Từ ngày 1/7, khoảng 200.000 xe khách từ 9 chỗ trở lên, xe container, xe đầu kéo sẽ phải lắp camera để giám sát lái xe và hành khách.

lap camera giam sat xe khach
200.000 xe khách, xe container sẽ phải lắp camera. (Ảnh: bagps.vn)

Báo chí nhà nước hôm 11/4 cho biết Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị vận tải thực hiện việc lắp camera trước ngày 1/7 theo Nghị định số 10/2020.

Theo Nghị định, ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên, xe vận tải hàng hóa bằng container và xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông.

Hình ảnh camera trên ô tô phải được truyền với tần suất từ 12-20 lần/giờ (tương đương từ 3 – 5 phút/lần truyền dữ liệu) về đơn vị kinh doanh vận tải và đơn vị quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép nhằm kiểm soát hoạt động của lái xe, ngăn ngừa xe chở quá tải, nhồi nhét khách…

Tổng cục Đường bộ Việt Nam khuyến cáo các đơn vị lựa chọn camera chạy trên nền tảng di động 4G hoặc 5G để đảm bảo chất lượng hình ảnh, tránh lãng phí đầu tư, vì trong thời gian tới các nhà mạng viễn thông sẽ cắt sóng 2G.

Dự kiến có khoảng 200.000 xe khách, container, xe đầu kéo nằm trong diện phải lắp camera, ông Đỗ Công Thủy, Phó vụ trưởng Vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết trên báo Vnexpress.

Chi phí lắp camera quá lớn, quá sức chịu đựng của doanh nghiệp

Giữa năm 2020, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải lùi thời gian lắp camera thêm 2 năm nữa vì các doanh nghiệp vận tải đang khó khăn, bị giảm doanh thu do dịch viêm phổi Vũ Hán. Tuy nhiên, kiến nghị này đã không được chấp thuận.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết: “Hiện nhiều doanh nghiệp vận tải đang trên bờ vực phá sản. Trong khi đó, chi phí lắp camera khoảng 10 triệu đồng/xe, mỗi doanh nghiệp sẽ phải chi khoảng 1 – 2 tỷ đồng và cả nước là khoảng 8 – 9 nghìn tỷ đồng là quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. Theo các chuyên gia kinh tế thì tới năm 2022, kinh tế mới trở lại bình thường sau dịch bệnh. Để khả thi cần lùi thời hạn thêm 2 năm để doanh nghiệp phục hồi”.

Báo Giao Thông hồi năm 2020 dẫn lời ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng cho biết, cái khó nhất của doanh nghiệp khi thực hiện lắp camera là nền tảng công nghệ để tiếp nhận hình ảnh.

Ông Hải nói: “Dữ liệu từ camera lớn gấp nhiều lần dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, để quản lý được dữ liệu này là vô cùng khó khăn. Chúng tôi không thể đủ nhân lực để cả ngày ngồi kiểm tra hình ảnh của từng xe. Trên cả nước, để xử lý hình ảnh này cần số lượng nhân lực rất lớn. Vì vậy, nên lùi lại thời gian để chuẩn bị cả hệ thống hạ tầng công nghệ, nhân lực và hành lang pháp lý, xây dựng tiêu chuẩn quy chuẩn cho thiết bị camera”.

Cũng theo ông Hải, rút kinh nghiệm từ bài học thiết bị giám sát hành trình đã nhiều lần thay đổi tính hợp quy mà chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý việc giám sát bằng hình ảnh, cần xây dựng một nền tảng công nghệ tốt đảm bảo việc sử dụng hình ảnh mang lại hiệu quả quản lý cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước, tránh gây lãng phí cho xã hội.

Còn theo ông Nguyễn Trường Giang, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ trực tuyến Skysoft, “hiện chưa có quy chuẩn cụ thể của camera và cũng chưa biết đơn vị nào quản lý, cấp phép để đưa ra thị trường. Phần lớn camera trên thị trường hiện nay có xuất xứ từ Trung Quốc”.

Báo VOV Giao Thông trong bài viết “Bắt buộc lắp camera trên xe khách, container: Cấp tập thời gian, mơ hồ quy chuẩn” hồi tháng 9/2020 cho hay, kể từ khi Nghị định số 10 có hiệu lực (tháng 4/2020) với quy định về bắt buộc lắp camera đối với xe trên 9 chỗ và xe container, chỉ trong vòng 15 tháng, các doanh nghiệp buộc phải hoàn thành yêu cầu này. Trong khi, đến nay đã gần nửa thời gian trôi qua, quy chuẩn và hướng dẫn vẫn chưa có. Điều này không khác gì đánh đố doanh nghiệp.

Chưa dừng lại ở đó, ngay trong các văn bản của Bộ GTVT cũng thiếu sự thống nhất.

Nghị định 10/2020 quy định: xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên phải lắp camera bảo đảm ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe, bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống xe. Trong khi đó, Thông tư 12 cũng do Bộ GTVT ban hành lại quy định: số lượng camera lắp trên xe phải quan sát được toàn bộ hình ảnh người lái xe đang làm việc, khoang hành khách và cửa lên xuống xe.

Việc thiếu thống nhất giữa các văn bản do chính cùng một cơ quan ban hành, khiến doanh nghiệp vận tải không biết đâu mà lần. Bởi nếu theo Thông tư 12, thì số lượng camera phải lắp sẽ rất khác nhau đối với các xe 30 chỗ trở lên.

Tốn kém và băn khoăn là một chuyện, chủ doanh nghiệp còn lo ngại về nguy cơ mất an toàn cháy nổ trên xe. Cách đây ít lâu, cũng chính Bộ GTVT đã yêu cầu các đơn vị vận tải phải tháo các thiết bị lắp thêm như tivi và các thiết bị khác để ngăn ngừa nguy cơ cháy xe. Nay với quy định bắt buộc phải lắp camera, đối với xe khách đóng mới còn có thể rà soát, điều chỉnh tiêu chuẩn an toàn của hệ thống điện, nhưng với xe cũ, có niên hạn sử dụng khoảng 10 năm, an toàn cháy nổ cũng chưa được tính đến, trong khi có rất nhiều xe khách trên 30 chỗ, phải lắp 3-4 camera thì nguy cơ cháy nổ càng cao.

Đó là còn chưa kể đến việc, ghi hình đối với hành khách trên xe trong suốt quá trình xe chạy có vi phạm quyền riêng tư của hành khách hay không? Ai đảm bảo các dữ liệu này không bị rò rỉ và sử dụng vào một đích khác, ngoài dự liệu của cơ quan chức năng? Cơ sở nào để phòng ngừa và ràng buộc trách nhiệm trong trường hợp đó?

“Quá nhiều câu hỏi khiến doanh nghiệp chưa thể lắp camera cho xe chở khách từ 9 chỗ trở lên và xe container như quy định, và trách nhiệm chính, tất nhiên thuộc về cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, cụ thể là Bộ GTVT”, tờ báo viết.

Kim Long

https://trithucvn.co/tin-tuc-vn/duong-sat-cat-linh-ha-dong-du-kien-van-hanh-thuong-mai-vao-ngay-30-4.html