Theo Quốc hội Việt Nam, trong 3 năm từ 2020-2022, tổng số tiền đã được huy động, trực tiếp sử dụng vào hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) và thực hiện các chính sách an sinh xã hội là khoảng 230.000 tỷ đồng, tức bình quân mỗi ngày 210 tỷ đồng được chi dùng.

covid 19 tphcm
Giới chức y mẫu xét nghiệm COVID-19 diện rộng tại phường 10 (quận Tân Bình, TP.HCM), ngày 1/7/2021. (Ảnh: Độc Lập/medinet.hochiminhcity.gov.vn)

Trên 87.000 tỷ đồng đã chi hỗ trợ…

Sáng 29/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Theo báo cáo giám sát do Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội – bà Nguyễn Thúy Anh trình bày, tính đến ngày 31/12/2022, tổng số tiền đã được huy động, trực tiếp sử dụng vào hoạt động phòng, chống dịch và thực hiện các chính sách an sinh xã hội là khoảng 230.000 tỷ đồng.

Trong đó ngân sách nhà nước là trên 186.400 tỷ đồng; hơn 43.600 tỷ đồng từ viện trợ nước ngoài, Quỹ vắc-xin phòng COVID-19, ngân sách địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp…

Ngoài ra, trên 11.600 tỷ đồng đã được huy động vào Quỹ Vắc-xin phòng COVID-19. Trong khoảng 259,3 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19 đã tiếp nhận, có gần 150 triệu liều, trị giá khoảng 24.000 tỷ đồng, là viện trợ của Chính phủ các nước.

Bà Thúy Anh cho hay có nhiều khoản đóng góp bằng sức lực, tiền, hiện vật… với nhiều khoản đóng góp, ủng hộ không lượng hóa được bằng tiền từ người dân, doanh nghiệp, Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế.

ba nguyen thuy anh
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội, sáng 29/5. (Ảnh: quochoi.vn)

Về việc sử dụng nguồn kinh phí phòng chống dịch nói trên, báo cáo cho hay trên 87.000 tỷ đồng được chi hỗ trợ cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Trong đó, chi từ Quỹ bảo hiểm xã hội, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là trên 47.200 tỷ đồng, chiếm 54,3% tổng kinh phí hỗ trợ.

4.487 tỷ đồng được chi cho lực lượng tuyến đầu và các lực lượng khác (quân đội, công an, y tế …).

Mua vắc-xin COVID-19 hết 15.134,76 tỷ đồng với 102.383.206 liều. Trong đó, ngân sách nhà nước chi 7.467,18 tỷ đồng; Quỹ vắc-xin chi 7.667,58 tỷ đồng. Số kinh phí còn lại chưa sử dụng là 262,5 tỷ đồng (gồm 137,3 tỷ đồng ngân sách nhà nước, 125,2 tỷ đồng Quỹ Vắc-xin), đã được Bộ Y tế nộp trả ngân sách nhà nước và hoàn trả quỹ.

4,6 tỷ đồng hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vắc-xin COVID-19; mua sắm kít xét nghiệm 2.593 tỷ đồng, thu phí dịch vụ xét nghiệm là 534,7 tỷ đồng.

Mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, sinh phẩm (trừ kít xét nghiệm) là 5.291 tỷ đồng…

Chi trả khám, cấp cứu, điều trị bệnh nhân COVID-19 719 tỷ đồng; sàng lọc, thu dung, cách ly y tế 89 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp cơ sở điều trị COVID-19, cơ sở cách ly, bệnh viện dã chiến 403 tỷ đồng.

Chi 96 tỷ đồng cho khoản nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin phòng, chống dịch COVID-19, Chương trình sóng và máy tính cho em, dạy học trực tuyến.

Chi khác khoảng 2.600 tỷ đồng.

Cán bộ trung ương, địa phương trục lợi trong vụ Việt Á, ‘chuyến bay giải cứu’

Quốc hội Việt Nam cho hay tổng cộng gần 13,2 triệu người và hơn 41.000 hộ kinh doanh được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ.

Tính đến 30/6/2022, gần 36 triệu người lao động, người dân; hơn 394.000 đơn vị sử dụng lao động và hơn 500.000 hộ kinh doanh được hỗ trợ tổng cộng hơn 45.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 68 và Nghị quyết số 126 của Chính phủ.

Về hạn chế, bà Thúy Anh cho hay còn chậm trễ, nhiều vướng mắc phát sinh chưa được giải quyết trong việc quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán kinh phí phòng, chống dịch từ ngân sách nhà nước trong và sau giai đoạn cao điểm.

Cụ thể, các vấn đề còn tồn đọng liên quan đến việc giải thể, bàn giao, quản lý tài sản, thanh toán, quyết toán liên quan đến các bệnh viện dã chiến, trạm y tế lưu động, cơ sở thu dung điều trị COVID-19.

Ngoài ra, việc quản lý, điều phối nguồn lực xã hội còn hạn chế, lúng túng…; thiếu thốn thiết bị bảo hộ; chậm chi trả tiền cho nhân lực tham gia phòng, chống dịch.

“Đã có những sai phạm nghiêm trọng… đặc biệt trong công tác nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép lưu hành, hiệp thương giá, tổ chức sản xuất, mua bán kít xét nghiệm COVID-19 liên quan đến Công ty Việt Á và việc tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước cách ly tại cơ sở dân sự, tự nguyện trả phí trong thời gian dịch COVID-19. Nhiều cán bộ ở trung ương và địa phương bị xử lý hình sự” – bà Thúy Anh nêu.

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, trong hai năm 2020 và 2021, các đơn vị đã mua sắm sinh phẩm, hóa chất, kít xét nghiệm với các mức giá khác nhau, tùy thuộc vào chủng loại, xuất xứ, hãng sản xuất. Trong đó có một số đơn vị mua kít xét nghiệm từ Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á giá trị lên tới 2.161,6 tỷ đồng (trực tiếp hoặc qua đơn vị trung gian phân phối).

Ở một số đơn vị, địa phương ghi nhận việc mượn, mua vật tư, kít xét nghiệm, sinh phẩm xét nghiệm từ các nhà cung cấp với nhiều hình thức khác nhau như có hoặc không có văn bản thỏa thuận, có hoặc không có hợp đồng, đơn giá, phương án hoàn trả,… hoặc thiếu thông tin chi tiết, chủ yếu chỉ có biên bản bàn giao, với tổng giá trị hàng hóa mượn theo hợp đồng, thỏa thuận là 1.061 tỷ đồng và mượn bằng hiện vật không có giá trị.

Kiểm toán Nhà nước đã chuyển danh sách các đơn vị, địa phương mượn, mua kít xét nghiệm có dấu hiệu bất thường sang Thanh tra Chính phủ.

Nguyễn Quân