 triệu đồng/tháng).

76% lao động phi chính thức làm việc mà không có bất cứ một hợp đồng lao động nào bằng văn bản liên quan đến công việc đang làm. Trong đó, 62% lao động phi chính thức chỉ thỏa thuận miệng với chủ lao động, 14% không có bất cứ một thỏa thuận nào. Người lao động phi chính thức luôn ở trong tình trạng không bảo đảm về việc làm.

Ông Chang Hee Lee – Trưởng đại diện Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho hay Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ lao động phi chính thức tương đối cao trong khu vực. Đây là thách thức chung đối với các quốc gia đang phát triển. Để giảm bớt lao động phi chính thức, cần thúc đẩy việc làm chính thức thông qua việc đưa lao động vào làm tại các công ty, có ký kết hợp đồng, lao động được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế,…

Hải Anh

Xem thêm: