Với ít nhất 60 triệu liều vắc-xin COVID-19 đã được cam kết cung cấp trong năm 2021, Bộ Y tế Việt Nam cho biết vẫn đang tìm nguồn vắc-xin khi dự kiến cần tới 150 triệu liều. Theo công bố, hơn 600.000 nhân viên y tế và những người tham gia phòng dịch sẽ là nhóm đầu tiên tiêm vắc-xin trong quý 1. 

Vac xin Oxford AstraZeneca it phat huy hieu qua voi bien the Nam Phi 1
Việt Nam sẽ sử dụng vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca cho các kế hoạch tiêm cộng đồng. (Ảnh minh họa: rawf8/Shutterstock)

Công bố thông tin hôm 19/2, Bộ trưởng Bộ Y tế – ông Nguyễn Thành Long cho biết trong năm 2021, Việt Nam sẽ có ít nhất 60 triệu liều vắc-xin Astrazeneca, gồm 30 triệu liều do Công ty AstraZeneca cam kết cung cấp và 30 triệu liều cung cấp thông qua Chương trình COVAX Facility (tháng 12/2020, AstraZeneca ký kết thỏa thuận mua trước với Liên minh Vắc-xin (GAVI), cung cấp 170 triệu liều COVID-19 vắc-xin AstraZeneca cho chương trình COVAX toàn cầu (COVAX Facility) để hỗ trợ vắc-xin cho 190 quốc gia, trong đó có Việt Nam).

Ông Long cho biết Bộ Y tế đang tiếp tục đàm phán với các công ty khác, một số nước khác để có thêm vắc-xin khi dự kiến Việt Nam cần 150 triệu liều mới tiêm đủ số lượng.

Với văn bản hướng dẫn do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên vừa ký ban hành, Bộ Y tế  công bố 11 nhóm người sẽ tiêm đầu tiên từ nguồn vắc-xin do COVAX Facility hỗ trợ, gồm:

  1. Nhân viên y tế
  2. Nhân viên tham gia phòng chống dịch (Ban chỉ đạo các cấp, nhân viên của các khu cách ly, phóng viên…)
  3. Nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh
  4. Lực lượng quân đội
  5. Lực lượng công an
  6. Giáo viên
  7. Người trên 65 tuổi
  8. Nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước…
  9. Những người mắc các bệnh mạn tính
  10. Người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài
  11. Người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ

Tổng cộng khoảng 18,3 triệu người sẽ tiêm vắc-xin COVID-19 trong năm 2021.

Cụ thể, với 4.886.600 liều vắc-xin COVID-19 do COVAX dự kiến cung ứng cho Việt Nam (25-35% trong quý 1/2021 và 65-75% trong quý 2/2021),

  • Trong quý 1, khoảng 1,2 triệu liều tiêm cho khoảng 500.000 nhân viên y tế và khoảng 116.000 nhân viên tham gia phòng dịch.
  • Trong quý 2, khoảng 3,6 triệu liều sẽ tiêm cho 1,8 triệu người, gồm khoảng 9.200 cán bộ hải quan, 4.080 cán bộ ngoại giao, 1,027 triệu quân nhân, 304.000 công an, 550.000 giáo viên.

Đến quý 3, theo thông báo, COVAX Facility sẽ hỗ trợ vắc-xin cho khoảng 20% dân số của các quốc gia thành viên, Việt Nam sẽ nhận tiếp khoảng 33 triệu liều tương ứng với 16 triệu người.

33 triệu liều này sẽ tiêm cho khoảng 750.000 giáo viên, 7,6 triệu người trên 65 tuổi, 1,93 triệu người cung cấp dịch vụ thiết yếu (hải quan, ngoại giao, hàng không, vận tải, du lịch) và 7 triệu người mắc bệnh mạn tính trưởng thành.

Bộ Y tế đặt ra mục tiêu 80% dân số sẽ tiêm vắc-xin phòng COVID-19 để “miễn dịch cộng đồng”. Với các nguồn vắc-xin hiện tại thì trong năm 2021-2022, số người tiêm vắc-xin dự kiến là khoảng 20% dân số, trong đó có 95% người trong nhóm nguy cơ bị nhiễm bệnh.

Vắc-xin AstraZeneca là chủng vắc-xin phòng ngừa COVID-19 do Công ty dược AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford (Anh) nghiên cứu, phát triển.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long hôm 1/2 đã ký phê duyệt có điều kiện vắc-xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca (AZD1222) trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát trở lại vào ngày 28/1. Hội đồng tư vấn cấp giấy phép đăng ký lưu hành vắc-xin và sinh phẩm y tế  đã đề xuất Bộ Y tế nhập khẩu vắc-xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca, theo thông tin từ Bộ Y tế.

Kế hoạch là sau khi nhập khẩu, vắc-xin trên sẽ được bỏ qua bước nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, mà tiến hành tiêm và lấy mẫu xét nghiệm, đánh giá sinh miễn dịch trên người Việt Nam; trong tình huống dịch vẫn lây lan mạnh thì sẽ tiêm ngay và lấy mẫu trên một nhóm người tiêm thay vì chờ dữ liệu đánh giá.

“Kết quả thẩm định cho thấy đây là vắc-xin an toàn có tỷ lệ sinh miễn dịch cao, trên 90%. Vì đây là vắc-xin đã được lưu hành, được Cơ quan Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ và Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu cho phép sử dụng nên khi về Việt Nam, vắc-xin sẽ không phải nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, chỉ tiến hành tiêm và lấy mẫu xét nghiệm, đánh giá sinh miễn dịch trên người Việt Nam. Trong tình huống dịch vẫn lây lan mạnh, thì sẽ tiêm ngay và lấy mẫu trên một nhóm người tiêm, thay vì chờ gần 2 tháng sau khi có dữ liệu đánh giá”, TS Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo nói, theo báo Thanh Niên ngày 2/2.

Trước Việt Nam, vắc-xin này được cấp phép lưu hành 1 năm hoặc nhập khẩu trong tình trạng khẩn cấp, nhập khẩu có điều kiện tại Anh, Mexico, Thái Lan, Philippines…

Nguyễn Sơn

Xem thêm: