Vụ sạt lở ăn sâu vào đất liền hơn 5 m, kéo 30 m đường của tỉnh lộ 873 xuống sông Vàm Vé (tỉnh Tiền Giang), cắt đứt hoàn toàn tuyến giao thông qua một số xã của huyện Gò Công Tây và thị xã Gò Công.

sạt lở tiền giang
Toàn bộ mặt tỉnh lộ 873 rộng khoảng 6m bị sạt xuống sông Vàm Vé. (Ảnh: thtg.vn)

Vụ sạt lở xảy ra vào khoảng 16h ngày 25/2, trên tuyến đường tỉnh 873 (thuộc ấp 1, xã Bình Xuân, TX. Gò Công, đoạn qua cầu Bình Thành, tỉnh Tiền Giang).

Ngoài làm đổ sụp hoàn toàn một đoạn đường dài 30 m xuống sông Vàm Vé (biên sạt lở vượt khỏi phạm vi nền mặt đường và lấn sâu vào bên trong đất liền), vụ sạt lở còn làm tường rào, trụ điện và khoảng sân trước của một ngôi nhà ven đường tỉnh lộ 873 bị sạt xuống sông.

Bà Văn Thị Bạch Tuyến, chủ ngôi nhà bị thiệt hại do sạt lở cho biết trước đó đoạn đường trước cửa nhà chưa có dấu hiệu gì, đến chiều 25/2, nhiều đường nứt xuất hiện và sạt lở xảy ra rất nhanh.

Do giao thông bị cắt đứt, lực lượng chức năng phong tỏa hai đầu sạt lở, đặt rào chắn, biển báo…, đồng thời làm đường tạm vòng qua ruộng lúa. Sở Giao thông Vận tải (GT-VT) tỉnh Tiền Giang phối hợp với UBND thị xã Gò Công, UBND xã Bình Xuân vận động các hộ dân cho mượn phần đất phía sau đoạn sạt lở làm đường tạm (chiều dài khoảng 150m, chiều rộng 3m).

sạt lở tiền giang
Lực lượng chức năng gấp rút làm đường tránh tạm sau vụ sạt lở. (Ảnh: baoapbac.vn)

UBND xã Bình Xuân cũng đưa thêm một phương tiện đưa rước khách tại bến đò Bình Xuân.

Đối với phương tiện giao thông đường bộ gồm xe 2 bánh, 3 bánh và ô tô có tổng tải trọng dưới 3,5 tấn tạm thời lưu thông theo hướng từ quốc lộ 50 (ngã 3 Thành Công) vào tỉnh lộ 873 hoặc đường huyện 99C vào tỉnh lộ 873 và ngược lại.

Nguyên nhân ban đầu được đưa ra là gần đây, tỉnh Tiền Giang bơm vét nước từ sông Vàm Vé để cứu nguy cho cánh đồng lúa khu vực này dẫn đến sông cạn đáy, gây ra sạt lở ven bờ. Các ngành chức năng đang điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc.

Tháng 9/2019, UBND tỉnh Tiền Giang công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đối với 4 điểm, gồm:

  • Bờ sông Bảo Định, Thành phố Mỹ Tho;
  • Đê biển Gò Công, đoạn từ cống Tân Thành đến cầu Rạch Gốc, huyện Gò Công Đông;
  • Bờ sông Tiền khu vực cù lao Tân Phong, huyện Cai Lậy;
  • Tại khu dân cư ấp Đèn Đỏ, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông.

Ngoài 4 điểm nguy cơ trên, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có trên 100 điểm sạt lở, trong đó nghiêm trọng nhất là tại bờ Nam kênh Chợ Gạo, kênh Ba Rài, kênh Nguyễn Tấn Thành, kênh Nguyễn Văn Tiếp sông Tiền, sông Bảo Định và khu vực ven đê biển Gò Công.

Nguyễn Quân

Xem thêm: