Bộ Y tế cho biết hiện có 3 bệnh nhân trong tình trạng rất nặng, đang điều trị tích cực. Riêng bệnh nhân số 17 đã âm tính lần 3.

viêm phổi Vũ Hán
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ cơ sở 2 (Đông Anh) hiện đang điều trị nhiều ca bệnh viêm phổi Vũ Hán tại Hà Nội. (Ảnh: J.N)

Tính đến sáng ngày 24/3, Việt Nam đã ghi nhận tổng số ca nhiễm virus Vũ Hán là 123, trong đó 17 trường hợp đã điều trị khỏi (16 trường hợp đã ra viện, 1 trường hợp là bệnh nhân thứ 18 đã 3 lần xét nghiệm âm tính, không còn ho, sốt, hoàn toàn khỏe mạnh và đã được chuyển từ Bệnh viện đa khoa Ninh Bình sang Bệnh viện đa khoa Thái Bình theo dõi sức khỏe).

106 bệnh nhân còn lại hiện đang được cách ly, điều trị tại 15 cơ sở y tế trong cả nước, trong đó có 2 bệnh nhân đang điều trị tại trung tâm y tế huyện (bệnh nhân số 73 người Anh hiện điều trị tại Trung tâm y tế huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương và bệnh nhân số 123 đang được cách ly, điều trị tại Trung tâm y tế huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre).

Các trường hợp xét nghiệm âm tính lần 1 là bệnh nhân thứ 21, 25, 28, 29, 32.

Các trường hợp xét nghiệm âm tính lần 2 là bệnh nhân thứ 24, 27, 59.

Có một trường hợp xét nghiệm âm tính lần 3 là bệnh nhân số 17 – Nguyễn Hồng Nhung (26 tuổi, trú quán tại phường Trúc Bạch (Ba Đình, Hà Nội) và cũng là ca nhiễm virus Vũ Hán đầu tiên ở Hà Nội).

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng cho biết có 3 bệnh nhân đang trong tình trạng “rất nặng” là:

  • Bệnh nhân 19 (64 tuổi, là bác ruột của bệnh nhân 17, có kèm bệnh lý nền là rối loạn tiền đình);
  • Bệnh nhân số 26 (69 tuổi, du khách Anh, có kèm bệnh lý nền là tăng huyết áp, đái tháo đường tuýp 2);
  • Người thứ ba chưa tiết lộ danh tính.

Cả 3 bệnh nhân đang được điều trị tích cực, đều đang thở máy, lọc máu, ECMO tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

ECMO (Extracorporeal Membrane Oxygenation) là phương pháp “oxy hóa qua màng ngoài cơ thể”, tạo tuần hoàn và trao đổi oxy nhờ hệ thống máy nhằm hỗ trợ chức năng sống ở bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng. Với nguyên lý hoạt động tương tự như máy tim phổi nhân tạo, mục tiêu của ECMO là tạo thời gian cho tim và/hoặc phổi được nghỉ ngơi và hồi phục.

Bộ Y tế cũng đã thành lập tổ Hội chẩn chuyên môn gồm 30 chuyên gia đầu ngành để sẵn sàng hội chẩn, hỗ trợ chuyên môn đối với các trường hợp ca bệnh nặng.

Hoàng Minh