Với con số hơn 104.000 tỷ đồng ngân sách đã chi hỗ trợ cho 68,67 triệu người bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) trong hơn 2 năm qua, bình quân mỗi người nhận được khoảng 1,5 triệu đồng. Con số bình quân trên chưa tính đến 1,4 triệu người sử dụng lao động.

2 nam nguoi bi anh huong boi covid 19 duoc chi 15 trieu dong
Công nhân Công ty TNHH SSLV Đà Nẵng trong ngày làm việc cuối cùng trước khi công ty giải thể, ngày 3/12/2022. 502 công nhân mất việc. (Ảnh: Review Đà Nẵng/Facebook)

Hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành ngày 14/1, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung cho hay trong 2 năm qua, hơn 104.000 tỷ đồng ngân sách đã được chi hỗ trợ cho 68,67 triệu người dân, người lao động và 1,4 triệu người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Số tiền hỗ trợ trên được chi trả bằng tiền mặt hoặc qua các chính sách trực tiếp và gián tiếp.

Tính bình quân mỗi người nhận được khoảng 1,5 triệu đồng trong 2 năm, chưa tính đến 1,4 triệu người sử dụng lao động cũng tham gia thụ hưởng.

Vẫn theo thông tin tại cuộc họp, trong năm 2022, 142.779 lao động Việt Nam được đưa đi làm việc ở nước ngoài (trong đó 48.835 lao động nữ), vượt gần 60% kế hoạch, gấp hơn 3 lần số người đi xuất khẩu lao động trong năm 2021.

Trong nước, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ước tính đã tuyển sinh trên 2.259 nghìn người, vượt 8,3% so với kế hoạch; số học sinh, sinh viên tốt nghiệp khoảng 2.096 nghìn người, vượt 15% so với kế hoạch.

Ông Dung nhận định hệ thống an sinh xã hội ngày càng đồng bộ và hoàn thiện với diện bao phủ ngày một mở rộng, trở thành chỗ dựa vững chắc cho người nghèo và đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, việc làm ngày càng bền vững.

Nói về những vấn đề tồn tại, ông Dung cho rằng vẫn còn nhiều thách thức về vấn đề xã hội phía trước cần phải giải quyết trong năm 2023 và thời gian tới.

Vấn đề già hóa dân số được đề cập tới đầu tiên, với nhận định Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2038, nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên sẽ chiếm trên 20% tổng dân số. “Già hóa dân số nhanh sẽ tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có vấn đề quan trọng như: thị trường lao động, an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi…”, ông Dung cho biết.

Tiếp đến là vấn đề việc làm, bao gồm vấn đề di cư, di biến động, việc làm có chất lượng và tiền công thỏa đáng; vấn đề biến đổi khí hậu đe dọa tới sinh kế của người dân, đặc biệt là khu vực dễ tổn thương như nông nghiệp, nông dân, dân tộc thiểu số,…

Đối với vấn đề việc làm phi chính thức, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH thừa nhận tỷ trọng lao động trong khu vực phi chính thức vẫn ở mức cao, phần đông người lao động Việt Nam vẫn phải đang chấp nhận làm các công việc dễ tổn thương.

Theo thống kê, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức trên cả nước trong 6 tháng đầu năm 2022 là 55,9%. Con số này được coi là một thử thách đối với hệ thống an sinh xã hội trên các phương diện bảo hiểm xã hội, năng suất thấp, khả năng tiếp cận hỗ trợ từ thị trường lao động,…

Cuối cùng là các vấn đề về đổi mới tư duy quản lý kinh tế, quản lý xã hội, xây dựng, hoàn thiện thể chế cho phù hợp cùng với cách tiếp cận mới, sáng tạo cho những vấn đề thực tiễn mới đặt ra… để hiện thực hóa việc phát triển kinh tế – xã hội.

Giải pháp trong năm 2023 do ông Dung đưa ra bao gồm việc “nỗ lực tham mưu” Chính phủ trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành một nghị quyết về chính sách xã hội giai đoạn 2023 – 2035, tầm nhìn 2045 với mục tiêu phát triển chính sách toàn diện, bền vững, hiện đại; sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, hình thành lưới an sinh xã hội để “nâng cao khả năng phòng ngừa, chống chịu và khắc phục rủi ro của nhân dân; thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng, nâng cao hiệu quả an ninh, an sinh của người dân…”

Về lâu dài, ông Dung đề cập đến việc “phải tiếp tục rà soát hoàn thiện toàn bộ khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách” để từng bước hình thành thị trường lao động “linh hoạt, đồng bộ và hiện đại”, thúc đẩy tăng năng suất lao động từ nền tảng lực lượng nhân lực khoa học công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xã hội và huy động nguồn lực xã hội…

Trong nhóm giải pháp lâu dài này, ông Dung còn đề cập đến việc cần triển khai kịp thời các chính sách an sinh xã hội, nhất là người có công, người nghèo, yếu thế; bảo đảm phát triển đầy đủ quyền của trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em; phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ.

Hơn 482 nghìn lao động trong làn sóng cắt việc, mất việc cuối năm

Tổng cục Thống kê công bố thu nhập bình quân tháng của người lao động năm 2022 là 6,7 triệu đồng, tăng 927.000 đồng so với năm 2021, tức sau 3 năm, thu nhập của người lao động tăng thêm 168.000 đồng so với mức tăng 759.000 đồng đối với cùng kỳ năm 2019.

Thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 7,6 triệu đồng, tăng 950.000 đồng so với năm trước và tăng 830.000 đồng so với cùng kỳ năm 2019; thu nhập bình quân tháng của lao động nữ là 5,6 triệu đồng, tăng 914.000 đồng so với năm trước và tăng 709.000 đồng so với cùng năm 2019.

Trong quý 4/2022, lần đầu tiên ở Việt Nam diễn ra tình trạng thiếu đơn hàng vào dịp cuối năm do tác động của tình hình an ninh chính trị nhiều nơi trên thế giới bất ổn, giá nguyên liệu, nhiên liệu, khí đốt tăng cao, buộc các nước Châu Âu phải cắt giảm chi tiêu, mua sắm vào dịp cuối năm. Cùng với đó, lãi suất và tỷ giá tăng vọt khiến các doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn và buộc phải cắt giảm lao động. Tốc độ tăng lao động trong quý 4/2022 chỉ còn 0,5% (trong quý 4/2019, thời điểm trước khi có dịch COVID-19, lao động có việc làm tăng 4.600 người (tương đương tăng gần 1%).

Theo thống kê chưa đầy đủ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từ tháng 9 đến hết ngày 10/12/2022, 482.120 người lao động tại 1.242 doanh nghiệp tại 44 tỉnh, thành phố bị giãn, giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng, mất việc.

Trong đó, 433.908 người bị giảm giờ làm hoặc đang ngừng việc có hưởng lương; 6.570 người bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; 41.642 người bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Số lao động nói trên phần lớn tập trung tại các doanh nghiệp FDI thuộc ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử…tại các tỉnh phía Nam, chiếm 70% tổng số người lao động bị ảnh hưởng trên toàn quốc.

Trong tổng số lao động bị ảnh hưởng việc làm, có khoảng 31.000 lao động nữ trên 35 tuổi, 10.000 lao động nữ nuôi con nhỏ, đang mang thai.

Nguyễn Quân