Bộ Y tế Việt Nam cho rằng nguyên nhân tử vong của hai trường hợp tại Hà Nội và Bắc Giang “là do sốc phản vệ độ 4”. Còn ca tử vong tại Bình Phước, giới chức Y tế tỉnh này cũng kết luận nguyên nhân tử vong tương tự như Bộ Y tế.

covid 19 tiem vac xin tre em ha noi
Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 28/11, Việt Nam đã có 34/63 tỉnh thành phố triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ từ 12 – 17 tuổi, với 3.512.874 mũi đã tiêm. (Ảnh: hanoimoi.com.vn)

Hôm 1/12, Sở Y tế Bình Phước đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn chuyên môn để đánh giá trường hợp bé Đ.T. (12 tuổi, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú) tử vong sau tiêm vắc-xin phòng COVID-19.

Theo Hội đồng chuyên môn, vắc-xin sử dụng tiêm cho bé T. là Comirnaty/Pfizer-BioNTech (lô FK0888), có hạn dùng đến tháng 2/2022.

“Quy trình tổ chức tiêm chủng, bảo quản và sử dụng vắc-xin theo đúng quy định của Bộ Y tế”, Hội đồng chuyên môn cho biết và khẳng định “nguyên nhân tử vong của cháu T. là do sốc phản vệ mức độ 4 trên cơ địa bệnh nhân nhạy cảm, tình trạng sốc nặng kéo dài dẫn đến thiếu máu và tổn thương cơ tim, phổi, thần kinh và các cơ quan khác”.

Trước đó, khoảng 15h30 ngày 29/11, bé T. tiêm vắc-xin tại Trạm Y tế xã Tân Lợi. Sau khi tiêm xong, bé T. được đưa ra khu vực riêng để theo dõi 30 phút. Đến khoảng 16h, bé T. không có biểu hiện gì bất thường, nên trở về nhà.

Khoảng thời gian từ 17h đến 18h30 ngày 29/11, sau khi ăn tối, bé bị nôn và đi cầu, có biểu hiện mệt, không thở được. Sau đó, gia đình đưa bé T. đến Bệnh viện Quân dân y 16 cấp cứu.

Do diễn biến xấu, có dấu hiệu viêm cơ tim cấp nên đến 2h15 ngày 30/11, bé T. được chuyển tuyến lên Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM điều trị. Đến khoảng 5h cùng ngày, bé tử vong.

Bình Phước: Bé trai 12 tuổi tử vong sau tiêm vắc-xin COVID-19

Ngoài Bình Phước, mới đây, tại Hà Nội và Bắc Giang cũng ghi nhận mỗi tỉnh một ca tử vong sau khi tiêm vắc-xin COVID-19 Pfizer.

Tại Hà Nội, một nữ sinh lớp 9 tại huyện Thường Tín đã tiêm vắc-xin vào khoảng 8h14 ngày 27/11. Đến khoảng 10h ngày 28/11, nữ sinh tử vong.

Tại Bắc Giang, một nam sinh tiêm vắc-xin vào hơn 10h sáng hôm 24/11. Do diễn biến nặng, nam sinh được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) điều trị.

Trong 4 ngày điều trị, bệnh nhân luôn trong tình trạng nặng, duy trì chạy ECMO, lọc máu. Đến trưa 28/11, do suy đa tạng không hồi phục, bệnh nhân tử vong.

Bộ Y tế Việt Nam hôm 30/11 kết luận nguyên nhân tử vong của 2 trường hợp trên đều liên quan đến “phản ứng phản vệ độ 4, không liên quan đến vắc-xin và thực hành tiêm chủng”.

BBC hôm 30/11 dẫn lời GS Nguyễn Văn Tuấn (Đại học New South Wales) cho hay “sốc phản vệ là một nguyên nhân tử vong rất thường hay xuất hiện ở Việt Nam sau khi có những trường hợp tử vong sau tiêm vắc-xin. Nhưng công chúng không được cung cấp chi tiết về trường hợp tử vong. Chẳng hạn như có xét nghiệm nồng độ tryptase trong máu hay không…”, vị GS Tuấn nói.

Việt Nam chính thức triển khai việc tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 12 – 17 tuổi từ đầu tháng 11; dự kiến tiêm cho khoảng 9 triệu trẻ, số liều vắc-xin sử dụng khoảng 18 triệu liều.

Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 28/11, Việt Nam đã có 34/63 tỉnh thành phố triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ từ 12 – 17 tuổi, với 3.512.874 mũi tiêm. Trong đó, tiêm mũi 1 là 2.828.743 liều và mũi 2 là 684.131 liều.

Tại Việt Nam, vắc-xin sử dụng tiêm cho trẻ em 12-17 tuổi là vắc-xin Comirnaty (Pfizer), sử dụng tương tự như ở người từ 18 tuổi trở lên với liều lượng 0,3 ml mỗi liều, tiêm bắp. Lịch tiêm gồm 2 mũi, khoảng cách giữa 2 mũi từ 3 đến 4 tuần (21-28 ngày).

Thống kê riêng trên vắc-xin Pfizer, Việt Nam đã triển khai tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên với tổng số mũi tiêm đã thực hiện là 17.214.268 mũi tiêm, trong đó mũi 1 là 8.960.664 liều và mũi 2 là 8.253.604 liều.

Minh Long

Xem thêm:

Nam học sinh ở Bắc Giang tử vong sau tiêm vắc-xin Pfizer: Sốc phản vệ độ 4